* NGUYÊN HƯNG
Nhiều hộ đóng cửa bỏ nhà trống không phải vì họ không muốn ở mà vì kinh tế khó khăn. Vợ chồng, con cái phải dắt díu nhau đi làm thuê, làm mướn quanh năm suốt tháng, có khi ngày Tết cũng chẳng thể về nhà. Có những hộ đi làm ăn xa nên cho thuê lại nhà, nhằm kiếm thêm ít tiền lo cơm gạo... Đó là thực trạng đã và đang diễn ra tại một số khu dân cư vượt lũ (KDCVL) trên địa bàn huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
|
KDCVL xã Thới Tân không quy hoạch và xây dựng chợ , ảnh hưởng đến vấn đề mưu sinh của người dân nên kém phần sung túc so với các KDCVL khác trên địa bàn huyện Thới Lai.
Ảnh: N.H |
Xã Trường Xuân, huyện Thới Lai có 2 KDCVL gồm: KDCVL cũ và khu mở rộng. Trong đó, KDCVL cũ của xã theo thiết kế, bản vẽ có 256 nền, bao gồm 54 nền sinh lợi; 166 nền chính sách (trong đó, theo quyết định giao nền là tái định cư, nhưng bố trí nền thuộc diện chính sách đối với 8 hộ (gồm: ông Nguyễn Văn Phuông; bà Nguyễn Thị Hường; bà Nguyễn Thị Hồng, ông Nguyễn Văn Mười, ông Lê Hoàng Minh, ông Lê Văn Vinh, ông Trần Văn Sư và ông Lữ Minh Hiếu). Ngoài ra, tại KDCVL này có 42 trường hợp chuyển nhượng, cho thuê trái pháp luật.
Tương tự, đối với khu mở rộng, theo thiết kế, bản vẽ có 260 nền; trong đó, có 143 nền chính sách (bố trí đúng 136 nền; còn 7 trường hợp trong quyết định là giao nền tái định cư, nhưng lại bố trí nền thuộc diện chính sách, gồm các hộ như: Ông Trần Văn Huệ, ông Võ Văn Hài, bà Trương Thị Diễm, bà Nguyễn Thị Mười, bà Lê Thị Hồng Thông, ông Nguyễn Hoàng Bá và ông Lê Văn Tiết). Cũng giống như KDCVL cũ, việc chuyển nhượng, cho thuê trái pháp luật vẫn diễn ra ở khu mở rộng, có 37 trường hợp. Bên cạnh đó, nền đã xây dựng nhà và có quyết định giao nền chính sách, nhưng thực tế có 8 hộ không có nhu cầu về nhà ở, cụ thể: ông Ngô Văn Công, ông Thạch Tám, ông Nguyễn Ngọc Sơn, ông Nguyễn Phú Cường, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, ông Trần Bữu Châu, ông Nguyễn Văn Minh và ông Trần Minh Cảnh. Như vậy, việc chuyển nhượng, cho thuê trái pháp luật ở KDCVL và Khu mở rộng xã Trường Xuân là 79 hộ; 8 hộ dân có quyết định bố trí vào ở, nhưng không tha thiết ở
Không riêng gì xã Trường Xuân, thời gian qua, việc chuyển nhượng, cho thuê trái pháp luật vẫn diễn ra tại KDCVL các xã khác như Đông Thuận, Thới Tân (huyện Thới Lai). Theo báo cáo của UBND xã Đông Thuận, tổng số nền KDCVL xã là 215 nền; trong đó, có 130 nền chính sách. Qua xét duyệt hộ chính sách đợt 1 và 2, đã ra quyết định được 102 hộ; xét duyệt cho hộ tái định cư, ra quyết định là 33 hộ; tổ chức bán đấu giá nền sinh lợi được 50/52 nền (trong đó, hộ bà Nguyễn Thị Tiền bao chiếm, tự ý cất nhà tại nền sinh lợi số 68); có 17 hộ dân tự chiếm. Ngoài ra, số nền chính sách chuyển nhượng trong nội bộ trái quy định như: Nền số 60 cấp cho ông Nguyễn Văn Giang (đã chết), vợ là bà Kiều Thị Thuận có chồng khác, đang sinh sống tại căn nhà số 60. Nền số 141 cấp cho bà Lê Thị Đen; sau đó, bà Đen đi theo con ra nước ngoài nên đã giao nhà trên cho em là bà Lê Thị Thùy Minh ở. Hiện nay, bà Minh đã giao trả lại cho Nhà nước. Hay nền số 209 cấp cho ông Nguyễn Văn Cường, nay đã chuyển nhượng cho ông Đỗ Văn Công đang quản lý, sử dụng. Hoặc nền số 169 cấp cho bà Trần Thị Nhanh, nay đã chuyển nhượng cho ông Trần Văn Kịp... Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ đóng cửa bỏ nhà trống không phải vì họ không muốn ở, mà vì lo về vấn đề mưu sinh. Vợ chồng con cái dắt díu nhau đi làm thuê, làm mướn, quanh năm suốt tháng để kiếm sống, có khi ngày Tết cũng chẳng về nhà. Cũng có những hộ đi làm ăn xa thấy để nhà bỏ không lãng phí, nên cho thuê lại, nhằm kiếm thêm ít tiền lo cơm gạo.
KDCVL xã Thới Tân, huyện Thới Lai cũng trong tình trạng tương tự. Trong đó, có 13 nền chính sách sử dụng không đúng đối tượng, có dấu hiệu chuyển nhượng trái quy định. Cụ thể bà Nguyễn Thị Liêm nền số C1-14 hiện do bà Nguyễn Thị Út sử dụng; ông Phạm Văn Cứng được cấp nền số C1-04, hiện do ông Nguyễn Văn Dần sử dụng; bà Lê Thị Đào được cấp nền C1-09, hiện do ông Nguyễn Minh Hận sử dụng; ông Trần Văn Xem được cấp nền A3-11, hiện do bà Phạm Thị Kim Liên sử dụng; ông Lê Hoàng Nam (được cấp nền D1-03) hiện do bà Phương sử dụng
Theo đánh giá của chính quyền và ngành chức năng, thì KDCVL xã Thới Tân quy hoạch xây dựng bước đầu chưa mang lại hiệu quả. Nguyên nhân do người dân nơi đây tập trung sản xuất nông nghiệp, mà hầu hết không tư liệu sản xuất, nghề nghiệp không ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn, khu dân cư quy hoạch không có chợ nên nhiều trường hợp phải làm thuê công nhật để kiếm sống, ít tha thiết vào ở
Riêng KDCVL xã Trường Xuân A (huyện Thới Lai) có tổng cộng 222 nền (thuộc nền sinh lợi và nền tái định cư) thì chỉ riêng hộ ông Trần Văn Lắm đã bao chiếm trái pháp luật 18 nền. Hiện nay, các hộ dân trúng giá mua nền đã làm thủ tục khởi kiện tại TAND huyện Thới Lai để được xem xét, giải quyết theo quy định
Thời gian qua, UBND huyện Thới Lai đã thành lập Đoàn tiến hành kiểm tra thực tế tình hình bố trí, sử dụng các nền trong các KDCVL trên địa bàn huyện. Qua đó, ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai giao các địa phương tiến hành rà soát và có văn bản kiến nghị UBND huyện thu hồi toàn bộ số nền chính sách đã cấp cho các hộ dân, nay đã sang bán, tặng, cho thuê trái pháp luật. Riêng đối với các hộ dân đã có quyết định bố trí nền chính sách, hiện không có nhu cầu sử dụng về nhà ở thì các địa phương lập danh sách, đề nghị UBND huyện thu hồi, bố trí cho các hộ dân khác gặp khó khăn về nhà ở, để ổn định cuộc sống
Xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ là chương trình trọng điểm và chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi tập quán lối sống lâu đời của người dân quen sống cặp các kênh, rạch. Qua đó, hình thành được các khu đô thị nông thôn với kết cấu cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, tập trung được người dân, thuận tiện trong quản lý, dễ dàng tiếp cận với văn hóa, văn minh, tạo điều kiện nâng cao dân trí... Tuy nhiên, để phát huy hết hiệu quả của chương trình chăm lo nhà ở cho cư dân vùng ngập lũ, thiết nghĩ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương cần thực hiện nhiều hơn nữa các giải pháp sinh kế phù hợp, hiệu quả, giúp cho bà con ở các KDCVL có thể vừa an cư vừa lạc nghiệp. Như vậy hiệu quả của chương trình chăm lo nhà ở cho cư dân vùng ngập lũ mới có thể phát triển một cách ổn định và bền vững