19/03/2011 - 14:48

Nguy cơ phóng xạ sau thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật:

Công nhân Fukushima "chạy đua" với thời gian

Nhiều hành khách chờ chuyến bay rời khỏi Nhật Bản tại sân bay Narita ở Tokyo. Ảnh: AP

Các kỹ sư Nhật đang chạy nước rút để khôi phục dây cáp điện nhà máy hạt nhân Fukushima với hy vọng phục hồi các máy bơm để đưa nước vào bể chứa các thanh nhiên liệu hạt nhân đang nóng lên từng giờ nhằm ngăn chặn thảm họa phát tán phóng xạ.

Có thể đưa bê tông vào lò phản ứng

Sau khi công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), công ty vận hành nhà máy Fukushima, rút nhân viên khỏi nhà máy chỉ để lại số ít các kỹ sư cần thiết nỗ lực làm nguội các lò phản ứng, báo giới Mỹ và phương Tây cho rằng hàm lượng phóng xạ ở khu vực này đã tăng rất cao và tình hình không thể kiểm soát được. Đến nay, báo giới vẫn hoài nghi rằng ngay cả khi các kỹ sư kết nối đường dây điện thành công, cũng không chắc rằng các máy bơm sẽ hoạt động trở lại vì chúng đã bị hư hỏng do động đất hoặc các vụ nổ khí hydro sau đó.

Ngày 17-3, TEPCO cho biết họ đang cân nhắc sử dụng bê tông cho vào lò phản ứng để ngăn phóng xạ hạt nhân, nhưng ưu tiên thực hiện những nỗ lực làm lạnh các lò phản ứng. Vì vậy, việc dùng trực thăng thả nước và phun vòi rồng vào các lò phản ứng số 3 và 4 tại nhà máy Fukushima tiếp tục diễn ra. Chính quyền Nhật cũng hy vọng có thể nối lại đường dây điện vào cuối tuần này để khôi phục các máy bơm và hệ thống làm lạnh.

Theo cơ quan an toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật Bản, mức phóng xạ đã giảm xuống tại Fukushima vào hôm qua 18-3, khi đo được vào lúc 5 giờ sáng (giờ địa phương) là 279,4 microsievert/giờ, so với 292,2 microsievert/giờ lúc 8 giờ 40 tối 17-3.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng họ hoài nghi TEPCO đang hạ thấp nguy cơ khủng hoảng hạt nhân. Mỹ sẽ đưa Hệ thống đo lường trên không (AMS), một trong những thiết bị tinh vi nhất thế giới, tới Nhật nhằm giúp các đồng nghiệp ở Tokyo đánh giá chính xác hơn tình hình hiện nay. AMS được gắn vào máy bay hoặc trực thăng thu thập các mẫu không khí và giám sát mặt đất. Thông tin sẽ được dùng để vẽ bản đồ màu sắc về mức phóng xạ và ô nhiễm phóng xạ.

Ồ ạt rời Tokyo

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng khủng hoảng hạt nhân ở Nhật không gây nguy hiểm tới Mỹ, nhưng ông đã yêu cầu xem lại toàn bộ các nhà máy hạt nhân trong nước. Washington cũng bắt đầu đưa công dân Mỹ rời khỏi Nhật Bản tới các nơi an toàn ở châu Á. Các nước khác cũng có động thái tương tự. Chính quyền Hồng Công giục công dân rời khỏi Tokyo tới miền Nam Nhật Bản hoặc về nước vì “tình hình diễn biến khó lường”. Hồng Công đang sắp xếp các chuyến bay thêm để đưa công dân rời khỏi sân bay Narita ở Tokyo.

Nhiều công ty cũng chuyển hoạt động khỏi Tokyo. Hãng hàng không Anh British Airways là hãng mới nhất rút nhân viên khỏi Tokyo. Ngân hàng Societe Genarale lớn thứ hai của Pháp nói họ sẽ hỗ trợ nhân viên nước ngoài và gia đình rời khỏi Nhật nếu có yêu cầu, trong khi các nhân viên bản xứ có thể làm việc tại nhà hoặc di chuyển tới nơi an toàn.

Trong khi đó, hãng tin Anh Reuters dẫn lời một quan chức Đài Loan cho biết, khoảng 25 hành khách từ Nhật Bản tới Đài Loan đang được theo dõi vì có giày và quần áo nhiễm phóng xạ cao. Hàn Quốc cũng tuyên bố 3 hành khách đến từ Nhật Bản có phóng xạ bất thường trên nón và áo khoác.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật làm xuất hiện những kêu gọi cải tổ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Một số nhà khoa học yêu cầu xem lại vai trò của IAEA vì thiếu sự giám sát hiệu quả đối với các nhà máy hạt nhân. Giám đốc IAEA Yukiya Amano (người Nhật) đã rời trụ sở ở Vienne (Áo) trở về Nhật cùng với nhóm chuyên gia quốc tế để nắm bắt tình hình, sau khi phàn nàn về việc thiếu thông tin từ Nhật Bản.

N. MINH
(Theo NYT, Reuters, LA Times)

Nhiều hành khách chờ chuyến bay rời khỏi Nhật Bản tại sân bay Narita ở Tokyo. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết