04/07/2018 - 21:57

Công nghệ sản xuất nước ép từ trái cây tươi 

Dự án khoa học và công nghệ “Ứng dụng quy trình công nghệ của Trường đại học Cần Thơ để sản xuất nước uống từ trái cây tươi” vừa được UBND quận Ninh Kiều thông qua, với kinh phí thực hiện khoảng 1,5 tỉ đồng. Hiện tại, Ban chủ nhiệm dự án đang phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thành các thủ tục pháp lý để sớm triển khai dự án vào thực tế trong thời gian tới.

Tiểu thương thu mua xoài của người dân tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.  Ảnh: KHÁNH TRUNG
Tiểu thương thu mua xoài của người dân tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.  Ảnh: KHÁNH TRUNG

Dự án Khoa học Công nghệ sản xuất nước ép từ trái cây tươi ứng dụng kết quả nghiên cứu do PGS.TS Nguyễn Phú Son- Quyền Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm đề tài, nhằm chế biến và trắc nghiệm thị trường các sản phẩm nước ép từ mãng cầu xiêm, thanh long ruột đỏ và xoài làm cơ sở cho việc thương mại hóa các sản phẩm từ nước ép trái cây, dựa trên liên kết “4 nhà”: nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh và nhà nông. PGS.TS Nguyễn Phú Son cho biết: “Mục tiêu đầu tiên của dự án là hướng tới việc phát triển của TP Cần Thơ nói chung và quận Ninh Kiều nói riêng, làm sao đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp cho thanh niên, những doanh nghiệp vừa và nhỏ có những ý tưởng tốt. Thứ hai, nếu như dự án thành công sẽ cung cấp được một nguồn thực phẩm an toàn. Thứ ba là chuyển giao, kết nối được những nghiên cứu của nhà khoa học vào thực tiễn, nếu dự án thành công cũng sẽ giải quyết một phần trong khâu tiêu thụ nông sản cho nông dân ở Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL”.

Một phần kinh phí thực hiện dự án do UBND quận Ninh Kiều hỗ trợ, phần còn lại do doanh nghiệp tham gia dự án đóng góp. Thời gian đầu, được xác định là giai đoạn trắc nghiệm, khảo sát thị trường nhằm ghi nhận những đánh giá về sản phẩm như: mẫu mã, chất lượng, mùi vị, giá cả… từ đó có sự hiệu chỉnh cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Giai đoạn tiếp theo là chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp sản xuất theo hướng thương mại hóa sản phẩm. PGS.TS Nguyễn Phú Son nói thêm: “Quy mô của dự án này rất phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đặc điểm là vốn không quá nhiều, trình độ kỹ thuật không bằng nhà máy chế biến khác, cũng phù hợp cho thanh niên có muốn khởi nghiệp trong điều kiện hiện nay…”.

Trước mắt, ba loại trái cây là mãng cầu xiêm, thanh long ruột đỏ và xoài sẽ được đưa vào chế biến và dự án sẽ tiếp tục nghiên cứu sử dụng các loại trái cây khác theo phương châm “mùa nào thức nấy”. Đây hứa hẹn sẽ là một trong những kênh tiêu thụ nông sản triển vọng cho người nông dân. Khi được  biết sắp tới dự án sản xuất nước uống từ trái cây tươi sẽ được triển khai, ông Nguyễn Văn Oanh – Tổ hợp tác sản xuất thanh long ruột đỏ ấp Trường Khương A, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, bày tỏ: “Nếu bên dự án đảm bảo tiêu thụ thanh long với giá cả phải chăng, đầu ra ổn định thì chúng tôi rất đồng tình, sẵn sàng hưởng ứng. Dự án này thành công thì có lợi cho người nông dân lắm”.

Bà Võ Phương Thảo, Trưởng Phòng Kinh tế quận Ninh Kiều, cho biết: “Dự án này được thực hiện trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của người dân là muốn có sản phẩm chất lượng, an toàn. Giúp cho người nông dân tiêu thụ những sản phẩm trái cây kích thước không đồng đều hoặc vẻ ngoài không được đẹp. Thứ hai, cũng tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn. Hiện tại dự án này đang được hoàn tất các thủ tục pháp lý, có thể khoảng tháng 8, tháng 9 bắt đầu triển khai thực hiện".

Dự án Khoa học Công nghệ sản xuất nước ép từ trái cây tươi nếu được triển khai thành công, một lần nữa khẳng định hiệu quả của chuỗi liên kết “4 nhà”: nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh và nhà nông. Dự án không chỉ giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tốt, mà còn mở rộng đầu ra, nâng cao giá trị nông sản, tạo cơ hội và khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp. 

TRỌNG NGHĨA

Chia sẻ bài viết