21/10/2009 - 06:45

NHU CẦU TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG

Có kiến thức xã hội, ý thức cộng đồng trách nhiệm với doanh nghiệp ...

Các doanh nghiệp tích cực tham gia các ngày hội tuyển dụng với mong muốn tìm được những cộng sự có năng lực, nhiệt tình và trách nhiệm.

Thời điểm hiện nay, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã trở lại thế ổn định, nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, phần nào chi phối các hoạt động, trong đó có nhu cầu tuyển dụng lao động. Trong hầu hết các tiêu chuẩn tuyển dụng, ngoài các điều kiện chuẩn về độ tuổi, trình độ học vấn, chuyên môn, tùy theo từng vị trí công tác, môi trường làm việc, khi tiếp cận nhà tuyển dụng, ứng viên phải thể hiện được tố chất, hiểu biết kiến thức xã hội; biết gắn bó, chia sẻ khó khăn và cộng đồng trách nhiệm với doanh nghiệp...

* Không thiếu cơ hội

Sau hơn 5 phút được nhân viên của Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Thanh niên TP Cần Thơ tư vấn, hướng nghiệp, bạn Huyền Trân, vừa tốt nghiệp ngành Kế toán Trường Trung học Quản lý doanh nghiệp, do Liên minh Hợp tác xã TP Cần Thơ tổ chức, được giới thiệu đến thử việc ở Công ty Tuấn Hiền. Khá nhiệt tình, năng động, thạo vi tính, có kinh nghiệm làm kế toán, báo cáo thuế cho một công ty tư nhân (làm thêm), Huyền Trân vui vẻ cho biết: “Lúc trước, khi mới tiếp cận với công việc kế toán, em cũng bỡ ngỡ và lo lắng, nhưng vẫn cố gắng vượt qua và làm tốt. Sắp tới, em tự nhủ phải nỗ lực, thể hiện khả năng và vận dụng các kiến thức đã học vào công việc”. Một lao động nam tốt nghiệp Đại học ngành Kế toán, được Trung tâm giới thiệu vào vị trí nhân viên giám sát bán hàng cho một doanh nghiệp tư nhân tại quận Ninh Kiều, cho biết: “Trước đây, tôi đã làm công việc này cho một doanh nghiệp ở Vĩnh Long. Nhưng do gia cảnh đơn chiếc, tôi phải nghỉ làm và về Cần Thơ xin việc. Đã có kinh nghiệm nên tôi nghĩ mình sẽ thuận lợi ở môi trường làm việc mới”.

Nhân viên tư vấn của Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ cho biết: Các chức danh được giới thiệu cho số lao động trên đều đang được các doanh nghiệp rao tuyển. Từ đầu tháng 9-2009 đến nay, Trung tâm đã giới thiệu gần 300 lao động có việc làm. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao ở các chức danh: nhân viên kế toán, bán hàng, phát triển thị trường; công nhân kỹ thuật các ngành hàn, tiện, điện; dịch vụ du lịch... 9 tháng đầu năm 2009, Trung tâm giới thiệu trên 3.500 lao động có việc làm, tuy nhiên, chỉ mới đáp ứng được trên 20% nhu cầu của các doanh nghiệp.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Liên đoàn Lao động (DVVL LĐLĐ) TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, Trung tâm giới thiệu gần 600 lao động đến các doanh nghiệp, nhiều nhất là các chức danh nhân viên kế toán, kế đến là nhân viên bán hàng, thị trường. Hầu hết ứng viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp các ngành kế toán hoặc liên quan đến chuyên môn kế toán thường dễ có việc làm.

Nhu cầu lớn nhất hiện nay là lao động phổ thông cho các ngành nghề. Công ty Cổ phần Phân bón hóa chất Cần Thơ, Công ty Cổ phần Cafatex, Công ty sản xuất thực phẩm sạch CP (vốn 100% Thái Lan)... có nhu cầu tuyển công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông, nhưng không tuyển được nhiều. Ngoài việc ủy thác tuyển dụng ở các Trung tâm GTVL, các doanh nghiệp còn tổ chức tuyển và tiếp nhận lao động tại chỗ với những điều kiện hết sức đơn giản, cần nhất là có sức khỏe, chịu khó, có kỷ luật lao động và làm việc lâu dài. Vào các đợt sản xuất cao điểm, các doanh nghiệp đến các xã ngoại thành, các Trung tâm GTVL để chờ tuyển lao động. Nhu cầu tuyển người giúp việc nhà, tạp vụ cho gia đình, cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đang rất “nóng”... Theo nhận định của ngành chức năng, lâu nay, thị trường sức lao động tồn tại sự phân bố lao động phổ thông không đồng đều ở các ngành nghề, tập trung vào ngành nghề này nhưng hụt hẫng ở ngành nghề khác. Qua khảo sát, người lao động thích làm nhân viên bán hàng, tiếp thị hàng hóa, giới thiệu sản phẩm... hơn là vào làm việc trong phân xưởng, nhà máy, gò bó theo ca kíp, giờ giấc, dây chuyền...

* Luôn xem trọng chất lượng lao động

Có thể nói, nhà tuyển dụng rất quan tâm đến chất lượng lao động. Trong các cuộc hội nghị, hội thảo, ngành chức năng cũng tập trung mổ xẻ, phân tích và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ: Trên 42.000 lao động được giới thiệu việc làm từ đầu năm đến nay của toàn TP Cần Thơ, đa số thông qua kênh của các Trung tâm GTVL và doanh nghiệp tự tuyển. Chất lượng lao động ở đây ngoài các điều kiện về trình độ, chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ, tin học (kỹ năng chuyên môn), ứng viên cần có kiến thức xã hội; thể hiện sự cầu tiến, chịu khó; gắn bó, biết cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp; khả năng thích ứng với áp lực, cường độ công việc cao; khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm... (tố chất). Hiện nay, hầu hết các thông báo tuyển dụng lao động dễ dàng thấy các yêu cầu về tố chất chiếm ưu thế hơn kỹ năng chuyên môn, nhưng nhiều người lao động không đáp ứng được.

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ để thu hút lao động đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu công việc. Và trong thực tế đã có một số người chứng tỏ được năng lực trong công việc, được cất nhắc giữ vị trí quan trọng ở các doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất ít ứng viên đạt yêu cầu mong muốn. Những tố chất doanh nghiệp cần lại là khiếm khuyết của đa số ứng viên, do người lao động quen dùi mài lý thuyết trên giảng đường, ít tham gia hoạt động đoàn thể, xã hội, ít tiếp xúc, cọ xát thực tiễn đời sống, sản xuất, kinh doanh... nên hạn chế kiến thức, hiểu biết xã hội.

Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Trung tâm DVVL LĐLĐ TP Cần Thơ, cho rằng: “Càng nhiều cơ hội việc làm thì một bộ phận người lao động càng bộc lộ nhiều điểm yếu: thiếu tâm huyết, không mục tiêu nghề nghiệp, tâm lý ngại đi làm xa, ngại khó, chê lương thấp, chỉ thích làm ở nội ô, làm giờ hành chính để đi học thêm...”. Nguyên nhân chủ yếu của việc khó tuyển lao động phổ thông không phải là vấn đề thu nhập mà do người lao động không chịu đi làm xa, chỉ nghĩ đến cuộc sống hiện tại, không lo lợi ích lâu dài. Tâm lý dao động, không ổn định khi làm việc của người lao động làm phát sinh hiện tượng lao động bỏ việc, nhảy việc... Ngoài ra, cần đưa bộ môn hướng nghiệp vào chương trình giáo dục THCS (năm cuối) để giúp học sinh định hình nhận thức và tìm hiểu về vấn đề này.

Cũng theo nhận định của lãnh đạo các đơn vị chức năng, việc quản lý, sử dụng lao động của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thật sự bài bản, chuyên nghiệp, khiến nhiều lao động làm chưa bao lâu đã bỏ việc. Một nhân viên có thể kiêm nhiệm nhiều việc, từ kế toán kiêm thủ quỹ, nhân viên bảo vệ kiêm thủ kho, nhân viên bán hàng thường xuyên bị sai bảo, áp đặt làm những việc ngoài chuyên môn... tạo sự bất hợp tác, không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp vừa và nhỏ ở người lao động. Chính vì vậy, ngành chức năng cần có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp về kinh nghiệm quản lý, sử dụng và phân công lao động, tạo sự hưng phấn, an tâm và gắn bó với người lao động.

Từ nay đến cuối năm, các ngành nghề kể trên tiếp tục có nhu cầu, đồng nghĩa với việc người lao động có thể tìm cho mình việc làm phù hợp trình độ, khả năng để vừa có thu nhập, vừa phát huy năng lực, tay nghề. Tuy nhiên, bằng cấp thôi vẫn chưa đủ, điều cần thiết là người lao động phải thể hiện năng lực, vận dụng kiến thức nhà trường và hiểu biết xã hội để đạt hiệu quả công việc. Bước đầu, người lao động không nên quá chú trọng về tiền lương, chế độ đãi ngộ mà nên thể hiện sự nhiệt tình gắn bó, cống hiến vì lợi ích của doanh nghiệp. Và chính doanh nghiệp phải tạo điều kiện giúp người lao động làm việc tốt.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết