Từ USA 94 đến thương vụ chiêu mộ Cristiano Ronaldo và mới đây là chính thức trở thành nước chủ nhà World Cup 2034, Saudi Arabia đã thực hiện nỗ lực rất nhiều để giành quyền lực thể thao mang tính lịch sử.
Tuyển Saudi Arabia đã có 6 lần dự World Cup. Ảnh: Reuters
Vương quốc giàu dầu mỏ này nộp đơn xin đăng cai World Cup 2034 hồi tháng 10-2023. Do Úc rút lui vào giờ chót, Saudi Arabia trở thành ứng viên duy nhất trong cuộc đua giành quyền đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh vào năm 2034.
Tháng rồi, Ban tổ chức đã công bố kế hoạch xây dựng sân vận động Quốc vương Salman với sức chứa 92.000 người tại Thủ đô Riyadh, nơi sẽ diễn ra trận khai mạc và trận chung kết của giải đấu. Sân này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2029. Saudi Arabia hiện chỉ có 2 sân vận động với sức chứa 40.000 người, trong khi World Cup 2034 cần 14 sân như thế.
Tuy nhiên, việc được trao quyền đăng cai World Cup 2034 tại đại hội bất thường của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) hôm 11-12 đánh dấu bước tiến mới nhất trong lịch sử phát triển lâu dài của bóng đá Saudi Arabia. Liên đoàn Bóng đá Saudi Arabia (SAFF) được thành lập vào năm 1956. Mặc dù ra mắt giải vô địch quốc gia vào những năm 1970 nhưng mãi đến thập niên 1980, Saudi Arabia mới lần đầu góp mặt tại đấu trường quốc tế, đó là AFC Asian Cup - cúp bóng đá dành cho các đội tuyển quốc gia châu Á. Saudi Arabia vô địch giải này vào năm 1984.
10 năm sau, Saudi Arabia tạo đột phá với lần đầu tham dự World Cup 1994 tại Mỹ. Đến năm 2016, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud công bố chiến lược cho tương lai đất nước, mang tên Tầm nhìn 2030. Tầm nhìn này chứa đựng tham vọng “vươn tới sự xuất sắc trong các môn thể thao chuyên nghiệp được lựa chọn ở phạm vi khu vực và toàn cầu”.
Từ chỉ thị trên, nhiều thay đổi đã diễn ra nhưng một động lực chuyển mình khác lại đến từ kỳ World Cup 2018 trên đất Nga. Đó là lần đầu tiên đội tuyển mang biệt danh “Chim ưng xanh” đoạt vé dự World Cup sau 12 năm.
Trong năm 2019, Chủ tịch Cơ quan giải trí tổng hợp Saudi Arabia, ông Turki al-Sheikh, bắt tay thực hiện sứ mệnh đưa thể thao toàn cầu đến quốc gia Trung Đông này. Ông Sheikh đạt được thỏa thuận mang trận Siêu cúp Ý về Riyadh, đánh dấu trận bóng đá nước ngoài đầu tiên được tổ chức tại Saudi Arabia. Vị này còn ký thỏa thuận hợp tác chung với Liên đoàn Bóng đá Ý, cam kết phát triển đội ngũ nhân viên hành chính và kỹ thuật cũng như chia sẻ những kinh nghiệm làm bóng đá. Saudi Arabia hiện có 48 thỏa thuận tương tự với các liên đoàn trên khắp thế giới.
Song song đó, Chủ tịch SAFF Yasser al-Misehal cải cách mạnh mẽ môn bóng đá, đưa chuyên môn từ nước ngoài về và đầu tư vào các cơ sở vật chất. Chính ông đã sắp xếp đưa trận Siêu cúp Tây Ban Nha đến Saudi Arabia.
Năm 2021, Quỹ Đầu tư Công Saudi Arabia (PIF) với tài sản hơn 400 tỉ USD đã mua lại toàn bộ cổ phần CLB Newcastle của Anh. Tại World Cup 2022, tuyển Saudi Arabia đã gây chấn động thế giới khi đánh bại Argentina có siêu sao Lionel Messi với tỷ số 2-1.
Chỉ vài tuần sau, ngôi sao Cristiano Ronaldo rời Manchester United để gia nhập Al-Nassr, nhận mức lương 213 triệu USD/năm. Thương vụ này báo hiệu một giai đoạn mở rộng mới của Giải bóng đá chuyên nghiệp Saudi Arabia (SPL). Ngoài việc mua lại cổ phần từng đội trong nhóm “4 ông lớn” của Saudi Arabia, gồm Al-Hilal, Al-Ittihad, Al-Nassr và Al-Ahli, PIF còn chi hơn 190 triệu USD để kéo thêm nhiều ngôi sao quốc tế về SPL.