30/07/2013 - 21:19

CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU TRỰC TUYẾN

Công lý cho nạn nhân chất độc da cam

Hướng tới ngày "Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam" (10-8), sáng 30-7, tại Hà Nội, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề "Công lý cho nạn nhân chất độc da cam".

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Giáo sư, Luật sư Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Luật sư Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh) đã tham gia giao lưu và trả lời các câu hỏi của bạn đọc.

Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, quân đội Mỹ không chỉ sử dụng các loại vũ khí sát thương mà còn biến nước ta thành một phòng "thí nghiệm sống" để nghiên cứu, thử nghiệm các loại hóa chất phục vụ cho quân sự và chiến tranh hóa học. Trong những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, quân Mỹ đã rải hàng nghìn tấn chất độc da cam - chất độc thuộc nhóm 1 - nguy hiểm nhất xuống Việt Nam nhằm tìm ra các căn cứ bí mật của Quân đội Việt Nam. Thành phần chính của nhóm chất độc này là dioxin. Những hậu quả do hóa chất gây ra không chỉ tác hại đến môi trường sinh thái Việt Nam, mà còn ảnh hưởng rất nặng nề cho sức khỏe con người. Chiến tranh đã lùi xa nhưng thảm họa da cam vẫn còn đó. Nhiều căn bệnh tiềm ẩn, nguy hiểm, có tính di truyền gây ra nhiều dạng bệnh tật, gây đau đớn triền miên về thể xác, tổn thương nghiêm trọng về tinh thần cùng nhiều hậu quả, lâu dài cho con người và toàn xã hội. Việc khắc phục thảm họa do cuộc chiến tranh này gây ra không phải một sớm một chiều mà cần có sự nỗ lực bền bỉ và trách nhiệm của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế.

Tham gia giao lưu, các vị khách mời đã trả lời thẳng thắn, trách nhiệm, giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc về: những ảnh hưởng của chất độc da cam đối với sức khỏe con người; các chế độ chính sách với nạn nhân da cam, kết quả của cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân... Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã phối hợp với các lực lượng liên quan, nhất là các cơ quan báo chí - truyền thông, tạo sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế quan tâm đến vấn đề da cam; coi việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là tình cảm, là trách nhiệm của mỗi người và của cả cộng đồng xã hội; đẩy mạnh phong trào "Hành động vì nạn nhân chất độc da cam". Hội đã tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách và tư vấn, phản biện các chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; vận động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Tính đến hết năm 2012, VAVA đã vận động ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin được 630 tỉ đồng.Từ nguồn quỹ, Hội đã trợ cấp làm gần 3.000 ngôi nhà; xây dựng 19 trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam ở địa phương; trao học bổng, tặng quà, hỗ trợ vốn sản xuất, cấp xe lăn và các dụng cụ phục hồi chức năng cho nạn nhân, khám, chữa bệnh… góp phần chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Tại buổi giao lưu, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã chia sẻ về những nghiên cứu của bà với các đồng nghiệp về sự liên quan, liên hệ nhân quả các trường hợp trẻ có dị tật bẩm sinh với chất độc da cam/dioxin nói riêng và các chất độc hóa học khác của Mỹ trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam nói chung. Là người từ đầu tham gia vào cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam và là một trong 4 nhân vật trong Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh đòi công lý này, GS. Luật gia Lưu Văn Đạt đã cung cấp cho bạn đọc thông tin về quá trình đấu tranh của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.

Qua buổi giao lưu, bạn đọc và nhân dân cả nước hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam; những nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học. Chương trình góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về thảm họa da cam ở Việt Nam; kêu gọi các nguồn lực xã hội để ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho nạn nhân, hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam.

HƯƠNG THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết