12/09/2016 - 21:23

Cộng đồng trách nhiệm trong quản lý, ngăn ngừa sinh vật ngoại lai

Thời gian qua, các loài sinh vật ngoại lai du nhập vào Việt Nam qua nhiều con đường khác nhau. Bên cạnh những sinh vật có thể mang lại giá trị kinh tế, cũng có nhiều loài phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng đến các loài bản địa và làm giảm sự đa dạng sinh học. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ thường xuyên phối hợp với các sở, ngành hữu quan tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết và năng lực quản lý Nhà nước về ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai, ngăn chặn sự suy giảm của các loài bản địa, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao năng lực quản lý, ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai.

* Hiểu biết để ngăn ngừa

Sinh vật ngoại lai xâm hại đã thích nghi và phát triển trong một hệ sinh thái hoặc nơi sống tự nhiên là nguyên nhân gây ra sự thay đổi và đe dọa đa dạng sinh học bản địa. Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trương Thị Nga, Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, với sự phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thương mại giữa các nước, các địa phương, con người đã vô tình hay hữu ý mang theo các loài sinh vật từ nơi này sang nơi khác. Nhiều loài sinh vật lây nhiễm hoặc trà trộn trong hàng hóa, phương tiện vận chuyển, thậm chí trên quần áo, giày dép rồi được con người mang theo đến môi trường sống mới một cách không chủ định. Một số loài khác được con người du nhập trong một mục đích hẹp, như nghiên cứu khoa học, làm cảnh, rồi sau đó phát tán ra ngoài. Nhiều loài sinh vật được con người chủ động du nhập nhằm phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp... rồi sau đó trở thành các loài có hại.

Các nhà khoa học đã thống kê trên thế giới có khoảng 100 loài sinh vật ngoại lai gây hậu quả nghiêm trọng. Thông tư Liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT của Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liệt kê danh sách 25 loài xâm hại, 15 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam, 42 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chưa xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Tại TP Cần Thơ, thực hiện Dự án "Kế hoạch Đa dạng sinh học TP Cần Thơ định hướng đến năm 2020", Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã điều tra các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn. Qua đó, xác định 6 loài thực vật ngoại lai xâm hại điển hình, phân bố diện rộng (mai dương, trinh nữ móc, lục bình, trâm ổi, cúc bò, sò đo cam) và 5 loài động vật ngoại lai (bọ cánh cứng hại dừa, ốc bươu vàng, ốc sên châu Phi, cá lau kính lớn, cá lau kính bé) gây hại đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương. Theo ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, các sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào môi trường sống bằng nhiều hình thức. Tác động của loài ngoại lai gây ra phức tạp và một khi loài ngoại lai xâm hại đã thích nghi với môi trường sống, sẽ rất khó khống chế. Do đó, công tác tuyên truyền, thông tin đại chúng về ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai cần được quan tâm đúng mức, nhất là cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về các loài sinh vật ngoại lai.

Cây mai dương được xác định là loài xâm hại và phân bố chủ yếu trên đất phi nông nghiệp, chưa gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ.

* Cần cộng đồng trách nhiệm

Những loài ngoại lai xâm hại gây ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, chia sẻ: Trong số các sinh vật ngoại lai xâm hại đã có mặt trên địa bàn thành phố, ốc bươu vàng và cá lau kính là hai loài đã thiết lập được quần đàn trong tự nhiên. Trong đó, cá lau kính đào hang rất dữ dẫn đến phá hại bờ ao cũng như cạnh tranh với các loài cá bản địa về môi trường sống, thức ăn. Ốc bươu vàng gây hại chủ yếu cho cây lúa và có những thời điểm bùng phát thành dịch khiến nông dân phải tốn nhiều công sức và chi phí diệt trừ. Để ngăn ngừa nguy cơ từ các loài xâm hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi nhiều thông báo đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, nuôi thủy sản để khuyến cáo không nuôi các loài thủy sản có nguy cơ xâm hại như các lau kiếng, rùa tai đỏ, ốc bươu vàng... để tránh phát tán và nhân rộng các loài này trong môi trường tự nhiên.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, đối với các loài thực vật ngoại lai xâm hại, trên địa bàn thành phố có cây mai dương là loài đáng quan tâm và chiếm diện tích lớn nhất. Tuy nhiên, cây mai dương chỉ hiện diện chủ yếu trên đất phi nông nghiệp, các khu dân cư, khu công nghiệp và không ghi nhận sự xâm lấn của loài này trên các diện tích đất canh tác. Các loài như cúc bò, trâm ổi, sò đo cam, chủ yếu được người dân trồng để ngăn cỏ dại, làm kiểng, tạo cảnh quan và chỉ xuất hiện rải rác nên chưa tác động đáng kể đến các loài thực vật khác hay ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trương Thị Nga, Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, nhiều loài ngoại lai xâm hại không thể hiện tác hại của chúng ngay khi du nhập vào môi trường mới, mà thường trải qua một giai đoạn phát triển. Giai đoạn này dài hay ngắn tùy thuộc vào từng loài cũng như vào đặc điểm môi trường mà chúng được du nhập. Do đó, các cơ quan chức năng cần xếp nhóm những sinh vật ngoại lai cần tiêu diệt, những sinh vật cần ngăn ngừa và khuyến khích thực hiện các biện pháp kiểm soát, tiêu diệt các loài ngoại lai xâm hại. Cần tăng cường trang bị kiến thức chuyên môn cho các cơ quan quản lý nhà nước để đánh giá đúng mức độ nguy hại của các loài sinh vật ngoại lai và có kế hoạch quản lý, ngăn ngừa trong ngắn hạn và dài hạn.

Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, chia sẻ: Các bộ, ngành liên quan cần tăng cường và đa dạng hóa các nguồn đầu tư, đảm bảo kinh phí cho công tác ngăn ngừa, kiểm soát, diệt trừ và tiến tới loại bỏ các loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm. Để ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL cần xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tổ chức diễn đàn, mạng lưới trao đổi kinh nghiệm về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành có liên quan của thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn, hướng dẫn cộng đồng thực hiện các giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn hiệu quả sự du nhập, lan truyền các loài ngoại lai xâm hại gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết