12/12/2010 - 20:35

Hoạt động Thanh tra Nhân dân cấp xã, phường, thị trấn:

Có chuyển biến nhưng chưa đồng bộ

Với vai trò giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... nhiều năm qua, lực lượng thanh tra nhân dân (TTND) cấp xã, phường, thị trấn luôn nỗ lực thực hiện vai trò, nhiệm vụ của mình. Qua đó, nhiều việc phức tạp tại cơ sở được phát hiện, giải quyết kịp thời; chất lượng thi công nhiều công trình xây dựng được bảo đảm...Tuy nhiên, bên cạnh đó, ở nhiều nơi, hoạt động của TTND vẫn còn nhiều hạn chế ...

* Những tín hiệu vui...

Nhờ các cán bộ Ban Thanh tra nhân dân phường giám sát chặt chẽ nên tuyến đường giao thông nông thôn nối tiếp lộ nhựa ở các khu vực 3, 4, 5 phường Ba Láng (quận Cái Răng) đảm bảo chất lượng.

Tuyến đường bê tông chạy ngang qua các khu vực 3, 4, 5 phường Ba Láng, quận Cái Răng, với tổng chiều dài 218 m, do Nhà nước đầu tư khoảng 300 triệu đồng, được đưa vào sử dụng từ tháng 9-2010, tạo sự phấn khởi cho người dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Sang, ở khu vực 3, phường Ba Láng, cho biết: “Trong suốt quá trình thi công, các cán bộ phường, khu vực cùng nhân dân tổ chức giám sát chặt chẽ. Nhất là ông Lý Văn Tiếp, cán bộ TTND phường, thường xuyên “bám trụ” tại công trình, kiểm tra tỷ lệ trộn hồ, độ dày bê tông, cách xây taluy... Khi phát hiện đơn vị thi công xây taluy không đúng qui cách, ông Tiếp và cán bộ phường buộc công nhân phải xây lại đúng với bản thiết kế ban đầu”.

Hiện nay, Ban TTND ở phường Ba Láng có 7 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch UBMTTQVN phường làm trưởng ban. Các thành viên trong Ban TTND đều được phân công giám sát ở từng khu vực. Ông Lý Văn Tiếp, Trưởng Ban TTND phường Ba Láng, cho biết: “Tất cả các thành viên trong Ban TTND phường đều do nhân dân đề cử, am hiểu về chính sách, pháp luật. Các thành viên luôn nêu cao tinh thần gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những phản ánh của nhân dân trên các lĩnh vực, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp trên giải quyết những yêu cầu chính đáng của người dân”. Nhờ sự giám sát chặt chẽ, trách nhiệm cao của Ban TTND phường, mà các công trình xây dựng trên địa bàn trong những năm gần đây đều đạt chất lượng, đảm bảo đúng thiết kế. Riêng trong năm 2010, Ban TTND phường đã làm tốt vai trò giám sát việc xây dựng và sửa chữa 5 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết và xây dựng hai tuyến đường giao thông...

Tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, cũng nhờ Ban TTND thực hiện tốt vai trò giám sát mà nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn phường đều đảm bảo chất lượng. Ông Nguyễn Minh Đường, thanh tra viên ở khu vực 1, cho biết: “Được bà con tin tưởng giao nhiệm vụ, dù có vất vả chúng tôi cũng cố gắng làm tròn trách nhiệm”. Cách nay không lâu, khi khu vực 1 tiến hành nâng cấp đường giao thông, hàng ngày, ông Đường cùng một số bà con thay phiên nhau giám sát công trình, kiểm tra từng mẻ hồ, độ dày của bê tông... Những mẻ hồ trộn tỷ lệ không đạt chuẩn (dư cát, nước), hoặc những đoạn tráng bê tông mỏng không đúng theo thiết kế, ông và những người giám sát góp ý để đơn vị thi công làm lại, bảo đảm chất lượng công trình.

Thời gian qua, Ban TTND các xã, phường, thị trấn còn tích cực góp phần xây dựng chính quyền và bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Điển hình như Ban TTND phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, khi nghe người dân trong phường phản ánh Phó Chủ tịch UBND phường giải quyết thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy trình, quy định của pháp luật, các cán bộ trong Ban TTND phường đã tiến hành xác minh. Trong quá trình điều tra, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần dũng cảm, kiên quyết đấu tranh, các cán bộ TTND đã tìm gặp những người dân và các cán bộ có liên quan để làm rõ vụ việc. Khi tập hợp đầy đủ chứng cứ, Ban TTND kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý đúng theo quy định. Khi bản kiến nghị gởi đi quá 15 ngày, vụ việc vẫn chưa được giải quyết, Ban TTND tiếp tục kiến nghị lần 2. Cuối cùng, cán bộ sai phạm đã bị xử lý kỷ luật.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP Cần Thơ, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đều thành lập Ban TTND. Những năm qua, Ban TTND đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện công tác giám sát và vận động nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại địa phương; giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua đó, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

* Còn nhiều hạn chế, vướng mắc...

Theo đánh giá của Ban Thường trực UBMTTQVN thành phố, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động của TTND ở nhiều xã, phường, thị trấn vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, vẫn còn không ít thành viên trong Ban TTND chưa đủ trình độ, năng lực, chưa nắm vững về chính sách pháp luật, còn ngán ngại, sợ va chạm. Bên cạnh đó, do yêu cầu công tác, các thành viên của Ban TTND thường xuyên thay đổi nên những người mới nhận nhiệm vụ thường lúng túng trong công việc. Mặt khác, chế độ phụ cấp, bồi dưỡng của các thành viên trong Ban TTND chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, đồng chí Phó Chủ tịch UBMTTQVN phường kiêm Trưởng Ban TTND chỉ được hưởng phụ cấp của chức danh Phó Chủ tịch UBMTTQVN, các thành viên còn lại làm việc trên tinh thần tự nguyện, không có thêm khoản bồi dưỡng nào khác. Ông Võ Hữu Quới, Trưởng Ban TTND phường Hưng Thạnh, cho biết: “Do không có tiền bồi dưỡng, trong khi nhiều thành viên hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, phải đi làm kinh tế phụ, vì vậy đôi khi họ chưa toàn tâm toàn ý trong công việc”. Điều đáng nói là Thông tư liên tịch số 40 của Bộ Tài chính - Ban Thường trực UBTƯMTTQVN- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban TTND ký ngày 12-5-2006 nêu rõ:”Mức cân đối kinh phí hoạt động của Ban TTND cấp xã, phường, thị trấn đảm bảo tối thiểu 2 triệu đồng/năm”, nhưng đến nay một số địa phương vẫn chưa cấp đủ kinh phí cho Ban TTND hoạt động. Ông Phan Văn Đèo, Phó Chủ tịch UBMTTQVN quận Thốt Nốt, cho biết: “Đến nay, toàn quận chỉ có 2/9 phường được cấp kinh phí hỗ trợ theo vụ việc được chính quyền đề nghị Ban TTND thụ lý. Còn 7/9 đơn vị không được hỗ trợ kinh phí hoạt động. Lý do là chưa có sự chỉ đạo của ngành tài chính cấp trên”. Còn ông Phạm Văn Tửng, Trưởng Ban TTND phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, nói: “Kinh phí hoạt động của Ban TTND hàng năm không được tách riêng mà dự trù chung trong kinh phí hoạt động của Mặt trận. Khi TTND hoạt động có chứng từ thì được chi quyết toán theo quy định chung về ngân sách. Việc chi này cũng hạn chế vì kinh phí của Mặt trận được khoán hàng năm rất ít. Còn việc thực hiện theo Thông tư liên tịch số 40 thì ở địa phương chưa thực hiện”.

Nghị định 99/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban TTND đã quy định rõ: Ban TTND giám sát “các công trình triển khai trên địa bàn xã, phường, thị trấn có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, an ninh, trật tự, văn hóa - xã hội, vệ sinh môi trường và đời sống của nhân dân”. Nhưng hiện nay vai trò giám sát này của Ban TTND ở các địa phương còn mờ nhạt, chủ yếu chỉ dừng lại ở mức giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư, công trình do nhân dân đóng góp xây dựng, do Nhà nước, các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho xã, phường, thị trấn; còn đối với những công trình, dự án lớn do Trung ương, thành phố đầu tư thì không được tham gia giám sát. Ông Lý Sen, Trưởng Ban TTND phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, cho biết: “Một số việc Ban TTND xác minh, đề xuất chính quyền giải quyết nhưng khi giải quyết xong thì không thông báo kết quả cho Ban TTND biết”.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP Cần Thơ, hiện nay, chính quyền và các cơ quan ban, ngành các cấp xã, phường, thị trấn chưa xem trọng vai trò của Ban TTND, chưa thật sự quan tâm tạo điều kiện để Ban TTND hoạt động hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi đề nghị sắp tới các cấp ủy Đảng cần quan tâm, tăng cường chỉ đạo để phát huy tốt vai trò giám sát của Ban TTND, nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân được phát huy và góp phần xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh. Bên cạnh đó, Trung ương cần quy định chế độ phụ cấp cho thành viên Ban TTND; chính quyền các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các ban TTND hoạt động hiệu quả bằng cách thường xuyên kiện toàn, củng cố bộ máy, tổ chức, bố trí nguồn kinh phí hợp lý bảo đảm hoạt động (cấp đủ kinh phí hoạt động cho Ban TTND, không gộp vào kinh phí hoạt động của Mặt trận cùng cấp); tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các thành viên...; đồng thời cần hướng dẫn cụ thể hơn việc thực hiện quy chế, quy định liên quan đến hoạt động TTND. Về phía các thành viên Ban TTND cũng cần nỗ lực học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng giám sát và rèn luyện bản lĩnh vững vàng để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Ban TTND.

Bài, ảnh: Nhật My

Chia sẻ bài viết