Truyện ngắn: NHẬT HỒNG
Con dốc ngoằn ngoèo nắng trưa vàng lựng. Nắng không gay gắt lắm nhưng tôi nghe mệt, đôi chân mỏi rụng vì mới trèo qua con dốc nhỏ. Cả ba chúng tôi ngồi phịch xuống phiến đá bên đường nghỉ một chút. Một cô gái trờ tới, hỏi:
- Mấy chú mới tới hòn này hả? Nhà báo hay nhà văn?...
- Đi du lịch cháu ơi!- Ông bạn tôi trả lời.
- Mà sao cháu biết?
- Nếu như dân đi mua trầm nhìn qua biết liền.- Cô gái nói.
- Ủa! Trên đỉnh này có trầm nhiều lắm hả?-Ông bạn tôi hỏi.
-Không nhiều và cũng không ít-Cô gái trả lời.
Thấy bọn thôi ì ạch quảy túi xách, chân bước chậm chạp, cô gái nói:
- Để cháu xách tiếp cho.
Cô gái vớ lấy hai túi xách quảy lên vai rồi bước đi thoăn thoắt, một chốc cô ta quay lại nói:
- Qua hết con dốc này là tới.
Cô gái đứng trước cái cổng nhà nói:
- Tới rồi mấy chú ơi!
Chúng tôi qua khoảng sân hẹp theo lối đá vào nhà. Người đàn ông trên năm mươi niềm nở chào đón chúng tôi như quen thuộc từ lâu. Cô gái bưng ra ba ly nước lạnh mời chúng tôi. Tôi hớp vô ngụm nước mát tận ruột gan, buột miệng hỏi:
- Nước mưa hay sao mà ngon ngọt dữ vậy? -Nước suối đó. Biển bao quanh. Nơi núi rừng lại có suối nước ngọt -Người đàn ông nói.
Cô gái chỉ tay về phía người đàn ông giới thiệu:
- Đây là ba của cháu!
Chúng tôi gật đầu chào và bắt chuyện. Người đàn ông giới thiệu:
- Tôi thứ Tư tên Chung, ra hòn này năm mười bốn tuổi, giờ đã năm lăm tuổi rồi, tính ra hơn bốn mươi năm sinh sống nơi này. Sau ngày giải phóng, tôi phát quang trồng hơn ngàn cây dó bầu đất trên núi xen với chuối, xoài nhãn.
- Giờ có thu hoạch chưa anh? Ông bạn tôi hỏi.
- Đã có thu hoạch ba năm rồi, mỗi năm cũng được vài trăm triệu. Anh trả lời.
Tôi nghe trầm, nghe cây dó bầu khoái trong bụng hỏi tới. Anh Tư Chung cắt nghĩa:
- Cây dó bầu nếu ở tự nhiên trong rừng lâu năm bị gãy ngã xuống đất lâu ngày tích tụ lại thành kỳ nam, giờ quí hiếm lắm, mỗi ký lô vài ba tỉ trở lên. Còn cây dó bầu mình trồng ở đây đợi tự nhiên có trầm biết chừng nào. Nên người ta dùng phương pháp kích thích cho có trầm, bằng cách đục lỗ ở các kẹt cây bôi thuốc vô vài năm tự thân cây tiết ra trầm. Loại trầm này thứ tốt nhất một ký khoảng chỉ trên mười triệu đồng, thấp bốn triệu, ba triệu không chừng.
- Bán trầm dễ hông anh?- Ông bạn tôi hỏi.
- Dễ ợt, như bán tôm cá, có bao nhiêu bán cũng hết!
- Bán trầm ở đâu anh?- Tôi hỏi.- Ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Vũng Tàu, Đà Nẵng, Qui Nhơn... Chỗ nào có mối, có giá thì bán - Anh Tư trả lời.
- Vậy anh chắc đi đây đi đó thường xuyên lắm hả!- Tôi hỏi.
- Mấy chuyến đầu tôi dẫn con gái tôi đi, quen rồi tự nó đi một mình.
- Con gái anh là ai, có đây không?- Tôi hỏi.
- Đó, con nhỏ dẫn mấy chú lên đó...
Tôi không thể tin nổi cô gái trên hai lăm có dáng vóc tròn trịa gọn gàng, tóc buộc nhỏng chùm phía sau vàng hoe có lẽ vì nắng gió hoang dại ở hòn, không chút son phấn trên mặt, không đeo mang một thứ nữ trang nào trên người, nụ cười hồn nhiên mới lớn ấy lại từng đi đây đi đó giao hàng quí hiếm trị giá hàng trăm triệu.
Buổi cơm chiều, bọn tôi được vợ chồng anh Tư Chung thết đãi rất tươm tất: nào cá bốp hấp, con cả ký lô, nào là mực xào với lá cách, lá lốt rừng thơm phức. Lại có một chai rượu ngâm mật ong vàng óng ánh.
Thấy bọn tôi cứ nhìn nhau, anh Tư hiểu ý, cười giải thích:
- Có gì quá lắm đâu, cá mực thì của mấy đứa cháu nuôi ở dưới bè vớt lên, còn rượu thì khoai mì tràn lan trên núi cứ nhổ lên múc lấy bột rồi cất rượu. Rượu tôi lấy đúng bốn mươi độ ngâm với nguyên tổ ong non, vừa có mật vừa có con bổ lắm, mấy chú uống say không nhức đầu, không vật vã, sáng thức dậy khỏe re. Mai tôi đãi mấy chú bữa cá suốt, cá sơn kỳ. Mùa này cá lớn non nửa ký lô bị sóng đánh tấp vô bờ, tối dùng vợt đi vớt cập mé bãi biển một chút đôi ba chục ký mặc sức mà ăn. Có người ủ nước mắm thơm ngon lắm! Ở đây không cấy được lúa nhưng ăn toàn gạo suôn dài trắng dẻo không mẻ một hột.
Rượu ngà ngà, tôi nhớ chuyện đứa con gái của anh Tư đi bán trầm nên hỏi:
- Anh để con gái đi một mình như vậy không lo sợ hay sao?
- Có gì mà sợ, hàng hai bên đã biết mặt rồi, chỉ có giá cả lên xuống vài phân qua điện thoại với tôi rồi nộp tiền vô tài khoản. Mọi thứ xong xuôi tôi mới cho con tôi ra mặt trao hàng.-Anh Tư nói.
- Cháu Nhung đi đứng ở qua đêm ở khách sạn có gì không? -Tôi hỏi.
- Tôi nói cái này nghen! Ông nội nó là một trong mười hai thành viên của phái Thất Sơn Quyền ở vùng Bảy Núi. Tôi may mắn học được một ít truyền lại cho Nhung cách tấn công và phòng thủ. Do vậy, nó dạn dĩ trong việc đi đây đó. Nói không phải khoe, chớ ba, bốn thanh niên vây nó chưa chắc gì hạ được nó!
Tôi ngỡ ngàng khi nhìn Nhung trong dáng dấp rất bình thường của cô gái miệt hòn, đôi bàn tay hơi thô và chai hết các gu tay so với con gái bình thường. Có lẽ Nhung đã từng khổ luyện.
Ba chúng tôi ngủ vùi trong men rượu mật ong.
***
Tôi không ngờ người dân trên hòn tốt bụng, mến khách bịn rịn lúc chia tay không muốn rời nhau. Chúng tôi cố từ chối nhưng không thể nào không nhận mỗi người một phần quà gồm: một ký chuối ép khô và một chai mật ong. Nhung đã vô bọc sẵn cho vào bị của chúng tôi và còn quẩy đưa ra tận bến tàu. Không biết nói gì hơn chúng tôi chỉ biết nắm lấy tay anh Tư, chào chị, chào cháu khi ra về. Tình người ở hòn quấn lấy chúng tôi, nhất là hình ảnh của Nhung luôn làm cho tôi nghĩ ngợi.
***
Ba tháng sau tôi ghé Hà Tiên ra hòn Nghệ - đảo Hải Tặc, vừa đi rảo trên bến tàu bỗng nghe tiếng gọi: “Chú ơi, chú!”. Tôi ngoái lại thấy Nhung. Nhung mừng tíu tít cười hỏi thăm đủ thứ chuyện. Tôi cho biết sắp đi ra hòn Nghệ. Nhung nói : “Cho con đi theo với, dân ở xứ này mà chưa biết hết các đảo biển Tây Nam, có dịp này con tháp tùng đi ra hòn Nghệ một lần cho biết!”. Tôi do dự: “Con xin phép anh chị Tư nghen!”. “Ừ! Con biết rồi!”.
Ra hòn Nghệ, tôi thuê riêng cho Nhung một phòng ngủ nghỉ, chiều dẫn Nhung ra bãi uống cà phê và ăn bánh xèo. Nhung kể vừa thoát khỏi bọn côn đồ ở Đà Nẵng: “Sau khi giao hàng xong xuôi con lên xe về khách sạn, cảm thấy có hai người theo dõi biết có chuyện chẳng lành, nên con vô khách sạn cải trang thành một thanh niên bụi quảy gói đi ngang qua hai tên lạ mặt đang chăm chú nhìn vô khách sạn. Con tìm một nơi khác an toàn ngủ nghỉ mới về tới đây nè!”. Tôi nhìn Nhung khen: “Sao con biết nghĩ ra cách này vậy?”. “Làm nghề như con phải đề phòng sẵn, lúc nào cũng có bộ quần áo giầy dép, kết nón con trai để kè kè trong xách, cả cái túi này cũng có hai cái màu khác nhau. Thủ thân mà chú! Hì! Hì!..”.
Thấy Nhung cười hồn nhiên, tôi vừa thán phục vừa lo ngại cho cô một thân một bóng trên đường xa lạ. Nhung nói: “Sang năm đám cưới con các chú cố gắng ra uống rượu mừng cho con nghen!”. Tôi gật đầu, hỏi nhà trai ở đâu? “ Ở Rạch Giá, anh ấy vừa mãn nghĩa vụ, bố mẹ có hai chiếc tàu đánh bắt ngoài biển, anh ấy đã ghé nhà con rồi vui lắm chú ơi!”.
***
Đầu năm sau chúng tôi nhớ hòn, nhớ anh Tư Chung nên hẹn nhau một chuyến hành trình mới. Mấy ông bạn tôi đã chuẩn bị sẵn số quà cho anh chị Tư và Nhung. Còn tôi suy tính mãi không biết mua gì. Nhung không xài son phấn, không đeo trang sức, không nghe sở thích gì, nên tôi chọn mua ba hộp bánh. Tôi hình dung anh chị Tư vui vẻ cười nói huyên thuyên, Nhung liến thoắng hồn nhiên trên hòn.
Bến tàu tấp nập hàng, cá mực, nước mắm, chuẩn bị vô đất liền. Tàu vừa tấp vô tôi đã nhanh chân phóng lên bờ trước. Con đường lên đỉnh xác lá cây rụng đầy, một vài nhánh cây gie ra đường như vừa mới có cơn gió đi qua. Cổng nhà anh Tư vắng, bọn tôi đi thẳng vô, anh chị Tư ngồi trên bộ ván vội vã ra tiếp đón. Tôi thấy như trong đôi mắt của hai người có điều gì đó không bình thường. Tôi lôi ra mấy hộp bánh, miệng hỏi:
- Nhung đâu không thấy, anh Tư?
- Con Nhung... nó chết rồi mấy chú ơi! Bàn thờ nó đó!
Tôi run tay rơi hộp bánh xuống nền nhà, mắt nhìn về phía bàn thờ nghi ngút khói nhang.
Anh Tư kể mà nước mắt rưng rưng:
- Tháng rồi nó đi giao hàng trong thành phố, xong xuôi đón xe đến khách sạn, trên đường đi có ba tên cướp dùng dao tấn công. Nó đánh trả bẻ lọi tay hai tên, một tên chạy thoát thân. Trong lúc giành lấy túi xách nó bị xe đụng té dập đầu xuống đất. Người ta chở vô bệnh viện cứu cấp, tôi vô kịp thời nhưng vết thương ở đầu quá nặng làm nó không thể vượt qua được sau năm ngày cứu chữa tận tình. Tôi đau đớn vô cùng. Mất mát không gì bù đắp được! Tôi sắp thành tỉ phú, nhưng mất đứa con thân yêu, đời này còn có ý nghĩa gì? Cả tháng nay vợ chồng tôi ăn không yên, ngủ không ngon tự trách mình để cho con gái đi như vậy?
Tôi an ủi:
- Việc qua rồi anh chị có buồn cỡ nào Nhung cũng không sống lại được. Anh chị còn hạnh phúc có Phi em Nhung học hành giỏi giang sẽ là niềm vui cho anh chị về già.
Tôi cầm hộp bánh để lên bàn thờ Nhung. Đôi mắt của cháu vẫn hồn nhiên trong sáng, đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì đó: khoe áo cưới, khoe... nhưng nói không nên lời. Bỗng dưng nước mắt tôi chảy xuống: “Con bình yên nghen Nhung!”...
Đêm đó, bọn tôi uống rượu với anh Tư đến say khướt. Gót gió đêm xạc xào đi trên những đọt cây dó bầu, tĩnh mịch buồn như khóc thương cho cô gái trầm hương vắng số.