Mừng đất nước 35 năm thống nhất, những bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) đã cống hiến cả cuộc đời, những người thân yêu cho sự nghiệp cách mạng ấy, lại bồi hồi nhớ về những năm tháng hào hùng. Cuộc đời của mỗi bà mẹ VNAH mà chúng tôi đã gặp, cũng giống như nhiều bà mẹ VNAH khác, là những câu chuyện đầy bi tráng mà thế hệ mai sau luôn trân trọng, tự hào...
 |
Mẹ VNAH Trần Thị Hai, hiện ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng có chồng và hai người con là liệt sĩ. Ảnh: P. LAM |
Căn nhà tình nghĩa khang trang của Mẹ VNAH Trần Thị Hai (đang sống cùng cháu nội) ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng tuy vắng vẻ nhưng đong đầy tình bà cháu. Ở tuổi gần 80 tuổi, lưng mẹ hơi còm, trên gương mặt như còn phảng phất những nỗi gian khổ mẹ từng trải qua trong chiến tranh ác liệt. Đôi mắt mẹ ngời sáng mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm về người chồng thân yêu và những đứa con đã ngã xuống. Sớm mồ côi cha mẹ từ năm 12 tuổi, mẹ và hai người em được người cô ruột ở Cần Thơ mang về nuôi dưỡng. Vốn quen với cuộc sống nghèo khó, vất vả nên khi về làm dâu nhà chồng năm 18 tuổi, mẹ là người vợ chịu thương, chịu khó. Lúc đó, ông Hùynh Văn Sương (bí danh Huỳnh Khai) - chồng mẹ, tham gia hoạt động cách mạng, lâu lâu mới ghé thăm nhà một lần. Mẹ vừa phụng dưỡng cha mẹ chồng, nuôi con nhỏ, đi cấy mướn kiếm sống, quán xuyến mọi việc trong ngoài để chồng yên tâm công tác. Khi được gia đình chồng cho ra ở riêng, được chồng giác ngộ, dẫn dắt, mẹ quyết một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ. Mẹ kể: “Nhà mẹ có đào cái hầm thật lớn, lúc nào cũng có năm, sáu đồng chí đàng mình trú ẩn. Hằng ngày, mẹ nấu cơm đem xuống hầm, ngồi canh gác đằng trước. Hễ có động mẹ báo cho anh em rút đi nhanh chóng, an toàn”.
Năm 1963, chồng mẹ hy sinh để lại cho mẹ 6 người con nhỏ, một mình đi làm mướn vất vả nuôi con và phải đối phó với sự rình rập, trấn áp của quân thù. Mẹ kể: “Hồi đó, mẹ bị bắt 3-4 lần gì đó, bị đánh đập, tra tấn nhưng mẹ thà chết chứ nhất định không khai báo. Thậm chí mẹ còn thi gan với chúng. Mẹ nói: Ừ, tui là vợ Việt cộng, mấy ông giết tui thì giết luôn bầy con chứ để tụi nó sống không ai nuôi...”. Trước tinh thần kiên trung của mẹ, bọn chúng như chùn tay và giở nhiều chiêu bài dụ dỗ nhưng không có kết quả nên đành thả mẹ về. Nghèo khó, vất vả nhưng mẹ vẫn hăng hái tham gia phá ấp chiến lược,vận động mọi người xây dựng “Hũ gạo chống Mỹ”... Mẹ nói: “Với mẹ, niềm hạnh phúc lớn nhất là nuôi dạy các con nên người, chỉ bảo cho chúng con đường ngay thẳng mà đi. Chồng mẹ hy sinh, nhưng còn con mẹ tiếp tục chiến đấu”. Cũng vì vậy mà khi các con lớn lên, lần lượt đòi đi theo chí hướng của cha, mẹ ủng hộ không chút do dự. Thế rồi trong vòng chưa đầy 3 năm, mẹ đau đớn nhận hung tin hai con trai hy sinh. Đó là liệt sĩ Huỳnh Văn Đời đã anh dũng hy sinh trong trận đánh đồn Xẻo Lá (1969) và liệt sĩ Huỳnh Văn Cò hy sinh trong trận Đìa Sài (1971). Ngày đất nước thống nhất, mẹ mừng rơi nước mắt, bởi đó chính là ước mong của người chồng và các con thân yêu đã ngã xuống. 35 năm sau giải phóng, gia đình mẹ từng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, mẹ luôn động viên con cháu lo chí thú làm ăn và đặt trọn niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước. Tiễn chúng tôi ra cửa, giọng mẹ rưng rưng xúc động: “Giờ mẹ rất vui và mãn nguyện khi thấy đất nước ngày càng phát triển. Mẹ được Đảng, chính quyền các cấp và các cháu đoàn viên thanh niên chăm lo chu đáo và được ra Hà Nội thăm lăng Bác, còn ước mơ gì hơn”.
* * *
Chúng tôi về khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa (quận Bình Thủy), thăm Mẹ VNAH Phạm Thị Nén. Ở tuổi 88, người mẹ từng tham gia hai thời kỳ kháng chiến, trải qua trăm ngàn hiểm nguy, gian khổ ấy vẫn còn nhớ rõ và kể vanh vách về những giai đoạn đấu tranh ác liệt. Mẹ bồi hồi nhớ lại: “Những năm 1969-1972, Mỹ-Ngụy tăng cường xây dựng bộ máy ngụy quân, ngụy quyền xã, ấp, đóng thêm đồn bót, lấn đất giành dân... Chúng nghi mẹ tham gia cách mạng nên luôn theo dõi, rình rập, không cho mẹ chèo ghe đi mua bán. Mẹ lén dẫn các con về quê ở Long Hòa để tiếp tục tham gia công tác. Lúc ấy mẹ vừa tiếp tế cho bộ đội, vừa là giao liên của đơn vị khu vực III. Hễ xúc được tép, cá lớn mẹ đem cho tụi lính. Nhờ vậy, những chuyến hàng của mẹ đều trót lọt. Mùa xuân năm 1975, nhận nhiệm vụ may cờ mà lòng mẹ rộn bao niềm vui. Cứ mỗi chuyến hàng, mẹ mua vải vàng, xanh, đỏ cất giấu, tổ chức chị em may cờ chuẩn bị cho ngày giải phóng. Ngày 30-4-1975, nghe tin chiến thắng mẹ mừng rơi nước mắt”.
 |
Mẹ VNAH Phạm Thị Nén, ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, có chồng và 2 con là liệt sĩ.
Ảnh: H. THU |
Là người con gái thứ 9 trong một gia đình tá điền ở Long Hòa, năm 20 tuổi, cô gái Phạm Thị Nén lấy chồng, về làm dâu ở miệt Đông Phước, Châu Thành. Được chồng giác ngộ, dẫn dắt, mẹ hết lòng ủng hộ, tiếp tế cho cách mạng. Pháp chạy, Mỹ đến, cuộc chiến đấu của quân, dân ta ngày càng ác liệt hơn. Nhà cửa bị thiêu rụi, vườn tược, xóm làng bị bom đạn tàn phá tan hoang. Ông Võ Văn Bê - chồng mẹ thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Mẹ ở nhà phụng dưỡng cha mẹ chồng, nuôi con. Có khi cả năm trời mẹ mới nhận được tin tức của ông. Ngày 15-9-1961, khi ông và 2 đồng chí đang họp thì bị bọn biệt kích Cái Răng phát hiện, vây bắt. Ông đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất Long Tuyền. Hai hôm sau, nhận được tin, mẹ chờ đêm xuống đi tìm mộ chồng khóc một mình. Trở về nhà, mẹ phải nuốt nước mắt vào lòng, gượng cười, gượng nói để tránh địch nghi ngờ. Vượt lên nỗi đau, mẹ vừa làm lụng cật lực để nuôi các con, vừa tham gia tiếp tế cho cách mạng và truyền cho các con ngọn lửa yêu nước. Một năm sau, hai người con của mẹ thoát ly đi bộ đội. Anh Võ Văn De, 20 tuổi vào đơn vị C29, Phụng Hiệp. Anh Võ Văn Ly, 19 tuổi được nhận vào Tiểu đoàn Tây Đô. Giữa tháng 5-1966, mẹ nhận được tin anh Hai De hy sinh tại Cầu Xáng, Phụng Hiệp. Mẹ kể: “Hôm ấy, địch đổ quân hơn 20 xe, tổ chức đợt càn quét lớn tại vùng Cầu Xáng. Thằng Hai tình nguyện ở lại kềm chân địch để anh, em rút lui an toàn và anh dũng hy sinh như cha nó”. Năm anh Hai mất, nhiều bà con khuyên mẹ nên gọi anh Ba trở về, nhưng mẹ nói: “Các con tôi đã lớn, nó có lý tưởng riêng của nó. Tôi thật mừng khi nó đi theo cách mạng, tiếp nối truyền thống gia đình...”.
Đất nước thống nhất, anh Võ Văn Ly - con của mẹ vẫn bặt tăm. Đến năm 1977, mẹ mới nhận được tin anh Ly đã hy sinh từ năm 1969. Vượt lên những mất mát hy sinh, mẹ tiếp tục tham gia công tác địa phương. Với vai trò là Phó Ban chấp hành Phụ nữ phường An Thới từ năm 1975-1982, mẹ Nén tích cực cùng cán bộ địa phương vận động nhân dân lo hàn gắn vết thương chiến tranh. Ở tuổi 53, đêm đêm mẹ vẫn chong đèn học đọc, học viết để “hiểu đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, làm tốt công tác tuyên truyền cho chị em”. 17 năm qua, đôi mắt mẹ không còn nhìn thấy ánh sáng, nhưng mẹ luôn cho con cháu những lời khuyên xác đáng, luôn động viên giáo dục con cháu, phấn đấu nối tiếp truyền thống gia đình, quê hương...
* * *
Sống trong căn nhà tình nghĩa ấm áp cùng gia đình người con gái út, Mẹ VNAH Đào Kim Huê, 97 tuổi, ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai còn khá minh mẫn. Hôm chúng tôi đến, mẹ Huê đang ngồi xem cải lương. Nụ cười, ánh nhìn tươi sáng trong mắt mẹ cho thấy mẹ đã tìm thấy sự bình yên sau 35 năm đất nước thống nhất.
 |
Mẹ VNAH Đào Kim Huê, hiện ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai có 5 người con là liệt sĩ. Ảnh: P. LAM |
Sinh ra và lớn lên ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, đến tuổi kết hôn, mẹ gặp ông Huỳnh Định Ngọc, người có cùng chí hướng. Chồng mẹ làm nghề thầy thuốc, khám chữa bệnh tại nhà và là cơ sở liên lạc, nuôi chứa của bộ đội... Năm 1957, đang mang thai người con gái út, cơ sở bị lộ, cả nhà phải xuống chiếc ghe chèo đi xứ khác. Đến năm 1960, gia đình về xã Thới Lai, huyện Ô Môn (trước đây) làm ruộng, sinh sống, mẹ tích cực tham gia hoạt động ở địa phương với các vai trò là Tổ trưởng Phụ nữ giải phóng, rồi Ban Chấp hành Phụ nữ xã... Năm 1969, mẹ bị địch bắt và nếm đủ những ngón đòn tra tấn của kẻ thù. Mẹ kể: “Bọn chúng dùng dây xích trói ngược hai tay, kéo bằng xe máy cày dọc bờ kinh, rồi dìm xuống sình, đánh bằng cây vuông tới ra máu họng... Lúc đó, má nghĩ trước sau gì cũng chết, phải chết cho xứng đáng”. Sau một năm giam cầm, tra tấn nhưng không khai thác được gì, chúng đành trả tự do cho mẹ.
Trong chiến tranh, mẹ Huê có 4 người con ruột và 1 người con nuôi hy sinh. Đó là các liệt sĩ: Huỳnh Quốc Trung, Huỳnh Hồng Quân, Huỳnh Bá Nghệ, Huỳnh Hồng Nghiệp và Nguyễn Hồng Long (con nuôi). Mẹ nói: “Ngày trước, ông nhà đi suốt, một mình mẹ làm ruộng, bắt cá, hái bông súng, lá sen bán, có được bao nhiêu dồn hết cho bộ đội, cho cách mạng, không tiếc thứ gì, kể cả con cái. Cứ “chết một đứa tiễn một đứa”, mẹ quyết tâm thi gan với kẻ thù”. Trong khoảng thời gian ngắn, 5 người con của mẹ lần lượt hy sinh. Mẹ cố nén nỗi đau để tiếp tục công tác và động viên những bà mẹ khác. Mẹ cứ luôn tự nhủ rằng các con mình đang còn đi chiến đấu ở xa, rồi sẽ quay về...
Mẹ vẫn còn nhớ như in khí thế hừng hực của quân dân ta trong ngày vui toàn thắng cách nay 35 năm. Mẹ nói: “Lúc đó đi tới đâu mọi người cũng vui mừng gọi nhau, nói cười không ngớt, nào là thống nhất rồi, độc lập rồi, hết gông xiềng rồi... Khi về nhà, mình lại ngồi khóc nhớ thương các con...”. Sau này, do tuổi già, sức yếu và ảnh hưởng của những ngày tháng lao tù, mẹ không còn tham gia công tác nhưng mẹ vẫn tích cực động viên con cháu tham gia, đóng góp vào các hoạt động của địa phương. Năm 2007, gia đình mẹ đã vinh dự nhận bằng khen của UBND thành phố “Là đối tượng chính sách, khắc phục khó khăn đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập và công tác”.
* * *
Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong giọng nói, ánh mắt của những bà mẹ VNAH mà chúng tôi đã gặp vẫn còn nguyên vẹn ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, vẫn trọn vẹn một niềm tin vào lý tưởng mà mình và chồng con đã chọn, cùng bao kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Sự cống hiến của các mẹ cùng ngàn vạn bà mẹ VNAH khác đã góp phần điểm tô cho lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta nói chung, lịch sử cách mạng Việt Nam nói riêng, thêm những trang chói lọi, đầy tự hào.
THU LAM