23/09/2015 - 14:45

Chuyển biến tích cực từ xây dựng nông thôn mới

Qua gần 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), TP Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao... Đây là tiền đề vững chắc để các địa phương tiếp tục vượt khó, xây dựng và phát triển bền vững các tiêu chí NTM.

* Kết quả phấn khởi

Tính đến tháng 8-2015, đã có 36 xã trên địa bàn TP Cần Thơ xây dựng được 574/720 tiêu chí NTM (20 tiêu chí/xã theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM), tăng 353 tiêu chí so với năm 2011. Trong đó, có 7 xã đạt chuẩn NTM, 19 xã đạt từ 15-19 tiêu chí và 10 xã đạt từ 12-14 tiêu chí. Để triển khai xây dựng NTM đạt kết quả cao, bên cạnh việc chú trọng công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh toàn dân, lãnh đạo thành phố còn phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ và Ban chấp hành Đảng bộ thành phố chỉ đạo trực tiếp cho từng xã. Nhờ đó, góp phần tích cực trong việc huy động nguồn vốn và kịp thời giải quyết những khó khăn, hạn chế cho từng địa phương. Ước tính, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trong 5 năm qua của thành phố hơn 3.689,6 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương và địa phương trên 2.229 tỉ đồng; còn lại huy động từ các nguồn lực xã hội.

Trường THCS Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ được đầu tư đạt chuẩn theo quy định.

Trong xây dựng NTM, thành phố xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung trọng tâm, cốt lõi. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua, trên địa bàn thành phố diện tích sản xuất được giữ vững, việc tích tụ ruộng đất thông qua các hình thức liên kết sản xuất và vùng tập trung chuyên canh tiếp tục được mở rộng. Từ đó, bước đầu đã xây dựng các chuỗi nông sản chủ lực của thành phố, như: chuỗi liên kết lúa chất lượng cao với cánh đồng lớn; phát triển vùng tập trung cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái; vùng sản xuất rau an toàn; phát triển chăn nuôi an toàn sinh học… Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ. Hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể tiếp tục được đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, bước đầu thể hiện được vai trò trong định hướng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển ngành nghề và xóa đói giảm nghèo.

Qua gần 5 năm xây dựng NTM mới, cơ sở hạ tầng nông thôn có những chuyển biến rõ nét. Thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông ở các xã, huyện dần thông suốt. Trong đó, có 104km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông đạt chuẩn; 120km đường nông thôn được cứng hóa theo quy định; làm sạch và không lầy lội 105km đường ngõ, xóm; cứng hóa đường trục chính nội đồng, xe cơ giới đi lại thuận tiện là 8km. Kênh phục vụ sản xuất nông nghiệp 36 xã có tổng chiều dài 1.670km, các địa phương đã triển khai xây dựng các công trình thủy lợi với 1.040km kênh mương được kiên cố hóa đạt chuẩn. Bên cạnh đó, bờ bao chống lũ được cải tạo, nâng cấp theo quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh và đảm bảo phục vụ sản xuất 3 vụ lúa/năm. Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Đến nay, tại 36 xã đã có 55 trường học đạt chuẩn, đạt 36,11%; xây dựng được 2 nhà văn hóa và khu thể thao xã, xây dựng 67 nhà văn hóa và khu thể thao ấp. Thành phố kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng được 8 chợ nông thôn đạt chuẩn. Từ khi thực hiện đề án xây dựng NTM đến nay, các xã xóa nhà tạm, dột nát; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm...

* Kiến nghị gỡ khó

Có thể nói, giai đoạn thực hiện xây dựng NTM từ năm 2011 đến nay, TP Cần Thơ đã đạt những kết quả khả quan và được đánh giá là một trong những địa phương đạt tỷ lệ các tiêu chí NTM cao của khu vực ĐBSCL và cả nước. Tuy nhiên, xây dựng NTM là quá trình thực hiện lâu dài và thường xuyên do đó trước mắt vẫn còn không ít khó khăn. Ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Trong xây dựng NTM, vai trò Ban Phát triển ấp rất quan trọng bởi gắn liền với người dân. Do vậy, đề nghị Trung ương cần quan tâm hỗ trợ các địa phương đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng bộ máy chuyên trách về NTM để sâu sát với tình hình thực tế và phát triển bền vững tiêu chí NTM.

Về xây dựng trường học đạt chuẩn, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, xây dựng trường học đạt chuẩn ở xã nông thôn cần nguồn kinh phí khá lớn. Để hoàn thành 1 trường học đạt chuẩn cần khoảng 10 tỉ đồng, thậm chí có khi lên đến 20 tỉ đồng do phục vụ công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng xây dựng. Do vậy, đến nay tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố chưa đạt yêu cầu đề ra. Hiện nay, đa phần các xã xây dựng NTM trên địa bàn thành phố còn vướng 3 tiêu chí: trường học, cơ sở vật chất văn hóa và giao thông. Đây là những tiêu chí đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi các địa phương gặp khó khăn trong huy động nguồn lực xã hội hóa, không chủ động thực hiện. Lãnh đạo các địa phương tham gia xây dựng NTM trên địa bàn thành phố đề nghị Trung ương cần tăng cường đầu tư về nguồn vốn cho xây dựng NTM đối với các tiêu chí này…

Trong buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ về tình hình xây dựng NTM trong thời gian qua, ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá cao kết quả về xây dựng NTM TP Cần Thơ đạt được. Bên cạnh đó, thành phố sáng tạo khi mạnh dạn xây dựng thêm tiêu chí số 20 (cung cấp dịch vụ công) cho các xã. Đây là việc làm đáng ghi nhận. Trong xây dựng, phát triển NTM, ông Nguyễn Cao Lục cho rằng: TP Cần Thơ phát triển theo hướng phát triển dịch vụ du lịch, xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao gắn với xây dựng NTM ở các địa phương. Thành phố cần có những chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay trong xây dựng NTM để phong trào NTM thật sự thay đổi cả chất và lượng...

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết