08/01/2011 - 09:57

"Cô Hiền 113"

Với cô Hiền, nụ cười vui vẻ và tính hài hước luôn đem lại hiệu quả trong mọi công việc.

Bà con trong xóm thường gọi đùa như thế khi nhắc tới cô Nguyễn Thị Hiền, ở số 113/22/43, tổ 2, khu vực V, đường Vành đai phi trường, phường An Thới, quận Bình Thủy. Nhà ai có chuyện gì cứ gọi “Bác Hiền ơi!..” là cô xuất hiện ngay và giải quyết “êm xuôi”mọi xích mích, bất hòa trong gia đình, chòm xóm... “Phản ứng nhanh” như thế nên cô mới nổi danh là “cô Hiền 113”.

Giọng vui vẻ, cô Hiền nhận mình là “người nhiều chuyện”. Đi chợ, gặp bà mẹ đang đánh con cũng kêu cổng vào can ngăn, nói xong cái hại của việc dạy con bằng roi rồi mới an tâm đi tiếp. Đêm nằm ngủ nghe nhà bên chén đĩa loảng xoảng là tốc mùng dậy nghe ngóng. Nếu vợ chồng gây lộn thì cô lập tức qua dàn xếp. Ai mất con gà, buồng chuối, trái mít cũng nhờ đến cô. Cô Hiền cho biết: “Quen rồi con ơi. Được cái là bà con tin tưởng nên cô cũng thuận lợi trong việc hòa giải”. Chuyện mà cô Hiền hòa giải nhiều nhất là mâu thuẫn vợ chồng, vụ nào mà cô “nhúng tay” đều êm ấm trở lại. Sau mấy năm làm người “vác tù và hàng tổng” cô Hiền nhớ nhất là lần hòa giải cho vợ chồng chị A. và anh T. Chị A. có tật hay chì chiết khi chồng nhậu say về, thế là bị chồng đánh bầm mặt. Tức quá, chị A. bỏ nhà đi. Hay tin, cô Hiền đi tìm chị dẫn về, bắt cả hai viết tờ cam kết nhận lỗi với nhau. Cô bảo: “Đơn giản vậy nhưng từ đó hai vợ chồng hòa thuận, làm ăn khá lên. Bây giờ mua được cả nhà, cả đất rồi đấy!”.

Chỉ là một cộng tác viên dân số và gia đình ở khu vực nhưng do bà con tin cậy nhờ đến nên cô phải “kiêm” nhiều việc. Như cái chức Tổ trưởng Tổ Phụ nữ cũng do chị em tin tưởng bầu cho cô. “Tập hợp chị em để tương trợ nhau trong lúc khó khăn vậy mà!” - Cô Hiền trầm giọng khi nói về việc thành lập Tổ Phụ nữ tổ 2, với 26 hội viên, hàng tháng hùn vốn xoay vòng, thăm hỏi nhau lúc đau ốm, hữu sự... Trẻ con trong xóm cũng “mê” cô Hiền, bởi năm nào cô cũng vận động bà con tổ chức Trung thu cho các em ngay tại nhà cô. Quan niệm sống của cô thật đơn giản: “ Sống phải biết đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Cô không giúp được mọi người bằng vật chất thì giúp bằng lời nói. Lời nói phải làm người khác ấm lòng và xoa dịu những mâu thuẫn!”.

Trước đây, tuyến đường dài khoảng 400 mét đi ngang xóm cô rất lầy lội, đi lại khó khăn. Cô đứng ra vận động mọi người đóng góp hơn 70 triệu đồng nâng cấp con đường khang trang. UBND phường An Thới đã tặng cô giấy khen vì có công tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng hẻm 113. Khó mà kể hết những hy sinh, đóng góp thầm lặng của cô để góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Cô bảo: “Thấy chuyện bất bình là cô không chịu được. Quá sức thì cô nhờ tới các anh công an, dân phòng. Cô sẽ cố gắng hơn để không phụ lòng tin của bà con”. Bác Hoàng Minh Quang, Trưởng khu vực V, phường An Thới, cho biết : “Cô Hiền rất nhiệt tình trong phong trào tại địa phương, được bà con tín nhiệm. Dù không làm tổ trưởng, tổ phó tổ tự quản nhưng cô được bà con tín nhiệm, vận động đóng góp làm hẻm là bà con hưởng ứng ngay.”

Đối với chồng con, cô Hiền là người mẹ, người vợ tuyệt vời. Nhờ giỏi quán xuyến trong ngoài nên kinh tế gia đình cô cũng phần nào khá giả. Cô có 3 người con thì 2 người đang học thạc sĩ tại Trường Đại học Cần Thơ, 1 người đang học cao đẳng. Hơn chục năm làm người hòa giải, cô Hiền chia sẻ kinh nghiệm: “Khi hòa giải lời lẽ phải tế nhị, khéo léo. Phải biết dí dỏm để người nghe thấy nhẹ nhàng, xong rồi họ mới tiếp thu!”. Thấy chồng châm điếu thuốc hút, cô hóm hỉnh bảo: “Thất bại duy nhất của cô là chưa khuyên được chồng bỏ thuốc lá. Ông ấy mà bỏ thuốc thì cô thôi làm người nhiều chuyện!”. Ông chồng trìu mến nhìn bà vợ, bảo: “Thôi, tôi sẽ không bỏ thuốc lá để bà mãi là người nhiều chuyện!”. Hai ông bà cười vang như mấy chục năm qua vẫn hiểu ý nhau vì những câu đùa thân thương như thế!

Bài, ảnh: PHẠM VĂN TRUNG

Chia sẻ bài viết