Trước kỳ họp HĐND thành phố lần thứ 16 (vừa diễn ra vào cuối tháng 6-2009), các đại biểu HĐND thành phố đã tiếp xúc trên 2.500 lượt cử tri. Qua đó, có trên 400 lượt ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri về các lĩnh vực kinh tế- xã hội, cũng như đã đề đạt nguyện vọng, bức xúc của mình. Ngoài những vấn đề đã được chất vấn và trả lời tại kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, quận huyện có liên quan trả lời những kiến nghị, bức xúc của bà con cử tri. Báo Cần Thơ ghi lại một số “lời hứa” giải quyết của các sở, ngành, quận huyện để bà con cử tri thành phố cùng tham gia giám sát.
KHẨN TRƯƠNG RÀ SOÁT, THỰC HIỆN QUY HOẠCH
Bà con cử tri phường Long Hòa, quận Bình Thủy, phản ánh dự án (DA) xây dựng sân Golf Cần Thơ (phường Long Hòa, quận Bình Thủy), quy hoạch 5 năm nay, nhưng không thực hiện, gây nhiều xáo trộn trong cuộc sống của người dân. Cử tri đề nghị ngành chức năng rà soát, nếu thấy không có khả năng thực hiện thì xóa DA để người dân an tâm sản xuất. Vấn đề này, ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, cho biết: DA sân Golf Cần Thơ, do Công ty Cổ phần Hồng Lam làm chủ đầu tư với diện tích 151 ha, bao gồm sân Golf 18 lỗ, khu nhà ở và tái định cư. Hiện nay, tiến độ thực hiện của DA chậm, do phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với đường điện cao thế đi qua nơi quy hoạch xây dựng DA. Bên cạnh đó, do chủ đầu tư chưa nắm được những thay đổi về thủ tục đầu tư nên các công đoạn thực hiện DA bị chậm trễ. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Để đảm bảo quyền lợi cho người dân và căn cứ vào các quy định của pháp luật, Sở đang phối hợp cùng các ngành, UBND quận Bình Thủy xem xét các vấn đề có liên quan đến DA để thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi giấy phép chứng nhận đầu tư.
Nhiều cử tri ở các huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ đề nghị thành phố tiếp tục bố trí vốn để đầu tư tiếp giai đoạn 2 của các cụm dân cư vượt lũ, vì hiện nay cơ sở hạ tầng (nhất là giao thông) ở đây chưa hoàn thiện, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thành phố đã có chủ trương cho các địa phương bán đấu giá 30% số nền ở các cụm dân cư vượt lũ để có vốn tiếp tục tái đầu tư cho hạ tầng. Tuy nhiên, do các địa phương thực hiện bán nền rất chậm, nên kinh phí tái đầu tư hạn chế. Do đó, các địa phương phải đẩy nhanh việc bán đấu giá số nền theo quy định để tái đầu tư.
 |
Dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No vẫn còn nhiều nơi “đứt đoạn”, nên chưa phát huy tác dụng kiểm soát lũ, chủ động tưới tiêu, giao thông đường bộ cũng vì thế còn nhiều trắc trở. Trong ảnh: nhiều cống hở ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền chưa được thi công, nên thấp hơn so với mặt đê - đường giao thông, làm khó khăn trong việc đi lại của người dân. |
DA Thủy lợi Ô Môn Xà No, thuộc DA phát triển Thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, được thực hiện từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới(WB). Đến cuối năm 2007, hết thời hạn giải ngân vốn theo hiệp định đã ký kết, WB không tiếp tục giải ngân nguồn vốn nên DA phải tạm dừng trong khi còn nhiều hạng mục dở dang. Tại nhiều địa phương (Phong Điền, Cờ Đỏ, Ô Môn) nhiều tuyến cống hở chưa được thi công, ảnh hưởng đến giao thông. Do còn nhiều tuyến kinh chưa xây dựng cống, nên việc phát huy hiệu quả kiểm soát lũ, chủ động tưới tiêu của người dân trong vùng DA cũng chưa thực hiện được. Cử tri đề nghị ngành chức năng tiếp tục đầu tư kinh phí để hoàn thiện công trình, phát huy hiệu quả của DA thủy lợi lớn này. Trước những bức xúc của bà con cử tri, ông Vũ Viết Hưng, Phó Giám đốc Ban quản lý Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 10 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Để hoàn thiện DA, ngày 9-3-2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt DA đầu tư xây dựng DA thủy lợi Ô Môn-Xà No giai đoạn 2; trong đó, có đoạn qua địa phận TP Cần Thơ. Hiện nay, chủ đầu tư đang khảo sát, lập bản vẽ thi công. Dự kiến sẽ triển khai thực hiện vào cuối năm 2009. Sau khi hoàn thành, DA sẽ phát huy hiệu quả kiểm soát lũ, phục vụ tưới tiêu, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn.
QUAN TÂM XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG
Vấn đề đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội bao giờ cũng được cử tri quan tâm tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố. Cử tri xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ phản ánh: Hiện nay, còn rất nhiều người dân chưa có điện sử dụng, một số hộ sử dụng điện “câu đuôi”, giá cao, không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, tại xã Thạnh Phú, xã Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ) đường dây điện trung thế được kéo qua từ 4-5 năm nay, nhưng không có đường dây hạ thế để phục vụ nhu cầu sử dụng điện của người dân. Liên quan trực tiếp đến kiến nghị của cử tri xã Thới Xuân, ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Công trình xây dựng mới đường dây hạ thế các xã Thới Xuân là một phần trong DA xây dựng đường dây hạ thế các xã Thới Đông, Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ), Đông Bình, Đông Thuận, Định Môn (huyện Thới Lai) đã khởi công xây dựng vào ngày 26-6 vừa qua. Dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11-2009. Tiếp đó, ngày 30 tháng 6 vừa qua, Sở Công thương cũng đã khởi công DA xây dựng tuyến điện hạ thế Thạnh Quới, Thạnh An, Vĩnh Trinh, Thạnh Lộc, Thạnh Mỹ, Trung Hưng, Thạnh Phú, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11-2009.
Bên cạnh những vấn đề dân sinh, vấn đề đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn cũng được nhiều cử tri quan tâm. Cử tri huyện Vĩnh Thạnh phản ánh là một huyện thuần nông, nhưng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất của người dân còn hạn chế, đê bao chưa khép kín, các kinh thủy lợi bị bồi lắng chưa được nạo vét, nông dân không thể chủ động tưới tiêu, ảnh hưởng đến năng suất, giá thành nông sản... Trong khi đó, DA kiểm soát lũ Nam Đòn Dong- Bắc Cái Sắn đã có quyết định đầu tư của thành phố từ năm 2007, nhưng đến nay chưa được ngành chức năng triển khai thực hiện. Trong văn bản trả lời Thường trực HĐND thành phố, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: DA kiểm soát lũ Nam Đòn Dong - Bắc Cái Sắn đã được UBND thành phố phê duyệt vào tháng 1-2007, gồm 3 gói thầu với tổng mức đầu tư 16,2 tỉ đồng. Đầu năm 2009, thành phố mới giao kế hoạch vốn cho DA. Hiện nay, gói thầu số 1 (bao gồm nạo vét 11 kinh cấp II và kênh nội đồng ở 2 xã Thạnh An và Thạnh Thắng) đã có quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công-dự toán và đang tiến hành lập hồ sơ mời thầu thi công. Gói thầu số 2 (nạo vét 12 kinh cấp II và nội đồng của 2 xã Thạnh Quới và Thạnh Mỹ) khởi công trong tháng 7 và hoàn thành sau 270 ngày thi công. Gói thầu số 3 (nạo vét kinh Trục và kinh Ranh) đang trong giai đoạn lập thiết kế bản vẽ thi công dự toán của gói thầu, dự kiến cuối quý 3-2009 sẽ tổ chức đấu thầu thi công.
Cử tri quận Bình Thủy phản ánh việc mở rộng đường Cách Mạng Tháng Tám Lê Hồng Phong đã được thông báo gần 2 năm qua, nhưng đến nay chưa thấy ngành chức năng xúc tiến các bước triển khai thực hiện DA. Sở Giao thông Vận tải cho biết: DA này đã được phê duyệt vào tháng 11-2007 và đang được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2009. Hiện nay, Hội đồng bồi thường thiệt hại của DA đã họp và thông qua phương án bồi thường thiệt hại tổng thể để trình cấp thẩm quyền phê duyệt và tiến hành áp giá đền bù.
“HỨA” BỒI THƯỜNG, TÁI ĐỊNH CƯ
26 hộ dân bị ảnh hưởng bởi DA xây dựng Siêu thị Metro Cash Hưng Lợi đề nghị giải quyết tái định cư, vì DA đã hoàn thành đã lâu, nhưng người dân vẫn còn tạm cư. Vấn đề này, ông Võ Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: Sau khi hoàn thành khu tái định cư Metro Cash, UBND quận đã phối hợp với trung tâm Phát triển quỹ đất và các ngành chức năng tiến hành tổ chức bốc thăm, giao nền tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, số lô nền của 26 hộ dân này đang nằm trên phần đất đã có quyết định thu hồi của ông Châu Hoàng Nam. Hiện ông Châu Hoàng Nam đang kiện quyết định thu hồi đất của UBND quận tại Tòa án nhân dân TP Cần Thơ. Do ông Hoàng Nam chưa giao đất, nên 26 hộ dân này chưa nhận được nền trên thực địa, Nhà nước có bố trí tạm cư cho các hộ dân chi trả tiền thuê nhà đến khi nhận được nền để xây dựng nhà ở. UBND quận Ninh Kiều cũng đề nghị Tòa án Nhân dân thành phố sớm đưa vụ việc xét xử theo thủ tục quy định để quận sớm có nền bố trí tái định cư cho người dân.
Riêng 21 hộ dân bị ảnh hưởng bởi DA cầu Bình Thủy 2, nhưng chưa nhận tiền bồi thường, do không thống nhất giá bồi thường. Ông Đinh Văn Thảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải trả lời: “UBND thành phố đã chấp thuận phương án hỗ trợ 50% nhà- vật kiến trúc cho người dân bị ảnh hưởng. Hội đồng đền bù sẽ trình hội đồng thẩm định xem xét phê duyệt bổ sung và thông báo chi trả cho dân.
Trước thắc mắc của người dân về tiến độ bồi thường thiệt hại, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Quốc lộ 91B, Ban Quản lý DA Đầu tư Xây dựng thành phố cho biết: Nhìn chung, công tác chi trả bồi thường của DA xây dựng Quốc lộ 91B đã hoàn thành từ năm 2005. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, do phát sinh hạng mục bệ phản áp của cầu Giáo Dẫn (phường Phước Thới, quận Ô Môn), nên có thêm 9 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện tại, các cơ quan chuyên môn đã hoàn thành công tác kê biên và áp giá bồi thường, đang trình Hội đồng thẩm định xem xét, quyết định. Đối với vấn đề tái định cư, Ban Quản lý DA đã trình hội đồng thẩm định phương án tái định cư phân tán cho 7 hộ đủ điều kiện. Sau khi có quyết định phê duyệt, Ban Quản lý DA sẽ tiến hành chi trả cho người dân. Riêng 1 hộ ở đoạn giáp với Quốc lộ 91, do còn tranh chấp đất trong gia tộc nên Ban quản lý DA chưa chi trả bồi thường thiệt hại.
***
Thời gian qua, với sự tác động của các đại biểu HĐND thành phố, nhiều vấn đề bức xúc của bà con cử tri được các cơ quan chức năng tập trung giải quyết. Tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri và đại biểu HĐND vẫn còn nhiều vấn đề mà cơ quan chức năng giải quyết chậm, “hứa” nhiều lần. Cử tri thành phố hy vọng rằng, những “lời hứa” trước cử tri của cơ quan chức năng tại kỳ họp HĐND thành phố lần thứ 16 vừa qua không chỉ là những lời hứa suông, hứa cho qua, mà “nói phải đi đôi với làm”.
Bài, ảnh: THỤY KHUÊ