19/11/2011 - 21:28

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Chuyện về những Nhà giáo ưu tú

Nhiều nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” đã tâm sự: có lẽ niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với một nhà giáo là sự tin yêu của học trò, sự quí mến của đồng nghiệp. Đó cũng là động lực giúp hai Nhà giáo ưu tú Nguyễn Kim Thao, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học quận Ninh Kiều và Trương Thành Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (quận Ô Môn) vượt lên mọi khó khăn để gắn bó, tận tụy với nghề…

1. Chúng tôi gặp Nhà giáo ưu tú Nguyễn Kim Thao, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học quận Ninh Kiều, tại Hội Khuyến học quận, trong lúc cô đang kiểm tra lại danh sách các học sinh nghèo, hiếu học, lên kế hoạch hoạt động nhân dịp 20-11;... Chưa kịp trò chuyện, điện thoại của cô lại reo. Cô Thao cho biết: “Tuy đã về hưu, nhưng các em ở trường cũ vẫn thường điện thoại tâm sự, hỏi kinh nghiệm chuyên môn, quản lý, tôi sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của mình. Mới đó mà đã hơn 35 năm tôi gắn bó với ngành giáo dục...”.

 

Tháng 11-1975, cô gái trẻ Nguyễn Kim Thao (quê ở Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) được phân công về công tác tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang (cũ). Khi ấy, vùng đất Trường Long Tây còn hoang sơ, đang trong giai đoạn kiến thiết, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, thiếu thốn. Nơi gọi là trường học (Tiểu học Trường Long Tây) chỉ giống như một cái “trại” cất bằng tre, nền đất ẩm thấp. Khi ấy, giáo viên dạy một lớp có khoảng 20-30 học sinh với 3 trình độ khác nhau (từ lớp 1 đến lớp 3). Cô Thao kể: “Đường đi lại khó khăn, nhiều kênh rạch. Lúc mới nhận lớp, tôi và một đồng nghiệp nữ rất bỡ ngỡ, lo lắng. Hàng ngày, chúng tôi phải quá giang xuồng, ghe của người dân đến lớp. Ban đêm ngủ trên chiếc giường tre cũ oằn xuống, có đêm phát hiện rắn nằm dưới gầm giường”. Vậy mà cô vẫn bám trụ với trường hơn 4 năm (trong đó có 2 năm cô làm công tác quản lý). Sau đó, cô tiếp tục được luân chuyển công tác ở nhiều nơi, như: Trường Tiểu học Tân Phú Thạnh, Trường Đào tạo Bồi dưỡng, Phòng Giáo dục huyện Châu Thành (nay là Phòng Giáo dục quận Cái Răng)... Năm 1988, cô chuyển về dạy học tại Trường TH Cái Khế 1. Cô Thao bộc bạch: “Từ năm 1975 đến 1988, tôi chỉ đứng lớp 2 năm, nên hơi lo lắng. Song đã chọn nghề dạy học, dù hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng làm tốt trách nhiệm của người thầy. Tôi tập trung nghiên cứu tài liệu, học hỏi đồng nghiệp để tìm phương pháp dạy cho học sinh dễ hiểu, đạt kết quả cao nhất”. Trong 9 năm đứng trên bục giảng là 9 năm cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố (TP Cần Thơ cũ) và cấp tỉnh. Năm 1998, Ban Giáo dục thành phố điều cô về làm quản lý tại Trường Tiểu học An Thới 2, rồi về Trường Tiểu học Võ Trường Toản từ năm 2004 đến 2010.

Trong 35 năm gắn bó với công tác giáo dục, dù ở cương vị nào, cô đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng nghiệp tin yêu, học sinh quí mến. Riêng tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, cô đã góp phần xây dựng một tập thể đoàn kết, nhất trí. 5 năm liền (2004-2010), trường đều đạt danh hiệu Tiên tiến Xuất sắc và được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Không chỉ tâm huyết trong giảng dạy, cô còn quan tâm, giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như trong năm học 2008-2009, có một học sinh lớp 5 (Trần Bình Vỹ) mắc bệnh trong não có nang, gia đình không có tiền đưa em đi làm phẫu thuật. Cô đã tham mưu với Ban Giám hiệu trường đứng ra vận động các cán bộ, giáo viên. Chỉ trong 1 ngày đã vận động được 13 triệu đồng, giúp Vỹ có chi phí phẫu thuật, tiếp tục đi học. Theo cô, song hành với giáo dục là khuyến học. Đó cũng là lý do cô tiếp tục làm công tác khuyến học khi đã nghỉ hưu. Nhiều câu chuyện về NGƯT tận tụy này được các đồng nghiệp kể lại. Trong số các bài thi đoạt giải cao tại cuộc thi “Kể chuyện tấm gương điển hình tiên tiến trong ngành giáo dục” cấp quận năm học 2008-2009, có bài thi của cô Nguyễn Thị Hậu (giáo viên Trường TH Võ Trường Toản) kể về cô Thao khá xúc động. Bài viết có đoạn: “Cô tận tụy, yêu nghề, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Có nhiều lúc mọi người ra về hết nhưng cô vẫn miệt mài (...) Cô đã dành hết thời gian cho công việc mà không nghĩ đến hạnh phúc của bản thân(...) Những lúc gia đình gặp khó khăn, tôi cảm thấy mệt mỏi, chán nản thì cô là người động viên, khích lệ cho tôi vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

2. Khi giới thiệu với chúng tôi về Nhà giáo ưu tú Trương Thành Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Hiền, ông Tống Chí Vĩnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn, cho biết: “Thầy Minh là một giáo viên, người quản lý tâm huyết với nghề. Không chỉ năng nổ, dám nghĩ, dám làm mà còn là trung tâm đoàn kết nội bộ của trường. Ở cương vị nào, thầy đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là tấm gương tiêu biểu để các đồng nghiệp noi theo”. Gặp thầy Minh trong lúc thầy bàn kế hoạch chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 20-11. Với giọng điềm đạm, quyết đoán, thầy phân công công việc chuẩn bị ở từng khâu chặt chẽ, chu đáo. Thầy Minh nói: “Cứ đến ngày 20-11, chúng tôi bận rộn suốt, nhất là năm nay, trường vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng III. Mình không nên “ôm việc” mà phải giao việc cho từng người, có kiểm tra đôn đốc thì mới đạt hiệu quả...”.

 

Ở tuổi 53, thầy có hơn 34 năm gắn bó với ngành giáo dục. Sau khi tốt nghiệp trung học sư phạm vào tháng 9-1977, chàng trai trẻ Trương Thành Minh hăng hái về Trường cấp 2-3 Thới Long (tỉnh Hậu Giang cũ) dạy học. Tại đây, thầy đã phải lòng cô giáo dạy văn trẻ Đoàn Thị Mỹ Xuân và lập gia đình vào năm 1982. Công việc vừa dần ổn định, trường tách cấp 2-3, thầy được điều động về công tác tại Trường Tiểu học Thới Long 2. Những năm 1990, cuộc sống của nhiều giáo viên rất khó khăn, nhiều lần thầy và cô đứng trước những cơ hội, chọn lựa để có cuộc sống khấm khá hơn, nhưng rồi khi nhìn các học sinh vùng sâu nghèo khó đang “khát chữ”, hai vợ chồng quyết tâm bám nghề và làm kinh tế phụ (chăn nuôi, mua bán...) để cải thiện cuộc sống.

Từ một ngôi trường ẩm thấp, ngập nước, thầy Minh đã góp phần đáng kể gầy dựng Trường Tiểu học Thới Long 2 có cơ ngơi khang trang với chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Từ năm 1992, thầy được điều động về làm công tác quản lý ở Trường Tiểu học Thới Long 1 (nay là trường Nguyễn Hiền) đến nay. Nhìn ngôi trường mới xanh-sạch-đẹp, khang trang và là trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của phường Thới Long, ít ai nghĩ rằng cách đây 5 năm, đây là ngôi trường chỉ có 8 phòng học xuống cấp, nền đất ngập nước mỗi khi trời mưa... Thầy Minh kể: “Khi ấy, trường có 29 giáo viên, phần lớn trình độ 9+3. Để trường hoạt động hiệu quả, chúng tôi đã tham mưu với lãnh đạo ngành, UBND quận xây dựng cơ sở vật chất; đồng thời, bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên”. Thầy Minh rà soát, lên kế hoạch đào tạo giáo viên theo kiểu cuốn chiếu. Những người chưa đi học sẽ choàng gánh công việc cho người đi học. Nhờ vậy, đến nay, 29 giáo viên của trường đều đạt chuẩn, hơn 90% giáo viên vượt chuẩn. Cô Trần Thị Xuyến, Tổ trưởng tổ 3 của trường, đã tốt nghiệp Đại học Giáo dục tiểu học, nói: “Năm học 1992-1993, hầu như không giáo viên nào ở trường đi học do điều kiện kinh tế khó khăn, phải kiếm sống. Bởi khóa học đại học dài 3 năm, mỗi năm đóng 1,2 triệu đồng. Khi thầy Minh về trường, thầy ra sức động viên, tạo điều kiện cho giáo viên đi học. Bản thân tôi, khi đã học hết năm thứ nhất đại học, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, có lúc tôi định bỏ học. Nhờ thầy Minh kịp thời động viên, tạo điều kiện tôi mới học xong đại học”.

10 năm thầy Minh gắn bó với Trường Tiểu học Nguyễn Hiền cũng ngần ấy năm trường đạt danh hiệu tập thể Lao động Xuất sắc. Năm 2008, trường nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2011, trường vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng III. Từ một chi bộ ghép, với 2 đảng viên, đến nay trường đã thành lập chi bộ riêng với 25 đảng viên. 3 năm liền (từ 2008-2010), Chi bộ trường đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Cá nhân thầy Minh cũng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, và nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2010. Thầy bộc bạch: “Hai đứa con trai đã tốt nghiệp đại học. Đứa lớn sắp lấy bằng thạc sĩ ở Malaysia, đứa con út làm việc ở tỉnh Sóc Trăng. Vợ tôi cũng vừa về hưu vào tháng 11 này. Giờ đây, việc còn lại là tôi cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục, vì học trò thân yêu”.

NGỌC NGÂN

Chia sẻ bài viết