11/03/2024 - 09:32

Cô gái miền Tây khởi nghiệp từ cây atiso đỏ 

Chị Lâm Thị Ngọc Chúc (35 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp) đã sản xuất ra nhiều sản phẩm từ atiso đỏ, giúp nâng cao giá trị của loại cây này.

Chị Chúc giới thiệu những sản phẩm được làm ra từ atiso đỏ.

Trước khi bén duyên với cây atiso đỏ và sản xuất các sản phẩm từ loại hoa này, chị Chúc kinh doanh các loại trái cây nhà vườn và nhiều sản phẩm snack dinh dưỡng tốt cho người sử dụng. Theo thị hiếu người tiêu dùng và sự phát triển mạnh mẽ, đầy tiềm năng của loài cây này, cũng như mong muốn tạo đầu ra ổn đinh cho người trồng, chị đã quyết tâm khởi nghiệp, tìm hướng sản xuất giúp nâng cao giá trị.

Năm 2022, chị cùng một người bạn có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pha chế và nghiên cứu các món nước trái cây nổi tiếng đã có cơ duyên gặp nhau và cùng nhau khởi nghiệp cho ra đời thương hiệu LamiFarm. Chị liên kết cùng nhiều hộ dân để bao tiêu thu mua sản phẩm astiso đỏ. Hiện chị đã triển khai trồng atiso đỏ trên diện tích hàng ngàn mét vuông để tự chủ động được nguồn nguyên liệu, mỗi tháng chị Chúc thu mua khoảng 1 tấn atiso tươi. Khi nguồn nguyên liệu đầu vào đã dồi dào, chị Chúc mạnh dạn bắt tay vào việc nghiên cứu và đầu tư quy trình chế biến các món trà, mứt, siro ngon miệng từ atiso và các loại nông sản sạch khác.

Công đoạn chế biến gồm nhiều khâu như cắt bông, loại bỏ hạt, sơ chế, sản xuất sản phẩm. Tùy theo mỗi sản phẩm làm ra sẽ có công thức pha trộn riêng. Hiện chị Chúc xuất bán ra thị trường đa dạng các dòng sản phẩm từ atiso như dạng gói, dạng nước, dạng mứt, nước chấm; cùng các sản phẩm atiso mix, thốt nốt, dừa nước… “Thông thường vị atiso đỏ hơi khó uống. Bởi thế phải biết cách xử lý và có công thức riêng để sản xuất ra được các loại với hương vị hợp thị hiếu người tiêu dùng. Ðiển hình như dòng nước sốt và nước chấm từ atiso là một sản phẩm chưa từng có trên thị trường. Ngoài ra, dòng atiso hạt đác được sản xuất giữ lại nguyên bông mà không làm nát bông như những sản phẩm trên thị trường hiện có”, chị Chúc cho biết.

Theo chị Chúc, hơn 2kg atiso tươi sau khi sơ chế chỉ thu được 1kg thành phẩm để sản xuất. Hiện chị liên kết với các hộ dân để thu mua atiso số lượng lớn. Sắp tới sẽ tự phát triển vùng nguyên liệu để có nguồn nguyên liệu ổn định. Bắt đầu từ quy mô kinh doanh lẻ và sỉ, bán buôn trên toàn quốc nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khi sản phẩm atiso đỏ được người tiêu dùng và đối tác nhiệt tình hưởng ứng thì việc cải thiện, đầu tư và mở rộng sản xuất ngày càng lớn mạnh hơn.

Không chỉ tập trung phát triển cây atiso tại địa phương, mà việc sản xuất cũng như mở rộng phát triển kênh kinh doanh, chế biến sản phẩm đa dạng hơn. Ðặc biệt cơ sở của chị Chúc còn đưa ra thị trường nhiều công thức pha chế nước uống mới, hấp dẫn độc đáo từ atiso phù hợp với thị hiếu thị trường và nhu cầu sức khỏe của người tiêu dùng. Nhờ đó sản phẩm ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết