02/11/2019 - 17:30

Cơ hội kết thúc thương chiến Mỹ-Trung

Tòa trọng tài tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm 1-11 “bật đèn xanh” cho phép Trung Quốc áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu hằng năm từ Mỹ trị giá 3,58 tỉ USD, tạm khép lại tranh cãi kéo dài gần 6 năm qua về các quy định chống phá giá của Mỹ. Phán quyết này đánh dấu lần đầu tiên WTO cho phép Trung Quốc áp thuế trong một vụ tranh chấp thương mại quốc tế.

Được biết, Trung Quốc đã kiện Mỹ ra tòa trọng tài tại WTO về các quy định chống phá giá sai luật từ năm 2013. Phát biểu trước WTO hồi tháng 9-2018, phía Trung Quốc cho biết các quy định chống phá giá của Mỹ đã gây thiệt hại cho Trung Quốc mỗi năm lên tới 7,043 tỉ USD và yêu cầu nước này được tăng thuế trả đũa Mỹ với số tiền tương đương. 

Động lực đàm phán thương mại

Dù số tiền mà tòa trọng tài tại WTO cho phép Trung Quốc áp thuế lên hàng hóa Mỹ thấp hơn so với yêu cầu, song phán quyết trên có thể là động lực tạo lợi thế tâm lý cho Bắc Kinh trong tiến trình đàm phán thương mại căng thẳng đang diễn ra với Washington. Một quan chức cấp cao Mỹ tuyên bố nước này “thất vọng” với phán quyết trên. Nhưng chính Mỹ mới đây đã áp đặt thuế trả đũa lên hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) sau khi WTO ra phán quyết Brussels trợ giá bất hợp pháp hãng sản xuất máy bay Airbus gây bất lợi cho nhà chế tạo máy bay Boeing của Mỹ.

Vấn đề là Trung Quốc có quyết định tăng thuế hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa theo phán quyết của tòa trọng tài tại WTO hay không trong bối cảnh hai nước sắp đạt được thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”. 

Trong cùng ngày 1-11, Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay Phó Thủ tướng, trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc, ông Lưu Hạc vừa có cuộc điện đàm với Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin của Mỹ. Theo bộ này, hai bên đã tiến hành các cuộc thảo luận “nghiêm túc và mang tính xây dựng” về những vấn đề thương mại “cốt lõi”, đồng thời thảo luận về việc thu xếp cuộc tham vấn tiếp theo. Nhà Trắng thì tuyên bố các đại diện thương mại của hai nước đã đạt tiến triển trong một loạt lĩnh vực và đang trong quá trình giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Phát biểu trước báo giới, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết: “Thỏa thuận này vẫn chưa hoàn tất song chúng tôi đã đạt được những tiến triển lớn”.  Theo ông Kudlow, hai bên đang tiếp tục thảo luận vấn đề tiền tệ, dịch vụ tài chính, tỷ lệ quyền sở hữu công ty và mở cửa thị trường nông sản. Chẳng hạn, Mỹ muốn các công ty nước này được quyền sở hữu 100% vốn tại Trung Quốc trên các lĩnh vực như bảo hiểm, an ninh, đầu tư và ngân hàng thương mại, cho phép họ huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và niêm yết chứng khoán tại Trung Quốc lẫn nước ngoài. 

Địa điểm biểu tượng cho ký kết

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1-11 cho biết ông đang cân nhắc vài địa điểm khác nhau tại Mỹ nhằm tổ chức cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó bang Iowa có thể là một lựa chọn khả dĩ. Phát biểu với các phóng viên tại Nhà trắng, Tổng thống Trump nhấn mạnh ông thích ký kết thỏa thuận tại Mỹ và cho hay Chủ tịch Tập cũng muốn vậy.  Theo ông Trump, việc ông muốn chọn bang Iowa bởi nơi này là biểu tượng, từng giành được đơn hàng xuất khẩu nông sản lớn nhất trong lịch sử của người nông dân Mỹ. 

Nếu thỏa thuận thương mại với Trung Quốc được ký kết tại bang nông nghiệp Iowa, đó sẽ là cú hích cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Thỏa thuận này dự kiến sẽ mang lại những đơn hàng xuất khẩu nông sản khổng lồ sang Trung Quốc và tất nhiên sẽ làm lợi cho các đối tượng là cử tri nông dân Mỹ. Trong cuộc bầu cử năm 2016 tại Iowa, ông Trump giành được 51,1% số phiếu ủng hộ, so với 41,7% của bà Hillary Clinton. 

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không xa lại gì với bang Iowa. Chủ tịch Tập từng thăm Iowa lần đầu năm 1985 với tư cách người dẫn đầu phái đoàn nghiên cứu nông nghiệp của Chính phủ Trung Quốc. Thời điểm này ông gặp Thống đốc Iowa Terry Branstad, người đang là đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Năm 2012, ông Tập cũng thăm Iowa với tư cách Phó Chủ tịch Trung Quốc. 

Hiện tại, Mỹ vẫn duy trì kế hoạch tăng thuế hàng hóa nhập khẩu hàng trăm tỉ USD từ Trung Quốc vào ngày 15-12 và chưa biết ông Trump sẽ tuyên bố hoãn kế hoạch này trước hay sau thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” được ký kết. Thỏa thuận “giao đoạn 2” sẽ bao gồm các vấn đề chủ chốt ảnh hưởng đến tương lai phát triển của Trung Quốc là quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc. 

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết