28/04/2014 - 22:42

KỶ NIỆM 39 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Chuyện về những cơ sở cách mạng kiên trung

* Bút ký: Phạm Trung

Ngày 30-4-1975, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, các lực lượng vũ trang của tỉnh Cần Thơ đã vượt Lộ Vòng Cung tiến vào giải phóng thành phố. Chiều cùng ngày, tỉnh Cần Thơ hoàn toàn giải phóng. Cách đây 39 năm, trong niềm vui dâng trào mừng ngày toàn thắng, đất nước thống nhất, còn có những giọt nước mắt chất chứa bao đau thương xen lẫn hạnh phúc của những người mẹ, người chị đã song hành cùng 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, với bao hy sinh thầm lặng để theo Đảng, theo Bác đến cùng…

* Trọn đời theo Đảng

Tháng Tư, tôi về ấp Nhơn Khánh A, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, để tìm lại các mẹ, chị đã từng nuôi chứa, che chở cán bộ cách mạng trong suốt thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Bây giờ, Nhơn Khánh A đổi mới rất nhiều, nhà tường mọc san sát, đường sá sạch đẹp, thông thoáng, chứ không như cái cảnh bà Trần Thị Mười (Mười Cọp) kể về chuyện đi hoạt động cách mạng hơn 40 năm trước, vùng này còn hoang vu đến độ "đi hai người vẫn sợ ma". "Tui sinh ra ở tại đất này, uống dòng nước Rạch Sung, ăn hạt gạo Nhơn Nghĩa mà lớn lên nên chưa bao giờ nghĩ mình phải rời đi, dù đã có lúc bị giặt bắt tù đày, đốt cháy nhà cửa…" - bà Mười nói với giọng tự hào. 10 tuổi, bà Mười chưa biết cách mạng là gì, chỉ biết khi các cô, chú "nhờ mang cái này, cái kia lại để tại chỗ đó hoặc gởi cho ai đó", bà đều mau mắn nhận lời. Sự thơ ngây, vô tư ấy kéo dài cho khi cô bé Mười đủ lớn để ý thức là mình đang làm cách mạng. Bà làm nhiệm vụ giao liên, đưa quân qua sông, vượt Lộ Vòng Cung để tiến vào đánh địch ở nội thành. 77 tuổi, bà Trần Thị Mười vẫn nhớ rõ chuyện cùng cha mẹ nuôi chứa cán bộ nửa thế kỷ trước. Đến khi sức khỏe yếu nhưng cha của bà vẫn luôn nhắc con đi vay lúa, mượn gạo về nuôi các anh. Nhớ những ngày mấy chị em bà cùng mẹ thức thâu đêm giã gạo "để các anh có về thì kịp nấu bữa cơm, mang theo để dành ăn khi đói"…

Gia đình bà Trần Thị Mười (ấp Nhơn Khánh A, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền) là cơ sở nuôi chứa cán bộ suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ảnh: PHẠM TRUNG

"Hồi đó, bảy công ruộng nhà tui làm lúa để dành nuôi quân hết. Có những năm giặc ruồng bố quá, không làm lúa được thì đi mượn gạo nuôi quân…" - bà Mười kể. Từ thời kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, nhà bà Mười là nơi nuôi giấu cán bộ xuyên suốt, trong đó có nhiều cán bộ Trung ương, Tỉnh ủy Cần Thơ…Có lần, một số cán bộ cao cấp tỉnh Cần Thơ ghé nhà bà Mười thì địch kéo tới. Tuy bất ngờ nhưng đa số cán bộ đều rút vào trú ẩn an toàn trong 5 hầm bí mật gia đình đã chuẩn bị sẵn, chỉ có một cán bộ hoảng hốt nhảy xuống ao. Lát sau, anh này lạnh quá nên bò lên bờ làm bùn vương vãi khắp nơi. Bà Mười nhớ lại: "Tui nhanh trí nhảy xuống ao quậy nước rồi bước lên bờ để địch không nghi ngờ. Bữa đó, bọn chúng mà phát hiện có lẽ cả nhà tui đều chết hết…". Bà nhớ như in lần nọ địch thình lình xuất hiện, mấy chị của bà chia nhau bắt chuyện nhằm phân tán sự chú ý của đám lính để cán bộ kịp rút vô hầm bí mật. Còn bà Mười ra mé sông chùi nồi. Bà Mười kể: "Giặc đến bất ngờ nên có anh cán bộ nhảy xuống sàn nước. Tui lấy cái nồi đất chuyên dùng để tráng bánh úp lên anh. Vừa sợ chúng phát hiện, vừa sợ anh cán bộ bị ngộp thở nên tim tôi đập thình thịch. Thằng lính cứ đứng sau lưng hỏi chuyện vu vơ hồi lâu mới rời đi. Lúc đó tui nhìn xuống cái nồi đã sạch bóng từ lúc nào mà tay tui thì cứ chùi hoài…".

Bà Đặng Thị Nhung (ở ấp Trường Thọ A, xã Trường Long, huyện Phong Điền) mất năm 2012, nhưng câu chuyện về tấm lòng kiên trung theo Đảng của bà ở Trường Long nhiều người cố cựu đều biết. Chồng bà là ông Bùi Duy Phấn, tham gia cách mạng từ năm 1953 - 1954. Ông Phấn đi công tác suốt nên bà Nhung ở nhà chăm con, vừa công tác trong tổ Đảng ở ấp. Bà Bùi Ngọc Đáng (61 tuổi, con gái bà Nhung) kể: "Mấy năm sau Đồng Khởi, địch khủng bố vùng này dữ lắm. Nhà tui là nơi nuôi chứa cán bộ nên chúng luôn dòm ngó. Mỗi lần nghe tin chúng sắp càn quét là má tui đi rải cỏ, cắm chông xung quanh, rồi kiếm gáo dừa úp quanh các con đường, nghi binh làm mìn để làm chậm bước của chúng…". Có lần bà Nhung vừa đi úp gáo dừa xong thì địch tới nhà. Chúng hỏi bà đi đâu thì bà bảo đi tìm mấy đứa con. Bị chúng đánh nhưng bà kiên gan chịu đựng, bảo vệ cán bộ tới cùng. Năm 1972, giặc phát hiện gia đình bà Nhung là cơ sở cách mạng nên bắt bà tra tấn dã man suốt mấy tháng trời. Không khai thác được gì, cũng không có chứng cớ, cuối cùng chúng đành phải thả bà ra. "Cô giao liên thường đến nhà tui hôm đó cũng bị bắt. Chúng tra tấn cô ấy tới chết nhưng cũng chẳng khai thác được gì. Bởi vậy, má dặn anh em tui sống chết gì cũng theo cách mạng. Mấy anh em nhà tui ai cũng tham gia kháng chiến"- bà Đáng cho biết.

Bà Đáng tự hào kể rằng má của bà còn làm một công việc mà ít ai dám làm: Đó là đi lấy xác cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Năm 1965, trong trận Ông Hào, khi 3 máy bay địch ném bom hủy diệt nhà thờ Ông Hào, khiến gần 200 người bị vùi dưới đống đổ nát. Sau khi địch rút đi, má của bà lấy ghe đi nhặt xác mang về nhà, huy động bà con, hàng xóm phụ tiếp mang đi chôn cất; với cán bộ hy sinh cũng vậy. Bà nhớ có lần giặc bao vây nhà bà, đạn pháo bắn như vãi trấu. Chúng rút đi nhưng vẫn còn một tốp ở lại bắt heo làm thịt. Một cán bộ trốn dưới hầm bí mật gần nhà tưởng địch đã rút, trồi lên nên bị chúng bắn chết. Đồng chí trốn chung hầm chạy một đoạn cũng bị chúng bao vây, bắn chết cách đó gần cây số. Bà Đáng rưng rưng: "Má tui rủ hàng xóm lấy ván của bộ ngựa ở nhà đi khiêng xác các anh về chôn cất chu đáo…".

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, địch đánh phá ác liệt, gia đình bà Nhung chuyển về sinh sống ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ở đâu gia đình bà vẫn móc nối, tiếp tế cho bộ đội dù cuộc sống rất khó khăn. Bà Bùi Ngọc Đáng kể: "Dù ở nhờ trên đất người ta nhưng má tui vẫn mượn mấy công đất để trồng lúa, lấy gạo nuôi quân. Cán bộ các đơn vị vẫn ghé nhà tui như hồi còn ở Trường Long". Bà Đáng tự hào cho biết khi lực lượng của ta chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, với vai trò giao liên, bà tất bật lo mua hàng hóa, thuốc men, phim ảnh...cho các đơn vị. "Hôm nghe tin Cần Thơ giải phóng, tui mất ngủ mấy đêm liền vì vui mừng, hạnh phúc; phần vì phập phồng lo lắng không biết cha và các anh chị em đi kháng chiến còn sống không. Hôm gia đình sum họp, ai cũng khóc quá trời... "- giọng bà Đáng xúc động.

