13/11/2023 - 10:52

Cơ hội nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu gạo Việt 

Thị trường lúa gạo toàn cầu biến động, bên cạnh những thách thức, là cơ hội để gạo ngon Việt Nam đạt giá trị tăng cao, tạo dựng thương hiệu trên thị trường.

Lúa gạo lên hương

Sức hút thị trường gạo xuất khẩu thế giới tạo cơn biến động mạnh đến các nước sản xuất lúa gạo ở các nước châu Á. Từ đầu năm đến nay, nhất là về 2 tháng cuối năm khi mùa vụ sản xuất lúa gạo tại một số nước sắp kết thúc, giá gạo xuất khẩu trên đà tăng đỉnh điểm. Các loại gạo xuất khẩu chất lượng cao, gạo thơm cao cấp liên tiếp xác lập mức giá kỷ lục.

Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngày 1-11, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vừa lên mức 653 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 93 USD/tấn và Pakistan 90 USD/tấn. Đây là mức giá cao kỷ lục trong 15 năm qua.

Sản phẩm Gạo Ông Cua ký kết xuất khẩu sang thị trường Anh quốc. Ảnh: H.Q.T

Từ sau thời điểm 20-7, khi Ấn Độ thông báo cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ thường nhằm đảm bảo đủ nguồn cung và chặn đà tăng giá ở thị trường nội, giá gạo xuất khẩu từ các nước có nguồn cung lớn như Thái Lan, Việt Nam tăng liên tục, giao dịch với mức cao. Nhưng cũng có thời đoạn hồi giữa tháng 9 thị trường lúa gạo tưởng chừng chững lại, do đồn đoán tháng 10 Ấn Độ - nước có nguồn cung lớn, chiếm 40% gạo xuất khẩu thế giới sẽ gỡ bỏ lệnh cấm và tái xuất khẩu gạo trở lại. Tuy nhiên, đến nay Ấn Độ chưa có động thái mới. Trong khi các nước nhập khẩu gạo lớn như Trung Quốc, Philippines, Indonesia… tiếp tục có nhu cầu mua gạo dự trữ.

Tại ĐBSCL sản xuất lúa gạo hàng hóa lớn của cả nước, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất khẩu gạo cho rằng, đây là năm hoạt động giao dịch nhộn nhịp trước nhu cầu tăng. Lúa gạo đang thời lên hương. Giám đốc một DN sản xuất kinh doanh lúa gạo trong vùng, điểm lại, từ tháng 9 giá gạo ngon cao cấp Việt Nam vẫn trụ ổn định mức cao trên 800 USD/tấn. Trong đó dẫn đầu là nhóm gạo thơm ST24, ST25. Gạo của các giống lúa chất lượng cao như Đài Thơm 8, OM18… được các DN giao dịch bán buôn mức 620-650 USD/tấn. Lúc này thị trường gạo nội địa trong vùng nhóng giá, tăng lên khoảng 1.000 đồng/kg. Một vài loại gạo chất lượng ngon cơm thông dụng như Đài Thơm 8 bán sỉ tại các đại lý 13.000-13.500 đồng/kg, bán lẻ tiêu dùng lên 14.000-14.500 đồng/kg. Dù sắp tới vào mùa thu hoạch rộ dự đoán giá lúa vẫn dao động mức cao và khó giảm dưới 6.500 đồng/kg.

Chuyển hướng gạo thơm

Trước thị trường lúa gạo chuyển động sôi động, các DN cho đây là cơ hội tốt để xây dựng thương hiệu phát triển thị trường gạo Việt. Trong những năm qua, bên cạnh mặt hàng gạo thông dụng đóng bao 25 kg/bao tại khắp các cửa hàng bán gạo lẻ, mặt hàng gạo ngon cao cấp đóng túi được các DN chế biến kinh doanh gạo nội địa chú trọng khai thác thị trường khá thành công.

Trong số hàng trăm nhãn hiệu gạo đóng túi, đóng hộp trọng lượng 2 kg/túi… phổ biến, trưng bày trên các kệ chào hàng. Đa số các cửa hàng mua bán gạo chợ thừa nhận thói quen tiêu dùng có sự thay đổi. Hiện nay sức hút mạnh nhất là loại gạo thơm cơm ngon đóng gói 5 kg/túi. Do tính tiện dụng, dễ bảo quản, không bị mọt, ẩm mốc và vừa đủ dùng cho các gia đình với mức thu nhập trung bình khá tại các đô thị.

Hiện có khá nhiều DN sản xuất chế biến gạo bắt tay làm nhãn hàng cho gạo ngon cao cấp, chống hàng giả và nhận diện thương hiệu có thể kể đến như Lộc Trời, Trung An, Tấn Vương, Hồ Quang Trí… Trong đó, từ năm 2019 đến nay tại thị trường nội địa có thêm nhãn hàng Gạo Ông Cua của DNTN Hồ Quang Trí (Sóc Trăng). Tiến thêm một bước nữa, Gạo Ông Cua đóng bao bì (10 kg/bao) xuất khẩu theo chuyến đã xuất khẩu sang EU, Canada, Úc…

Trong khi đó tại thị trường nội địa phần đa số gạo đóng túi trọng lượng 5kg/túi được nâng chất từ khâu chế biến đến thiết kế bao bì, nhãn hàng đẹp, bắt mắt theo thị hiếu tiêu dùng. Theo đó các loại gạo cũng đa dạng sản phẩm gạo trắng, gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người ăn kiêng. Mặt hàng gạo hữu cơ là hướng tiếp cận thị trường theo phân khúc gạo cao cấp, dinh dưỡng. Tuy vậy, một số DN chọn đầu tư theo đuổi theo dòng gạo hữu cơ thừa nhận: Diễn tiến thị trường từ đầu năm đến nay dù đứng trước cơ hội tốt nhưng sức tiêu thụ gạo hữu cơ vẫn còn chậm so với 2 năm qua. Lý giải, có thể do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới suy thoái, sức mua loại gạo cao cấp này chưa đạt như kỳ vọng.

Ông Huỳnh Trí Phương, Giám đốc Công ty Gạo Lúa Tôm tại An Giang nhìn nhận thực tế đầu tư phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ là tính đường xa hướng tới tương lai hơn là mong muốn sớm thu được lãi nhiều. Vào thời điểm hiện tại sản phẩm gạo hữu cơ vẫn thuộc phân khúc thị trường ngách, đầu tư còn gặp rủi ro, phí chứng nhận cao… nên một số DN theo đuổi theo dòng sản phẩm này sản lượng chưa nhiều, chủ yếu làm truyền thông xây dựng thương hiệu sản phẩm. Nhưng để theo đuổi bền bỉ với sản phẩm gạo hữu cơ, một số DN còn có cách tiếp cận sản xuất gạo đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cho dòng gạo cao cấp, chất lượng ổn định nhắm vào nhu cầu tiêu dùng hiện đại, tạo dựng hướng đi lâu bền.

Qua đợt biến động giá mạnh vừa qua, giới DN kinh doanh lúa gạo áng chừng mức tăng gạo nội địa trung bình 15-20%. Xu thế chuyển động đáp ứng nhu cầu thị trường, gạo Việt Nam nâng chất từ thế mạnh các giống lúa chất lượng cao, gạo ngon cơm.

HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết