28/01/2019 - 13:46

Con người sắp khai khoáng trên Mặt trăng 

Tập đoàn sản xuất tên lửa của Pháp ArianeGroup và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa đạt được thỏa thuận phát triển chương trình khai thác regolith trên Mặt trăng đầy tham vọng.

Phối cảnh khai thác tài nguyên trên bề mặt Mặt trăng. Ảnh: The Nation

Lớp đất đá phủ trên bề mặt “chị Hằng” còn gọi là regolith và có thể chiết xuất nhiều nước và ôxy từ nguyên liệu này. Nhờ nước và ôxy, trong tương lai con người có thể lưu lại trên Mặt trăng lâu hơn. Không chỉ giúp các nhà du hành sinh tồn, nước còn hỗ trợ việc sản xuất nhiên liệu tên lửa trên Mặt trăng hoặc thực hiện những chuyến thám hiểm đến những nơi xa hơn ngoài vũ trụ. Sứ mệnh không người lái của ESA cũng sẽ tìm hiểu những nguồn tài nguyên nào có thể chiết xuất từ regolith, trong bối cảnh gần như toàn bộ bề mặt Mặt trăng chưa được khám phá. Được biết, lớp regolith dày trung bình 3,65m, có nơi
đến 5m.

Kế hoạch khai thác regolith vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu. Trong một năm, ArianeGroup sẽ kiểm tra tính khả thi của việc khai thác lớp hỗn hợp này. ArianeGroup đang bắt tay với nhóm kỹ sư tại PTScientist (Đức) và công ty Space Application Services ở Bỉ để vạch ra một kế hoạch toàn diện, bao gồm chế tạo một tàu đổ bộ trên Mặt trăng và phần mềm điều khiển người máy thu hoạch regolith. Dự kiến trong năm tới, ArianeGroup sẽ thực hiện một trong những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên bằng tên lửa đẩy Ariane 64 với trọng tải tối đa 8,5 tấn, trước khi tiến hành sứ mệnh khai thác regolith vào năm 2025.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng không đơn giản chỉ là đưa đất đá Mặt trăng vào máy rồi chờ thu hoạch các vật liệu cần thiết. Tách những thành phần hữu ích trên Mặt trăng sẽ không dễ như trong môi trường trọng lực thấp ở Trái đất và chúng ta vẫn chưa biết ảnh hưởng của regolith đối với máy móc. Tính chất nhám của bụi Mặt trăng có thể gây hư hại các thiết bị khai thác hoặc bào mòn lớp phủ bảo vệ bên ngoài tàu vũ trụ. Chưa rõ ảnh hưởng của regolith đối với sức khỏe con người như thế nào, nhưng nó được cho có tính phản ứng hóa học mạnh hơn bụi trên hành tinh chúng ta. Các nhà du hành hít phải lượng nhỏ regolith theo thời gian có thể mắc các bệnh về thần kinh hoặc hô hấp.

Do vậy, lắp đặt hệ thống robot khai thác regolith trên Mặt trăng trước khi con người đặt chân lên được cho là giải pháp lý tưởng. Khi con người đến đây, người máy đã thu hoạch sẵn các vật liệu để chúng ta sử dụng. Điều này cũng làm giảm bớt chi phí cũng như sự phức tạp khi phóng tàu vũ trụ.

Thật ra, châu Âu không phải là bên duy nhất dòm ngó các nguồn khoáng sản trên Mặt trăng. Trung Quốc và Ấn Độ cũng háo hức chiết xuất nhiên liệu hạt nhân mang tên helium-3. Helium-3 có thể dùng để tạo ra năng lượng hạt nhân an toàn hơn và thậm chí làm nhiên liệu vận hành các phi thuyền không gian trong tương lai.

THANH BÌNH (Theo NY Post, Fortune)

Chia sẻ bài viết