31/10/2008 - 08:43

Chương trình 135 góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số

Đó là ý kiến đánh giá được đưa ra tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II) năm 2007 do Ủy ban Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 30-10 tại Hà Nội.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc cho biết: Kết quả triển khai Chương trình 135 giai đoạn 1998 - 2005 đã đem lại sự thay đổi lớn về hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) vùng dân tộc và miền núi. Chương trình đã góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt của nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, đời sống đồng bào dân tộc từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh, giáo dục đào tạo, sức khỏe của người dân được chăm lo, kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt. Từ kết quả ban đầu của Chương trình 135, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 được triển khai trên địa bàn 1.946 xã vùng III và 3.143 thôn đặc biệt khó khăn của vùng II. Sau hơn 2 năm thực hiện, giai đoạn II của Chương trình đã đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực, cơ sở hạ tầng KT-XH tiếp tục được đầu tư để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái, từ tháng 4 đến tháng 6-2008, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán Chương trình 135 giai đoạn II tại 10 tỉnh và thành phố. Qua kết quả kiểm toán, bên cạnh những mặt đã làm được cũng còn một số tồn tại cần khắc phục như: việc triển khai thực hiện Chương trình 135 của một số địa phương còn thụ động; Ban chỉ đạo các cấp chưa thường xuyên quan tâm đến việc kiểm tra các dự án đã và đang triển khai tại các xã để kịp thời phát hiện những bất cập trong quá trình thực hiện; các nội dung được đầu tư của Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong năm 2007 còn manh mún, bình quân và chủ yếu manh tính hỗ trợ trực tiếp cho người dân, chưa xây dựng được các mô hình kinh tế, sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn để góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hướng tới thị trường có hiệu quả; một số công trình hoàn thành bàn giao đã lâu nhưng chưa đưa vào sử dụng nên có nhiều hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí vốn đầu tư; tỷ lệ giải ngân thuộc Dự án Đào tạo thấp; việc quyết toán vốn đầu tư còn chậm; huy động sự tham gia đóng góp của người dân chưa cao...

THU HƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết