13/08/2014 - 21:49

Đồng bằng sông Cửu Long

Cơ hội, thách thức trước làn sóng đầu tư FTA

Kinh tế ĐBSCL cũng như cả nước ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, nhất là hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được Việt Nam ký kết với các đối tác nước ngoài. Làm gì để tận dụng những cơ hội cũng như có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập này để mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh khi bối cảnh kinh tế còn khó khăn và doanh nghiệp (DN) vùng ĐBSCL còn nhiều yếu kém? Các vấn đề này được nhiều nhà kinh tế nhìn nhận thẳng thắn và đề xuất giải pháp tháo gỡ tại Hội thảo “Kinh tế ĐBSCL trong bối cảnh kinh tế phụ thuộc, những vấn đề DN cần quan tâm” do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức vào sáng 13-8 tại TP Cần Thơ.

* Đối mặt với nhiều khó khăn

Từ tháng 6 đến trung tuần tháng 8 năm 2014, VCCI Cần Thơ đã khảo sát, đánh giá doanh thu và lợi nhuận 6 tháng của nhiều DN ở ĐBSCL thuộc các lĩnh vực nông sản, thủy sản, xây dựng và bất động sản, sản xuất, thương mại, dịch vụ…. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy có 43% DN đạt doanh thu dưới 50% và 51,8% doanh ngiệp đạt doanh thu từ 50-70%; 55% DN đạt lợi nhuận dưới 50% và 25% DN đạt lợi nhuận dưới 70% so với kế hoạch... So với số DN dự báo ban đầu, chỉ có 5,4/59,4% DN có doanh thu tăng; 8,9/29% DN có lợi nhuận bình quân tăng; 8,9/42% DN có lượng đơn đặt hàng tăng… Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhận định: Qua kết quả khảo sát, rất ít DN đạt doanh thu, lợi nhuận,… so với kế hoạch. Điều này cho thấy khả năng dự báo, đặc biệt là dự báo về thị trường của DN không cao nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Và hệ quả kéo theo là những hoạch định, kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp ĐBSCL cũng như cả nước đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. 

Cũng từ cuộc khảo sát, có 23,2% DN có quan hệ thương mại với Trung Quốc và gần 77% DN bắt đầu có mối quan hệ với quốc gia này từ năm 2010. Nhưng, có đến trên 90% trong tổng số DN không có thông tin chính thức về đối tác Trung Quốc. Nhiều DN nhận định: làm ăn với Trung Quốc có nhiều thuận lợi (đa số mua đứt bán đoạn, thanh toán nhanh chóng bằng tiền mặt; tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa không quá khắt khe; nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô cao…) nhưng cũng không ít rủi ro. Đó là: chất lượng chưa thực sự ổn định, giá cả biến động liên tục; DN Trung Quốc thường không ổn định, tính bền vững không cao… Thậm chí, DN Trung Quốc thường hứa “lèo”, không giữ uy tín, đôi khi lường gạt, nhất là đối với DN và nông dân ĐBSCL… “Khi được hỏi “DN làm gì trước những thương vụ Trung Quốc “bẻ kèo”?”, đa số DN không đưa ra được phương án hay giải pháp nào. Điều này cho thấy, phần lớn DN vẫn còn kinh doanh theo kiểu “liều””, bà Nguyễn Thị Thương Linh lo ngại.

ĐBSCL được đánh giá khu vực kinh tế năng động có nhiều DN tham gia xuất khẩu trong các lĩnh vực: lúa gạo, thủy sản, trái cây, rau đậu… Nơi đây có khoảng 51.000 DN (trong đó có 98% là DN tư nhân), và hàng triệu hộ kinh doanh nông nghiệp, thương mại, sản xuất nhỏ không đăng ký kinh doanh. Các DN và hộ kinh doanh dựa trên nền tảng nhu cầu thực tế của nền kinh tế chủ yếu gắn với sản xuất, chế biến thương mại và dịch vụ đời sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, DN đối mặt với rất nhiều khó khăn. Điển hình như: khó tiếp cận được vốn; lượng đơn hàng giảm đáng kể do các khó khăn về thị trường, các rào cản phi thuế quan; giá nguyên liệu đầu vào tăng, cước vận tải, xăng dầu tăng…ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của DN và người dân. Ngoài ra, quy định, thủ tục rườm rà, nhiêu khê làm mất thời gian và chi phí cho DN (thủ tục hải quan, thuế, thiếu sự hợp tác của các sở ngành hữu quan…); những quy định của Chính phủ chưa có sự linh hoạt cho sự khác biệt về điều kiện đặc thù của địa phương cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN. Trước thực trạng này, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI TP Cần Thơ, cho rằng: ĐBSCL không thể dựa vào phương thức cũ cho thời kỳ mới. Nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cần có một chương trình tư vấn, đào tạo mới cho DN phù hợp với hội nhập kinh tế thế giới. Cần có những hành động, khuyến cáo tìm giải pháp, tìm thị trường tiêu thụ cho hàng hóa nông sản hơn là các giải pháp nâng cao hiệu quả, kích thích sản xuất như thời gian qua.

* Cơ hội và thách thức?

Tại ĐBSCL, theo kết quả khảo sát của VCCI Cần Thơ, có đến 52% DN dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn; chỉ có 12,5% dự báo sẽ tốt lên. Nguyên nhân dẫn đến kết quả này, được nhiều DN cho rằng: Do chính sách thay đổi thiếu nhất quán và khó tiên liệu, đặc biệt là chính sách về tiền tệ và tỷ giá thay đổi khó lường, gây nhiều khó khăn cho DN; thiếu công nhân có tay nghề sản xuất trực tiếp; các rào cản thương mại ngày càng nhiều; đầu ra của sản phẩm ngày càng khó khăn (thị trường, cạnh tranh, đơn hàng ít…); chi phí sản xuất (nguyên liệu, nhân công…) tăng.

Để có thể thích ứng với tình hình mới, bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: DN phải thường xuyên cập nhật các chính sách, thông tư…nhằm cập nhật và tận dụng các chương trình hỗ trợ của Chính phủ và đồng thời để phòng hờ rủi ro. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc DN, trong đó tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xem giai đoạn khó khăn là thử thách và là dịp để tái cấu trúc DN, thực hiện đổi mới nhân sự nhằm tăng cường chất lượng đội ngũ nhân sự cho DN. DN cũng cần tăng cường tính liên kết trong kinh doanh, tăng cường sức mạnh và bổ sung nguồn lực để vượt qua khó khăn. Bên cạnh nỗ lực của DN, theo bà Nguyễn Thị Thương Linh, Chính phủ cần có chính sách vĩ mô ổn định, các chính sách phát triển kinh tế phải căn cứ vào điều kiện của DN và phải nhận được sự quan tâm, ủng hộ của DN. Nhanh chóng soát xét giảm thiểu tình trạng các bộ ngành ban hành quá nhiều thông tư, nghị định chồng chéo nhau, gây khó khăn cho DN. Ngoài việc tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận vốn, thoát khỏi tình trạng vay vốn thế chấp, có chính sách, biện pháp hợp tác phát triển cùng DN, thì Chính phủ cần phải có chính sách đặc biệt cho ngành nông nghiệp, nông dân, như phát triển ngành, tín dụng, những tiêu chí cho vay cụ thể…

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp, nhận định: Hiện nay, nhà đầu tư từ Thái Lan, Indonesia, Philippines… quyết định đầu tư vào Việt Nam. Con số này không nhiều nhưng là một tín hiệu đáng mừng để ĐBSCL cũng như cả nước mở rộng cơ hội đầu tư, tránh lệ thuộc quá lớn vào một thị trường, hay một nước nhất định trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo bà Phạm Chi Lan, Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu, rộng hơn với những thỏa thuận mới. Điển hình như: Hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015; thực hiện đầy đủ Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) từ 2015-2018; thực hiện các cam kết với WTO, ASEAN +, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC); đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và 6 đối tác Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và Trung Quốc (RCEP hay ASEAN + 6); đàm phán FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga-Kazakhstan-Belarus, Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu - EFTA… “Khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn, kết thúc đàm phán sẽ có 55 FTA với các đối tác kinh tế lớn và trong khu vực, kể cả tham gia các FTA “thế hệ mới” (TPP, VN-EU FTA). Các FTA tạo cơ hội lớn cho Việt Nam trong đó có ĐBSCL tiếp cận thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư, nhất là với các đối tác tự do hóa nhanh hơn - FTA “thế hệ mới” hoặc có ưu đãi hơn như Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA). Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng đối với DN, đặc biệt từ kể từ năm 2015 trở đi nên cần tăng khả năng ứng phó của DN và vai trò hỗ trợ, kiến tạo của Chính phủ. Cần tăng khả năng tận dụng: thuận lợi hóa thương mại; đáp ứng rào cản kỹ thuật, tham gia chuỗi cung ứng, liên kết mạng phân phối, hợp tác nâng cao năng lực cạnh tranh của DN… Thời gian còn lại Việt Nam có kịp cải cách, nâng năng lực cạnh tranh, sẵn sàng cho cơ hội, thách thức mới ở tầm quốc gia và DN? Đó mới là những vấn đề quan trọng”, bà Phạm Chi Lan nói.

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết