20/03/2024 - 15:17

Cô gái miền Tây “khoác áo mới” cho chiếc bánh gai truyền thống 

Từ những chiếc bánh gai truyền thống, chị Huỳnh Thị Thy Thy (45 tuổi, ngụ thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã “khoác áo mới” và đặt tên thành bánh quy dừa, với độ giòn xốp có hương vị độc đáo, rất riêng, đặc biệt không sử dụng phụ gia và chất bảo quản.

Chị Thy giới thiệu sản phẩm bánh quy dừa đến khách hàng.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm bánh gai (món bánh ngọt truyền thống nức tiếng của Việt Nam), chị Thy đã tìm cách xây dựng thương hiệu, cách tân về mẫu mã, kết hợp thêm nhân bánh và đặt tên là bánh quy dừa để lưu giữ nghề truyền thống của gia đình và đưa hương vị bánh bay xa. “Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gò Công. Ngày còn bé, mẹ kiếm tiền lo cho tôi ăn học bằng việc làm ra những chiếc bánh gai đem bán. Những chiếc bánh không chỉ mang hương vị ngọt ngào của tinh bột quyện thêm chút béo béo của nước cốt dừa, thơm phức mùi những quả trứng gà mới đẻ, mà còn đong đầy cả sự chân thành, tình yêu và cả niềm say mê của mẹ khiến tôi không thể quên. Mẹ giữ nghề cũng hơn 30 năm, nên tôi muốn tiếp nối truyền thống này”, chị Thy kể.

Sau khi tốt nghiệp Ðại học Y dược TP Hồ Chí Minh và ở lại công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, nhưng chị Thy vẫn sắp xếp thời gian để song song với việc khởi nghiệp với bánh quy dừa từ năm 2020. “Từ tuổi thơ lớn lên với chiếc bánh của mẹ, cùng với việc trở lại trường và thấy thầy cô về hưu, cuộc sống nhiều khó khăn, cũng như mong muốn tạo việc làm cho người khuyết tật ở địa phương. Ðiều đó đã thôi thúc tôi phát triển bếp bánh của mẹ với quy mô lớn hơn”, chị Thy chia sẻ.

Ðể đi đường dài với việc làm bánh quy dừa, chị đã đầu tư xây dựng lại nhà xưởng trên diện tích 100m2 và mua các trang thiết bị để sản xuất bánh số lượng lớn bán ra thị trường. Mong muốn mang đến cho khách hàng gần xa những sản phẩm uy tín, chất lượng, mang đậm hương sắc riêng của xứ Gò Công. Từ chiếc bánh gai truyền thống được chị “khoác” lên mình những chiếc áo mới với tên gọi bánh quy dừa. Hiện cơ sở bánh quy dừa sản xuất các loại bánh đặc trưng, như bánh quy dừa truyền thống suôn dài; bánh quy dừa nhân thơm ngọt thanh dịu; bánh quy dừa nhân đậu phộng… Tất cả đều có hương dừa thơm lừng, với vị béo nước cốt dừa nhưng hoàn toàn không quá ngọt, từng chiếc bánh với hình dáng đẹp mắt, khách hàng ưa chuộng.

Mỗi tuần chị bán ra thị trường từ 50-100kg bánh quy dừa. Vào mùa Tết, lượng khách đặt hàng mỗi ngày có thể đến 30-50kg bánh. Bánh được đóng hộp 250gr, bán với 74.000 đồng/hộp. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh, thành, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và cả bạn bè nước ngoài cũng rất ưa chuộng. “Chiếc bánh gai được tôi thiết kế bao bì bắt mắt, đổi kiểu dáng, thêm hoa văn như hình hoa mai, đồng tiền, hoa cúc… để thêm nhân thơm, đậu phộng để đa dạng hơn về sản phẩm”, chị Thy chia sẻ.

Ðể sản phẩm bánh quy dừa vươn xa, tạo uy tín thì tất cả các khâu làm bánh, cũng như bí quyết gia truyền đều phải tạo nên sự khác biệt trong hương vị. Do đó, chị khắt khe trong việc chọn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, các công đoạn làm bánh phải đảm bảo vệ sinh tuyệt đối. “Toàn bộ thành phần chiếc bánh quy dừa đều từ nguyên liệu tự nhiên nên luôn đảm bảo an toàn thực phẩm, thơm ngon. Tất cả nguyên liệu làm bánh đều được chúng tôi kiểm soát chặt chẽ, từ bột mua ở công ty uy tín, trứng tươi mua ở địa phương, dừa được tôi thu mua từ những nhà vườn quen”, chị Thy cho biết.

Ðộng lực lớn nhất giúp chị Thy gắn bó với nghề làm bánh quy dừa truyền thống chính là vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần tạo công ăn việc làm cho 6 nhân công địa phương, chủ yếu là giáo viên về hưu và người khuyết tật. Vừa qua, sản phẩm bánh quy dừa không hóa chất, không phẩm màu của chị Thy đã vượt qua hơn 1.500 hồ sơ xuất sắc đạt giải thưởng cao nhất Cuộc thi khởi nghiệp ÐBSCL 2023.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết