30/01/2021 - 06:58

Cơ hội tăng cường giao thương với Vương quốc Anh 

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), bắt đầu có hiệu lực từ đêm 31-12-2020 vào đúng thời điểm Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

Cá tra Việt Nam đang có lợi thế khi xuất khẩu vào thị trường Anh. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Cá tra Việt Nam đang có lợi thế khi xuất khẩu vào thị trường Anh. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo Hãng tư vấn luật Pinsent Masons (Anh), việc ký kết UKVFTA có ý nghĩa to lớn và thiết thực khi cả Việt Nam và Anh đều mong muốn thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Pinsent Masons nhận định, UKVFTA sẽ giúp Việt Nam “tiết kiệm” 114 triệu bảng (153 triệu USD) mỗi năm khi xuất khẩu hàng hóa sang Anh và 36 triệu bảng cho hàng xuất khẩu của Anh sang Việt Nam.

Dư địa còn nhiều

Giai đoạn 2010-2019, thương mại giữa Việt Nam và Anh tăng gấp 3 lần và hiện Anh là đối tác lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỉ USD, trong đó Việt Nam thặng dư 5 tỉ USD.

Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, cà phê, hạt tiêu; Việt Nam nhập khẩu từ Anh máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất.

Dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh còn rất lớn vì các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam mới chiếm chưa tới 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu mỗi năm gần 700 tỉ USD của nước này. Đơn cử, năm 2019, Anh nhập khẩu 670.000 tấn gạo, trong đó từ Thái Lan là 70.000 tấn, thì Việt Nam mới xuất vào nước này khoảng 1.300 tấn.

Anh có dân số 66 triệu người, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2.600 tỉ USD, GDP bình quân đầu người hơn 40.000USD nên sức mua rất lớn.

Đại sứ Vương quốc Anh Gareth Ward (giữa) thăm Trường Đại học Cần Thơ, tháng 5-2019. Ảnh: CTU

Đại sứ Vương quốc Anh Gareth Ward (giữa) thăm Trường Đại học Cần Thơ, tháng 5-2019. Ảnh: CTU

Những mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng tăng trưởng

+ Dệt may

Năm 2019, hàng may mặc Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 2,8% kim ngạch nhập khẩu sản phẩm này của Anh. Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường cung cấp hàng dệt may chủ yếu cho Anh còn có Bangladesh, Campuchia, Pakistan và họ đều có lợi thế hơn so với Việt Nam về thuế suất (Bangladesh được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA, Pakistan cũng được miễn thuế nhập khẩu theo chương trình GSP+). Do đó, UKVFTA sẽ mang lại các ưu đãi thuế quan, giúp hàng hóa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ.

+ Giày dép

Anh là thị trường xuất khẩu giày dép có tiềm năng lớn nhưng rất cạnh tranh. Việt Nam trước đây chịu mức thuế quan cao thứ 2 trong 15 nước xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Anh với mức thuế trung bình 6,7%. Tuy nhiên, UKVFTA sẽ làm thay đổi cục diện này.

+ Gạo

Thị trường gạo của Anh khá lớn với nhu cầu nhập khẩu năm 2019 là 670.000 tấn. Mặc dù Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng mặt hàng này của chúng ta vào Anh vẫn ở mức khiêm tốn với chỉ 0,2% thị phần, đứng thứ 22 trong số các nhà xuất khẩu gạo vào Anh. Một phần nguyên nhân là do mức thuế quan cao nên khó cạnh tranh với các nước khác. Như vậy, với UKVFTA, Anh là thị trường xuất khẩu gạo rất tiềm năng cho Việt Nam.

+ Thủy sản

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Anh khá lớn, khoảng 4,4 tỉ USD/năm, trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6,7%. UKVFTA bên cạnh các ưu đãi về thuế quan còn đưa ra những cam kết minh bạch hóa về tiêu chuẩn chất lượng và đây là động lực quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam cải tiến hoạt động sản xuất theo hướng đáp ứng yêu cầu của một thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đang làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu từ Anh. Người tiêu dùng hướng tới những sản phẩm thủy sản dễ tiêu thụ ở nhà, dễ bảo quản, dễ chế biến, tiện dụng và có mức giá trung bình thấp. Do vậy, cá tra đông lạnh của Việt Nam có lợi thế lớn khi có mức giá phù hợp và quy trình chế biến được thị trường EU và Anh chấp nhận.

Vương quốc Anh sở hữu nền giáo dục tiên tiến bậc nhất trên thế giới. Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, mỗi năm có hơn 750.000 sinh viên quốc tế đến xứ sương mù học tập, theo Ủy ban Tư vấn Di trú. Anh là điểm đến yêu thích thứ 4 của du học sinh Việt Nam (sau Úc, Mỹ và Canada). Hiện có khoảng 12.000 du học sinh Việt Nam tại Anh.

Tại TP Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ có quan hệ hợp tác với một số cơ sở giáo dục ở Anh.

Doanh nghiệp Anh cùng hưởng lợi

Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Trần Ngọc An cho biết, UKVFTA sẽ tác động tích cực ngay cho các doanh nghiệp của Việt Nam và Anh với việc cắt giảm thuế quan đáng kể cho hơn 70% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh và ở chiều ngược lại là 65%, trong đó nhiều hàng hóa sẽ được hưởng thuế suất 0%. Và sau 6 năm, trên 99% hàng hóa hai nước sẽ có mức thuế 0%. Với tính chất tương hỗ cao của hai nền kinh tế, UKVFTA sẽ giúp kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới theo tinh thần “cùng thắng”.

Theo đại sứ Trần Ngọc An, Việt Nam là thị trường 100 triệu dân lại được kết nối với 60 nền kinh tế khác với dung lượng thị trường hơn 2 tỉ người (thông qua 15 FTA đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết), có tốc độ tăng trưởng GDP cao hàng đầu khu vực và thế giới trong suốt 3 thập kỷ qua, đặc biệt là kỳ tích sớm kiềm chế thành công đại dịch COVID-19, duy trì tăng trưởng kinh tế gần 3% năm 2020 đang ngày càng thu hút sự quan tâm và là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư toàn cầu. Anh là nước có thế mạnh hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực dịch vụ như bảo hiểm, ngân hàng; hàng hóa công nghệ cao như dược phẩm, hóa chất, thiết bị vận tải, năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường... Đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam cần. Là nước xuất khẩu lớn thứ 5 trên thế giới trong năm 2019 với 892 tỉ USD, nhưng hàng hóa của Anh hiện chiếm chưa tới 3% thị phần nhập khẩu của Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng tăng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Anh vào Việt Nam do UKVFTA đem lại là rất lớn.

Ngoài ra, UKVFTA chắc chắn sẽ đưa nước Anh tiến gần hơn tới mong muốn “nước Anh toàn cầu” trở thành bên đối thoại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tương lai không xa, do Việt Nam là thành viên tích cực của ASEAN và thành viên sáng lập của CPTPP.

Với UKVFTA, có thể dự báo làn sóng mới về đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ Anh, nhất là trong những lĩnh vực Anh có thế mạnh như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, sẽ diễn ra mạnh mẽ. Việc Tập đoàn Enterprize Energy của Anh mới đây đề xuất thực hiện dự án điện gió ở tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu tư lên đến 12 tỉ USD cho thấy tiềm năng lớn của các nhà đầu tư từ Anh, vốn luôn đứng trong nhóm 5 nước hàng đầu trên thế giới về đầu tư ra bên ngoài.

Đến hết tháng 8-2020,  Anh có 400 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,6 tỉ USD, đứng thứ 16 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Cần Thơ đẩy mạnh hợp tác với Anh

Đoàn Tổng Lãnh sự Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, do Tổng Lãnh sự Emily Hamblin làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ cuối tháng 10-2020.

Hai bên đã trao đổi tình hình phát triển kinh tế và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, sản xuất chế tạo và các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là  những ngành công nghiệp kỹ thuật cao như hàng không, công nghiệp ô tô…

Thời gian qua, Anh đã có một số dự án đầu tư vào TP Cần Thơ  trong các lĩnh vực dịch vụ vận tải đường thủy, dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống, giáo dục, khách sạn... với tổng vốn đăng ký hơn 48 triệu USD. Về thương mại, trong 9 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố vào Anh đạt gần 11 triệu USD, với các mặt hàng chủ yếu là thủy sản, may mặc.

QUỐC KHÁNH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết