12/03/2021 - 10:27

Có một vị giám đốc nặng nghĩa phù sa 

Một buổi trà dư tửu hậu thời COVID-19, giữa thời kì nhiều doanh nghiệp đang bị buộc phải “rảnh”, tôi bỗng bận lòng về những bước đi khác người của vị giám đốc lạ của một doanh nghiệp quen. Đó là ông Đồng Ngọc Danh - Giám đốc chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Mai Linh tại TP Cần Thơ.

Anh Trần Công Bình - Một trong những công dân đầu tiên của Xóm Mai Linh.

Anh Trần Công Bình - Một trong những công dân đầu tiên của Xóm Mai Linh.

Hỏi ra mới biết ông Danh đã đảm nhiệm Giám đốc vùng 9 (Tây Nam Bộ) của doanh nghiệp này đã gần chục năm, văn phòng đặt tại Cần Thơ. Vậy mà tôi chưa từng biết ông. Dù công ty mà ông đang vận hành luôn có mặt trên từng cây số. Lí do là vì: ông không thích cà phê và không biết uống bia nên các buổi giao lưu doanh nghiệp thường vắng mặt. Ông cũng bận đi xây dựng “5 cái có” cho nhân viên của mình: “Có xe - Có nhà - Có bảo hiểm - Có sổ tiết kiệm và Có thẻ chăm sóc sức khoẻ”.

Trong khi nhiều doanh nghiệp bật chế độ ứng phó dịch bệnh, cầm cự chờ đợi hoặc tạm thời ngưng hoạt động theo tình thế thì vị giám đốc này lại “ngược dòng” quay lại chăm lo đời sống nhân viên của mình. Nhưng đó không phải là chiến thuật “tức thời”, giữ lòng người đồng hành qua dịch mà là con đường dài ông Danh đã đi suốt 10 năm qua.

Ngôi nhà của một cư dân xóm Mai Linh vừa được sửa sang lại trước Tết Nguyên đán.

Ngôi nhà của một cư dân xóm Mai Linh vừa được sửa sang lại trước Tết Nguyên đán.

Hơn 10 năm trước ông Nam tiến từ quê nhà Nam Định vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Lúc ấy ông 30 tuổi. Bến đỗ là Tập đoàn Mai Linh. Thử thách tự tìm đến người đặc biệt khi anh thanh niên Nam Định nhận lệnh điều chuyển về Sóc Trăng mở thị trường và cắm sào làm Giám đốc đơn vị. Văn hoá, thị trường, thói quen tiêu dùng… tất cả bắt đầu từ con số 0. Gầy dựng vững vàng ở Sóc Trăng trong vài năm, màu xanh của hãng taxi quen phủ đến tận vùng nông thôn cũng là lúc ông rời "phum sóc" về thủ phủ Tây Đô. Tại đây ông trở thành Giám đốc Vùng của Tập đoàn Mai Linh, quản lý, chăm lo công ty tại 8 tỉnh thành miền Tây bằng cách “miền Tây” nhất có thể. An Giang, Phú Quốc, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau dần “xanh” trên bản đồ Mai Linh. Đương nhiên ông là người “mở đất”. Khắp nẻo miền Tây đều lăn bánh taxi xanh, từ hơn trăm đầu xe giờ đã là 1.000 đầu xe.

Với cái tâm, cái tầm của người lèo lái một doanh nghiệp khiến ông Danh luôn đau đáu về việc xây tổ ấm cho những anh em lái xe còn khó khăn. Và rồi cách đây 4 năm, trong cơn sốt đất miền Tây, ông Danh đã quyết định mua 10 nền đất, mỗi nền hơn 80m2; cất nhà, trải bê tông mở đường, mời anh em lái xe về chọn nơi xây tổ ấm. Ngày đi mua cả ngàn mét vuông đất, ông Danh chạy chiếc xe máy cọc cạch về huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Mục tiêu của ông là làm sao kiếm được mảnh đất đủ rộng trên chục hộ cộng cư, để làm nên một “xóm Mai Linh” đặc trưng miền sông nước, chia sẻ cùng nhau lúc tối lửa tắt đèn. Mức giá mà họ phải trả trước: 0 đồng! Qua lời kể của “cư dân Mai Linh”, ngày đó xóm chỉ có lau sậy, đường cát lún xe máy chạy không tới. Vậy mà giờ đây, từ con đường nhựa 3m ban đầu do ông Danh tự bỏ tiền túi ra làm, với sự hỗ trợ của chính quyền, đường sá đã thẳng tắp thênh thang xe ô tô đi qua được, những ngôi nhà mới khang trang chỉ đợi chủ nhân vào mừng tân gia.

 Xe taxi Mai Linh công nghệ do anh Trần Công Bình làm chủ.

 Xe taxi Mai Linh công nghệ do anh Trần Công Bình làm chủ.

“Xóm Mai Linh” được thành hình như thế, từ tấm lòng và trăn trở của người đứng đầu vùng. Anh Trần Công Bình, nhà đầu tư, lái xe, cư dân xóm Mai Linh chia sẻ: Lúc bấy giờ, năm 2016, mỗi mảnh đất trị giá 110 triệu đồng, mỗi căn nhà cấp bốn trị giá 40 triệu đồng. Anh Danh nói: “Anh em cứ mua “chịu”, tiền trừ dần vào lương tháng”. Nhưng qua nhiều tháng, anh em lái xe chưa thấy trừ, anh Danh lại nói “Thôi, khi nào có thì trả, trừ lương còn gì lo cho con cái ăn học!”. Sau 4 năm, số tiền nhà đất đã được chúng tôi trả đủ, vẫn là 150 triệu đồng”. Với vị giám đốc này, không có khái niệm trượt giá, càng không có lãi suất. Phần lãi của ông chính là sự an cư lạc nghiệp của anh em lái xe.

Đến nay, nhiều căn nhà nhỏ đã nở ra to hơn, đẹp hơn, trẻ con “xóm Mai Linh” cũng dần đông hơn. Đã mua nhà thì không thể thiếu tậu xe. Những lái xe lại được tiếp sức để trở thành chủ xe. Trong bốn điều dại dột “Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” thì Ông Danh với tư cách cá nhân chọn “lãnh nợ”! Ông Danh đứng ra bảo lãnh để nhân viên vay ngân hàng mua xe trả góp mà không cần cam kết nào. Với ông, nếu anh em có xe để kinh doanh, họ sẽ trở thành đối tác thay vì mãi đi làm thuê cho công ty.

ng Đồng Ngọc Danh - Giám đốc chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Mai Linh tại TP Cần Thơ.

Ông Đồng Ngọc Danh - Giám đốc chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Mai Linh tại TP Cần Thơ. 

Mới đây, sau cơn sóng doanh thu lên xuống bất thường do dịch bệnh, ông nhận ra nhân viên cần thêm sự tích lũy lâu bền. Ông Danh đã vận động nhân viên mở sổ tiết kiệm để “tích tiểu thành đại”, phòng hờ trong những trường hợp thu nhập bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Không giúp được con cá, ông giúp cần câu và chỉ luôn cách câu sao cho đừng mất mồi. Từ không thành có là điều có thật với ông Giám đốc Vùng này.

Nếu không có tổ ấm trả trước “0 đồng”, nếu không có một bàn tay tiếp sức của vị giám đốc hết lòng vì nhân viên, thật không dễ để những người lái xe của Mai Linh vùng 9 vững vàng tay lái, yên lòng xây dựng tổ ấm, trọn vẹn vai trò trụ cột kinh tế gia đình.

Câu chuyện tưởng là chuyện trong nhà của một doanh nghiệp nhưng nếu đặt trong bối cảnh xã hội đặc biệt như hôm nay thì đó lại là hướng đi bền vững cho việc kinh doanh nói chung. Quay về chăm lo cho nhân viên, nâng họ lên thành đối tác cũng chính là “củng cố cái gốc, chăm sóc cái ngọn” cho nguồn sống của một doanh nghiệp. Nếu giúp nhân viên vững vàng trong sự nghiệp, kiên định trong niềm tin thì sự may rủi, bấp bênh từ ảnh hưởng dịch bệnh sẽ không lay động được nền tảng doanh nghiệp.

Bài, ảnh: PV

Chia sẻ bài viết