* Vui sao nước mắt lại trào…

Bà Nguyễn Thị Thêm (Năm Thêm), 72 tuổi, ở ấp Nhơn Khánh A, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, tham gia cách mạng từ 16 tuổi. Từ những năm 1958 -1960, bà Năm Thêm và bà Mười Cọp là đôi bạn thân cùng xóm, thường sát cánh đưa bộ đội vượt sông, qua Lộ Vòng Cung. Đầu năm 1962, bà Năm Thêm xin vào công tác ở Tiểu đoàn Tây Đô cho đến năm 1970 thì về địa phương. Bà Năm Thêm cho biết: "Tui công tác ở Tổ Quân nhu của tiểu đoàn, phụ trách may quân phục cho đơn vị. Tới năm 1970, địch càn quét ác liệt nên Tiểu đoàn Tây Đô không còn giữ Tổ Quân nhu, tui trở về tham gia công tác ở địa phương…". Sẵn có nghề may, bà nhận sửa quần áo cho lính để nắm tình hình. Nhờ thân quen với một số tên lính mà bà khai thác được nhiều thông tin. Mỗi khi biết chúng sắp đi càn, bà báo để các cán bộ nằm vùng biết. Ban ngày thì sửa quần áo cho địch, đêm đến bà lại cặm cụi thức may đồ cho bộ đội. Mỗi lần bà nhận vải đủ may 5 bộ đồ cho bộ đội. Quần áo của bộ đội bà nhét chung với quần áo địch để ngụy trang. Do số lượng nhiều nên chúng không để ý. Bà Năm Thêm kể: "Tui làm tới hai giờ sáng thì đi ngủ nhưng năm giờ phải thức dậy sửa đồ cho địch vì giờ đó chúng hay đi tuần. Biết việc mình làm nguy hiểm lắm nhưng nhớ tới người anh trai và đứa em đã hy sinh nên tôi cố gắng, mong đất nước mau tới ngày thống nhất…Ngày 30-4-1975, hay tin Cần Thơ giải phóng, tui khóc quá trời. Vừa hạnh phúc vừa đau đớn vì anh trai, em trai và chồng đều hy sinh, không thấy được ngày này. Làm sao không đau lòng khi sau chiến tranh, nhà cửa bị đạn pháo không còn, người thân đi kháng chiến đều hy sinh và còn những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống cho ngày thống nhất…".

Bây giờ, bà Năm Thêm sống cùng gia đình người con trai duy nhất. Bà bảo rằng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của bà hiện nay rất đầy đủ, thoải mái. Việc nhà đã có con cháu lo hết nên bà dành nhiều thời gian để tham gia sinh hoạt ở Chi hội Cựu chiến binh ấp. Bà Năm Thêm nói: "Tuổi đã cao, không còn xốc vác như trước nhưng phong trào nào ở địa phương tui đều có mặt để động viên con cháu làm, hoặc vận động các nhà hảo tâm làm các công trình". Còn bà Trần Thị Mười - người bạn thân hơn nửa thế kỷ qua của bà Năm Thêm, ngày ngày vẫn song hành cùng bạn trong việc địa phương, việc nuôi dạy con cháu. Bà Mười chia sẻ: "Mỗi tháng, tui nhận chế độ trợ cấp cho vợ liệt sĩ và gia đình có công được trên 2,6 triệu đồng. Mấy đứa con cũng có việc làm ổn định, đời sống khấm khá nên tôi rất mãn nguyện". Theo ông Lư Văn Tư, Bí thư Chi bộ ấp Nhơn Khánh A, dù tuổi cao như bà Mười và bà Năm Thêm vẫn rất nhiệt tình trong các hoạt động, phong trào ở ấp. Những năm qua, địa phương rất quan tâm đời sống của hai bà vì đây là những "cây đại thụ cách mạng" ở địa phương hiện nay.

Bà Bùi Ngọc Đáng bảo đã 39 năm sau ngày thống nhất đất nước nhưng thi thoảng nửa đêm bà vẫn còn giật mình thức giấc vì mơ thấy những trận bom, trận càn của giặc. Những ngày này, bà Đáng thường dành theo dõi các chương trình kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, giải phóng Cần Thơ trên ti-vi. Cũng như các mẹ, các chị đã đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lần nào xem những đoạn phim tư liệu, bà Đáng cũng rơi nước mắt - khi kỷ niệm về những năm kháng chiến đầy gian khổ hy sinh, ác liệt, nhưng hết sức tự hào lại ùa về…

Chia sẻ bài viết