31/03/2011 - 21:45

Chiến sự tiếp diễn tại Libye

CIA và lính đặc nhiệm Anh đã nhảy vào cuộc

Mặc dù Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ không có lực lượng bộ binh tham gia cuộc chiến tại Libye, nhưng sự hiện diện của các nhân viên tác chiến Cục Tình báo Trung ương (CIA) tại các khu vực do phe đối lập kiểm soát đã bộc lộ chiến lược quân sự của Mỹ ở quốc gia Bắc Phi này.

Mục tiêu của CIA

Dân thường Libye chạy lánh nạn. Ảnh: Reuters

Báo chí Mỹ cho biết ông chủ Nhà Trắng đã ký sắc lệnh bí mật cho phép một nhóm tác chiến CIA nhảy vào Libye trước khi liên quân Mỹ-Anh-Pháp bắt đầu không kích nước này hôm 19-3. Theo các chuyên gia tình báo, mục đích của CIA là tiếp cận phe nổi dậy để đánh giá khả năng và nhu cầu trợ giúp của lực lượng chống chế độ Muammar Gadhafi. Theo Thời báo New York, các nhân viên CIA có mặt tại Libye hiện nay là những người từng làm việc tại một chi nhánh trước đây ở Thủ đô Tripoli và một số khác cũng thường hay “lai vãng” tới nước này. Nhờ sự có mặt của CIA mà mới đây hai chuyên gia vũ khí Mỹ trên chiếc máy bay F-15E Strike Eagle bị rơi ở gần thành phố Benghazi, “đại bản doanh” của phe nổi dậy, được giải cứu an toàn. Ngoài ra, CIA còn cung cấp thông tin tình báo về các địa điểm cần tấn công cho không quân Mỹ.

Ngoài các điệp viên CIA, theo Thời báo New York, hàng chục lính đặc nhiệm và sĩ quan tình báo M16 của Anh cũng đang hoạt động bên trong lãnh thổ Libye. Nhiệm vụ của họ là trực tiếp chỉ điểm cho các máy bay chiến đấu Anh không kích Libye, đồng thời thu thập thông tin tình báo về xe tăng, pháo binh và địa điểm triển khai tên lửa của nước này.

Vấn đề mà dư luận đang theo dõi là liệu Mỹ và phương Tây có quyết định trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập ở Libye hay không. Nhà Trắng cho biết hiện chưa có quyết định được đưa ra, song nhấn mạnh Mỹ đang xem xét “mọi hình thức trợ giúp” cho phe nổi dậy. Theo AP, trong quá khứ, chẳng hạn như trước khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Afghanistan và Iraq, chính quyền Mỹ bao giờ cũng bí mật để CIA làm nhiệm vụ “tiền trạm”.

Nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh

Trong khi đó, theo kết quả thăm dò dư luận tại Mỹ do Đại học Quinnipiac (Mỹ) công bố ngày 31-3, có 47% số người được hỏi phản đối Lầu Năm Góc can dự chiến dịch quân sự chống Libye, 58% cho rằng mục tiêu của Mỹ tham gia chiến dịch này không được làm rõ, 61% cho rằng việc lật đổ nhà lãnh đạo Gadhafi không đáng để quân đội Mỹ tham chiến và có thể gây nhiều thương vong.

Hạ viện Mỹ ngày 30-3 cũng đã mở phiên điều trần kéo dài 4 tiếng đồng hồ về sự can dự quân sự của Mỹ ở Libye với sự tham dự của những quan chức hàng đầu như Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Ngoại trưởng Hillary Clinton, Giám đốc CIA James Clapper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mike Mullen. Tại phiên điều trần, các nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ đều nhắc lại quan điểm phản đối tham gia chiến dịch quân sự ở Libye do lo ngại về chi phí chiến tranh, thời gian tiến hành cuộc chiến và những vấn đề liên quan tới Hiến pháp. Sau Hạ viện, Thượng viện Mỹ cũng sẽ tiến hành điều trần về vấn đề này.

Tâm điểm chiến sự dồn về Ajdabiyah

Quân chính phủ Libye đã chiếm lại nhiều thành phố quan trọng từ tay phe nổi dậy và đang tiến đến thành phố Ajdabiyah, địa bàn chiến lược án ngữ “tổng hành dinh” Benghazi của phe nổi dậy, khiến nhiều dân thường bắt đầu chạy lánh nạn khỏi Ajdabiyah. Vì thế, nơi đây đang là tâm điểm chiến sự được dự báo rất khốc liệt. Trước tình hình đó, liên quân do NATO đứng đầu gia tăng các đợt không kích ngăn chặn đà thẳng tiến của lực lượng ủng hộ Gadhafi. Song song đó, tối 30-3 và rạng sáng 31-3, các máy bay của liên quân đã oanh kích vào nhiều mục tiêu quân sự ở ngoại ô Đông Nam Thủ đô Tripoli nhưng kết quả làm nhiều dân thường thiệt mạng. Một đại diện cấp cao của Tòa thánh Vatican tại Tripoli cho biết một nguồn tin đáng tin cậy nói rằng hành động quân sự của phương Tây đã làm ít nhất 40 dân thường “tử trận”. NATO cam kết sẽ điều tra làm rõ.

Cái khó của liên quân hiện nay là quân chính phủ Libye đã áp dụng chiến thuật ngụy trang để đánh lừa lực lượng không quân của đối phương. Một quan chức quân sự Mỹ cho biết liên quân đã bắt đầu không thể phân biệt đâu là lực lượng ủng hộ chính phủ và phe nổi dậy.

KIẾN HÒA
(Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết