09/06/2013 - 09:40

Cơ hội cho thị trường bất động sản?

Thị trường BĐS thành phố chưa thể tan băng.

Năm 2013, tình hình kinh tế xã hội trong nước tiếp tục khó khăn, lãi suất cho vay của các ngân hàng dù đã giảm so với trước, nhưng vẫn còn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận vốn vay, nhất là các DN lĩnh vực bất động sản (BĐS). TP Cần Thơ cũng nằm trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, dù có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN từ cơ chế chính sách của Chính phủ, các bộ ngành, nhưng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh trì trệ. Lĩnh vực BĐS bị đóng băng thời gian dài vẫn đang loay hoay tìm cách vực dậy.

Theo nhận định của các DN BĐS thành phố thì thị trường nhà đất tại TP Cần Thơ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, giao dịch trầm lắng, số lượng nhà đất giao dịch thành công rất ít. Báo cáo của Sở Xây dựng thành phố, tổng số dự án triển khai trên địa bàn thành phố đến nay là 88 dự án, trong đó có 44 dự án khu dân cư, 44 khu tái định cư. Thành phố đã thu hồi chủ trương đầu tư của 19 dự án khu dân cư, tái định cư, nên thành phố hiện còn 69 dự án. Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ (CaREA), sản phẩm tồn kho của thị trường BĐS khá lớn, cụ thể: về nhà ở (gồm căn hộ chung cư và nhà thấp tầng) còn tồn 1.048 căn, giá trị ước tính trên 637 tỉ đồng; Về đất ở tồn 8.685 nền, diện tích 1.584.348 m2, với giá trị dự tính khoảng 8.325 tỉ đồng. Như vậy, tổng giá trị tồn kho BĐS hiện khoảng 8.962 tỉ đồng. Tổng dư nợ cho vay BĐS trên địa bàn thành phố đến ngày 31-12-2012 là 42.436 tỉ đồng, tăng 4,22% so với cuối năm 2011; nợ xấu là 1.521 tỉ đồng, chiếm 3,58% trong tổng dư nợ. Dư nợ cho vay đến cuối quý I/2013 là 43.323 tỉ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm 2012.  Điều này cho thấy BĐS còn trầm lắng và chưa có dấu hiệu hồi phục. 

Vừa qua, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách để vực dậy nền kinh tế thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Đặc biệt là sự ra đời của Nghị quyết số 02/NQ-CP ban hành ngày 7-1-2013 của Chính phủ, trong đó có chính sách cho thị trường BĐS và nhiều DN chờ đợi sự vực dậy của thị trường từ gói vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho DN, cá nhân. Tuy nhiên, chính sách vừa triển khai từ đầu tháng 6-2013 đã vướng rất nhiều khâu, từ chứng minh thu nhập đối với khách hàng cá nhân, việc chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội của DN cũng lắm nhiêu khê...

Theo CaREA, việc triển khai thực hiện nhà ở xã hội trên địa bàn TP Cần Thơ đến nay có một dự án thành phần do Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Địa ốc Hồng Loan triển khai tại khu dân cư lô số 6, khu đô thị mới Nam Cần Thơ có diện tích đất 8.842m2, diện tích xây dựng 3.051m2, diện tích sàn 13.639,2m2. Ông Ngô Văn Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Địa ốc Hồng Loan, cho biết: Dự án chung cư nhà ở thu nhập thấp được xây dựng với 2 block A và C cao 4 tầng và 1 block B cao 4 tầng; tổng vốn đầu tư khoảng 51 tỉ đồng. Hiện đơn vị thi công đã đổ xong sàn tầng 1 của block C . Theo kế hoạch, cuối năm 2013 sẽ xong block này. Block C có khoảng 96 căn hộ với diện tích từ 30-48m2/căn hộ tùy vị trí, diện tích lớn nhỏ sẽ có mức giá khác nhau, các block còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2014. Ngoài ra, Hồng Loan cũng có chính sách hỗ trợ thuế VAT và thuế trước bạ cho khách hàng mua nhà từ dự án này. Sau gần 1 tháng kể từ khi công ty có thông báo nhận hồ sơ đăng ký mua nhà, đến nay, Hồng Loan đã nhận được gần 100 hồ sơ đăng ký mua nhà thu nhập thấp. Nhìn chung người dân rất phấn khởi và mong dự án sớm hoàn thành để ổn định cuộc sống…

Qua khảo sát thực tế cho thấy, vẫn còn rất nhiều cán bộ, công nhân viên chức còn ở trọ, nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn. Tuy nhiên, nhu cầu nhiều nhưng nguồn cung rất hạn chế. Theo CaREA, hiện có 4 dự án đang xin chủ trương chuyển đổi sang nhà ở thu nhập thấp, đang chờ xét duyệt gồm: Công ty TNHH Thiên Lộc (KDC Thiên Lộc), Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà TP Cần Thơ (KDC Hưng Phú 1), Công ty CP XDCTGT 586 – Chi nhánh Cần Thơ  (Dự án khu dân cư 586), Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hồng Phát (Dự án khu dân cư Hồng Phát). Các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp được miễn tiền chuyển quyền sử dụng đất, trường hợp chủ đầu tư đã nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất được nhà nước hoàn trả lại hoặc được khấu trừ nghĩa vụ tài chính công ty phải nộp sau khi dự án được điều chỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội để các DN BĐS  trở mình trong điều kiện thị trường BĐS chưa thể tan băng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo CaREA, các DN BĐS đến thời điểm hiện nay vẫn còn rất khó khăn. Chẳng hạn: Về kinh phí mua lại tồn kho BĐS để phục vụ tái định cư. Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ ứng trước kinh phí cho các địa phương. Đến nay, các địa phương vẫn còn khó khăn, do chưa có nguồn để thực hiện. Về nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp, nhà ở xã hội Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg về nhà ở xã hội, nhà ở đối tượng có thu nhập thấp. Địa phương ban hành Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND hướng dẫn thực hiện, nhưng còn một số lĩnh vực chưa bao hàm hết Quyết định số 67 của Chính phủ. Từ đó DN lúng túng không hiểu cách triển khai thế nào vì các văn bản này còn nhiều điểm chưa được cụ thể hóa. Lẽ đó, việc triển khai thực hiện so với một số nơi còn chậm. Nhiều DN BĐS cho rằng, năm nay BĐS chưa thể có bước đột phá, nhiều DN đang chết lâm sàn, thậm chí lao dốc. Gói hỗ trợ từ Nghị Quyết 02 của Chính phủ tuy không thể khiến thị trường BĐS vực dậy, nhưng sẽ tạo đà tiếp thêm sức cho DN tiếp tục lèo lái con thuyền kinh tế vượt bão. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự hỗ trợ tích cực từ các ngành hữu quan, ngân hàng, địa phương trong thời gian tới…

Bài, ảnh: THU HOÀI

 

Chia sẻ bài viết