13/12/2017 - 14:53

Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020:

Chuyển từ “lượng” sang “chất” 

Qua gần 7 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo được những khởi sắc trên khắp vùng nông thôn trên cả nước, nâng cao chất lượng đời sống nông dân. Đây là nền tảng quan trọng để trong giai đoạn 2016-2020 này, chương trình xây dựng NTM sẽ chuyển dần từ “lượng” sang “chất”.

Đạt bình quân 13,69 tiêu chí/xã

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đầu tháng 12-2017, cả nước đã có 2.853 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 31,96%. Trong đó, có khoảng 295 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2016-2020, tăng 493 xã (5,52%) so với cuối năm 2016. Bình quân đạt 13,69 tiêu chí/xã; còn 176 xã đạt dưới 5 tiêu chí, giảm 81 xã so với cuối năm 2016. Cả nước có 42 đơn vị cấp huyện thuốc 24 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 11 huyện so với cuối năm 2016. Năm 2017, tổng vốn ngân sách nhà nước bố trí thực hiện chương trình xây dựng NTM khoảng 30.152 tỉ đồng, gồm: vốn ngân sách trung ương đã giao là 8.000 tỉ đồng; còn lại là nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.

TP Cần Thơ quan tâm xây dựng các mô hình hoạt động hiệu quả, cải thiện thu nhập nâng cao đời sống người dân. Trong ảnh: Cơ sở May Thúy – Thơ xã Trường Thành, huyện Thới Lai giải quyết việc làm cho hơn 15 chị em lao động nhàn rỗi.

Một trong những kết quả nổi bật của chương trình xây dựng NTM là phát triển hạ tầng nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo các vùng quê. Trong hơn 6 năm qua, giao thông nông thôn đã hoàn thành một khối lượng hơn gấp 5 lần của giai đoạn 2001-2010. Đến cuối năm 2016, có 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã; mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã; 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế xã; 60,8% số xã có chợ; 58,6% số xã có nhà văn hóa. Hệ thống thủy lợi được xây dựng mới và hoàn thiện, phục vụ sản xuất và dân sinh… Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thời gian qua các địa phương đã tập trung đầu tư và phát triển khoảng 3.854 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Nhiều địa phương đã chỉ đạo thành công các mô hình về liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bước đầu đã đem lại hiệu quả. Môi trường nông thôn đã được các địa phương đặc biệt chú trọng. Đời sống tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện với nhiều lễ hội văn hóa lành mạnh được phục hồi hoặc mới hình thành khắp mọi vùng quê; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính phục vụ người dân nông thôn; an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tiếp tục được giữ vững…

Xác định nhiệm vụ trọng tâm

Giai đoạn 2016-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định 3 nhiệm vụ quan trọng, tập trung chỉ đạo thực hiện trong chương trình xây dựng NTM. Đó là: phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; cải thiện môi trường nông thôn và đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, cho biết: Thực hiện các mục tiêu trên, Bộ đã đề ra các giải pháp cụ thể. Nâng cao thu nhập cho người dân, Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Thông qua thực hiện Đề án phát huy các mô hình sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm cụ thể, nâng cao giá trị sản phẩm và có thương hiệu để phát triển cả trong và ngoài nước. Đối với cải thiện môi trường nông thôn, Bộ xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017-2020. Trên cơ sở đó, hoàn thiện chính sách về huy động nguồn lực xã hội hóa, cơ chế quản lý và vận hành mô hình sau đầu tư, đề xuất các giải pháp công nghệ phù hợp. Qua đó, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và bền vững tiêu chí môi trường. Ngoài ra,  Bộ phối hợp Bộ Công an xây dựng Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả tiêu chí 19 về an ninh, trật tự.

Các địa phương đều có lộ trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 và cụ thể hóa hằng năm bằng những kế hoạch cụ thể. Xác định rõ lấy nhóm tiêu chí phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là trọng tâm, có tính chất quyết định, lan tỏa cho các tiêu chí còn lại. Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chỉ đạo xây dựng NTM trên địa bàn thành phố nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tìm ra những giải pháp đẩy mạnh công tác có hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, tăng giá trị hàng hóa nông sản; áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất. Đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất bền vững và hiệu quả. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội và cân đối đủ nguồn lực, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra…

Năm 2018, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu có 22/49 xã hoàn thành xây dựng NTM; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 2-3%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt từ 35 triệu đồng/người/năm. Ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Điều trước tiên là tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền từ chiều rộng đến chiều sâu về chương trình NTM để cả hệ thống chính trị và người dân hiểu rõ, cùng tham gia tích cực xây dựng các tiêu chí. Xây dựng NTM theo phương châm việc dễ, ít vốn ưu tiên thực hiện trước, thực hiện tiêu chí nào chắc tiêu chí đó. Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huy động thực hiện bằng nhiều nguồn lực. Trong đó, coi trọng việc huy động người dân cùng tham gia, lồng ghép các dự án, đề tài để thực hiện…

Bài, ảnh: TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết