12/05/2013 - 20:38

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Đến cuối năm 2012, thành phố đã cấp được 383.505 giấy chứng nhận lần đầu với diện tích khoảng 131.835,4ha. Trong ảnh: Một góc Trung tâm thương mại Thốt Nốt.

TP Cần Thơ có tổng diện tích tự nhiên khoảng 140.895ha; trong đó có khoảng 136.489,5 ha phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận). Đến cuối năm 2012, thành phố đã cấp được 383.505 giấy chứng nhận lần đầu với diện tích khoảng 131.835,4ha. Như vậy, thành phố phải tiếp tục cấp khoảng 4.654,12ha còn lại với 20.498 thửa. Tuy nhiên, công tác này được đánh giá là chậm so với kế hoạch do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

* Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 28 - 1- 2013 UBND TP Cần Thơ về đẩy mạnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII và Chỉ thị số 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì: Thời điểm hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận lần đầu cấp quận, huyện là trước ngày 30-7-2013 và cấp thành phố là trước ngày 30-9-2013. Tuy nhiên, số liệu thống kê mới nhất từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ, đến trung tuần tháng 4-2013, cấp quận, huyện chỉ mới cấp 1.781/17.484 số thửa phải cấp giấy chứng nhận, tỷ lệ 10,19%; cấp thành phố tham mưu UBND thành phố ra quyết định giao 63/1.416 thửa đất phải cấp giấy chứng nhận.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho rằng: Dù luôn được sự quan tâm chỉ đạo của UBND thành phố, sự phối hợp thực hiện của UBND các quận nhưng công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần diện tích còn lại (khoảng 4.654,12ha) thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do chủ sử dụng đất không xác định ranh giới, mốc giới thửa đất hoặc tranh chấp đất đai chưa kịp thời giải quyết dứt điểm. Nhiều hộ gia đình, cá nhân đã bỏ địa phương đi nơi khác nay không còn ở địa phương để kê khai cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, cũng còn nhiều trường hợp chủ sử dụng đất trước đây đã chuyển nhượng bằng giấy tờ tay qua nhiều người sử dụng hoặc đã chết, hoặc bỏ đi nơi khác lập nghiệp, không còn ở địa phương nên việc xác minh nguồn gốc đất gặp khó khăn. Một số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đã chết, những  người thừa kế còn lại chưa kê khai thừa kế do đi làm ăn xa, chưa có điều kiện để chia thừa kế cũng là nguyên nhân chưa được cấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu gặp khó khăn còn do một số hộ gia đình, cá nhân chưa hiểu quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; chưa hiểu tầm quan trọng của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa khẩn trương kê khai đăng ký theo đúng quy định và tiến độ. Trong quá trình xây dựng bản đồ, lập hồ sơ địa chính trước đây (sổ mục kê) sai sót tên chủ sử dụng đất, vị trí, hình thể thửa đất so với thực tế sử dụng nên gây khó khăn trong xét duyệt và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kinh phí để thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận lần đầu theo Chỉ thị số 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa được phê duyệt nên UBND  các quận, huyện chưa có kinh phí thực hiện, cũng ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với  các tổ chức đang sử dụng phải qua nhiều công đoạn như: Tờ trình UBND quận, huyện (đối với các đơn vị trực thuộc), trình UBND thành phố ban hành quyết định công nhận diện tích hoặc giao đất, chuyển cơ quan thuế ra thông báo trước bạ đất… Một số tổ chức đang sử dụng đất chưa chấp hành nghiêm pháp luật đất đai, chưa thật sự phối hợp tốt với sở TN&MT…

* Gỡ khó như thế nào?

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong quản lý, sử dụng đất đai nhưng cũng rất khó khăn và phức tạp. Vì vậy, cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các ngành hữu quan; thường xuyên kiểm tra, đánh giá sát tình hình, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm từng bước hoàn thiện và đưa công tác quản lý, sử dụng đất ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối, ông Dương Tấn Hiển, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, đề ra giải pháp: Đối với các trường hợp tranh chấp hoặc chưa thống nhất về ranh giới thửa đất thì kết hợp tổ hòa giải ở cơ sở tiến hành hòa giải, vận động các chủ sở hữu sử dụng đất thống nhất ranh giới thửa đất. Đối với các trường hợp có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất do nhận chuyển nhượng đất qua nhiều giai đoạn mà chủ sử dụng đất theo hồ sơ địa chính đã chết hoặc bỏ địa phương, thì tiến hành xác minh lấy ý kiến khu dân cư để xác minh nguồn gốc, tình trạng tranh chấp… Trên cơ sở niêm yết công khai theo quy định trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các trường hợp sai sót do quá trình lập hồ sơ địa chính trước đây, Phòng TN&MT kết hợp với UBND xã, phường, thị trấn tiến hành đo đạc hiện trạng thực tế. Trên cơ sở xác minh làm rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất theo thực tế sử dụng, điều chỉnh toàn khu sai sót để có cơ sở lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng theo quy định. Những trường hợp người sử dụng đất gốc đã chết mà người sử dụng hiện tại chưa lập thủ tục thừa kế để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cho phép những người được thừa kế lập văn bản (theo quy định) cử người đại diện đăng ký kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.

Vừa qua, tại cuộc họp trực tuyến thường kỳ tháng 4-2013, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng đề nghị: Các sở, ngành hữu quan, UBND các cấp phải đặc biệt quan tâm việc tổ chức thực hiện triển khai công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, cần tập trung công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ chung của người sử dụng đất. Song song đó, các địa phương cần rà soát lại số hộ chưa được cấp giấy chứng nhận lần đầu để đối chiếu theo phương pháp cuốn chiếu từng khu vực, từng ấp... Trên cơ sở đó phân loại và giải quyết rốt ráo từng trường hợp, từ vụ việc cụ thể… Các địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành đoàn thể; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc chấp hành các quy định, quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính ở các cấp để phát hiện, khắc phục và xử lý kịp thời các sai phạm trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, để quản lý và khai thác tốt tài nguyên đất đai trong thời gian tới theo hướng chính quy và hiện đại, Sở TN&MT TP Cần Thơ kiến nghị: Bộ TN&MT trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020. Bộ TN&MT sớm hoàn chỉnh hướng dẫn trình tự, thủ tục gian hạn sử dụng đất nông nghiệp khi đến hạn sử dụng (đất trồng cây hằng năm); thường xuyên tổ chức mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ chuyên trách góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: Hà Triều

 

Chia sẻ bài viết