22/04/2024 - 10:20

"Chuyển đổi kép" hướng đến phát triển bền vững 

Mới đây, Cục Phát triển doanh nghiệp (DN), Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Ðức (GIZ) công bố Báo cáo thường niên Chuyển đổi số (CÐS) DN 2023: Thúc đẩy CÐS, chuyển đổi xanh. Ðiểm nổi bật của báo cáo là kết nối các mục tiêu CÐS và chuyển đổi xanh để giảm thiểu hiện tượng nóng lên toàn cầu, hướng đến phát triển bền vững, đồng thời bảo vệ, tăng khả năng chống chịu của DN và nền kinh tế.

DN tìm hiểu về nền tảng giao dịch điện tử tại một sự kiện tổ chức trên địa bàn TP Cần Thơ.

Báo cáo thường niên CÐS DN 2023 được thực hiện với sự tham gia của 500 DN trên toàn quốc từ các ngành công nghiệp khác nhau: công nghiệp chế biến và sản xuất, khai thác, bán buôn và bán lẻ, giáo dục và đào tạo, bất động sản… Ông Nguyễn Ðức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, cho biết: Báo cáo thường niên CÐS năm 2023 cung cấp bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình CÐS trên thế giới và tại Việt Nam. Qua đó, giúp DN có thêm góc nhìn đa chiều về xu hướng chuyển đổi kép - xu hướng CÐS kết hợp chuyển đổi xanh, một xu hướng đang được các DN trên thế giới thực hiện trong quá trình CÐS. Ngoài ra, DN có thông tin hữu ích để thúc đẩy hành trình chuyển đổi nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường tính cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững. Báo cáo gồm 4 phần: cập nhật về tình hình chuyển đổi kép và các xu hướng công nghệ số nổi bật trên thế giới; phân tích thực trạng, nhu cầu, mức độ sẵn sàng CÐS của DN Việt Nam trong một số ngành nghề, lĩnh vực nổi bật; một số chính sách và chương trình hỗ trợ CÐS nổi bật; một số câu chuyện CÐS của DN tại Việt Nam.

Báo cáo thường niên CÐS năm 2023 cho thấy, khoảng 25% DN được khảo sát thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến và sản xuất cho thấy mức độ quan tâm cao đối với CÐS trong lĩnh vực này. Tiếp theo là nhóm các DN trong ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản và ngành Giáo dục chiếm khoảng từ 12-13%. Về kết quả khảo sát tự đánh giá mức độ sẵn sàng số hóa của 500 DN trong năm 2023, nhìn chung, các DN tham gia đều có mức độ nhận thức về CÐS ở mức "Nâng cao". Trong đó, ở khía cạnh định hướng chiến lược tiếp tục có chỉ số đánh giá cao nhất với mức độ sẵn sàng CÐS là 3.3. Ðây là điều dễ hiểu bởi trong những năm gần đây, DN ngày càng nhận thức rõ ràng và sâu sắc hơn về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mức độ sẵn sàng CÐS trong khía cạnh nghiệp vụ quản lý tài chính kế toán, kế hoạch, pháp lý và nhân sự cũng như khía cạnh trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh cũng đều ghi nhận sự cải thiện so với năm 2022, lần lượt đạt 3.1 và 3.0. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công mạng ngày càng xảy ra thường xuyên dẫn đến những rủi ro liên quan đến an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu cá nhân của người dùng. Ðặc biệt trong năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023/NÐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân để xử lý nghiêm minh các vi phạm về an toàn thông tin, mức độ sẵn sàng CÐS đối với khía cạnh quản trị rủi ro và an ninh mạng vì vậy cũng ghi nhận sự chuyển biến đáng kể, tăng từ 2.4 vào năm 2022 lên 3.0 năm 2023. Khía cạnh con người và tổ chức vẫn tiếp tục được DN chú trọng, với mức độ sẵn sàng CÐS là 3.0. Ðiều này cho thấy DN đang nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng cho nhân viên, thúc đẩy văn hóa CÐS cũng như tái cấu trúc quy trình và đội ngũ nhân sự để thích ứng với bối cảnh thị trường đang thay đổi theo hướng số hóa hơn.

Một điểm đáng lưu ý trong Báo cáo thường niên CÐS DN 2023 là xu hướng chuyển đổi kép - "CÐS đồng hành cùng chuyển đổi xanh". Theo các chuyên gia, những năm gần đây, mục tiêu CÐS và chuyển đổi xanh đã trở thành ưu tiên của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, 2 mục tiêu này thường được thực hiện riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ để tận dụng tối đa tiềm năng giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho DN. Do vậy, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu số hóa, các DN cần chủ động tích hợp yếu tố bền vững trong chiến lược CÐS để tận dụng cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường.

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phòng Hỗ trợ Thông tin và CÐS, Cục Phát triển DN, nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng và ngày càng nghiêm trọng dẫn đến các thiên tai chưa từng có trong lịch sử, gây thiệt hại về tính mạng và mất cân bằng đa dạng sinh học trên diện rộng. Những sự thay đổi này có thể mang đến hậu quả lâu dài và không thể khôi phục. Vì vậy, trong những năm gần đây trên toàn thế giới, xu hướng chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh đã trở nên ngày càng quan trọng với nhiều sáng kiến được triển khai xoay quanh ba trụ cột chính: tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính".

CÐS và chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, để khai thác tiềm năng phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong "Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng 2030" và "Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050", Việt Nam cần có những biện pháp quyết liệt và nhanh chóng trong cuộc đua này. Nhìn lại bức tranh "chuyển đổi kép" năm 2023, ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Cụm dự án Phát triển kinh tế bền vững, GIZ, đánh giá: Thực tế, DN dù nhận thức, có đầy kiến thức về CÐS nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện, đồng bộ này. Vì vậy, ở giai đoạn tiếp theo, DN rất cần sự trợ lực từ những chính sách, chương trình hỗ trợ, tư vấn về lộ trình CÐS, hỗ trợ ứng dụng giải pháp CÐS vào thực tế sản xuất, kinh doanh để tạo sự bứt phá mới.

Theo Cục Phát triển DN, tiếp tục bám sát mục "chuyển đổi kép", chương trình hỗ trợ DN CÐS giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tiếp tục tập trung vào các hoạt động hỗ trợ chuyên sâu như xây dựng lộ trình CÐS, tư vấn giải pháp, hỗ trợ công nghệ… nhằm thúc đẩy CÐS, chuyển đổi xanh tại các DN Việt Nam.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết