Bài, ảnh: KHÁNH NAM
Qua công tác kiểm tra, giám sát của các Đội Quản lý thị trường (QLTT), thuộc Cục QLTT TP Cần Thơ, trong những ngày qua cho thấy nguồn cung ứng xăng thường xuyên khan hiếm, nguồn cung ứng dầu bị gián đoạn cục bộ tại một số thời điểm nhưng không có hiện tượng đóng cửa, ngừng bán hàng trái quy định...
Vẫn “căng” nguồn cung

Hoạt động tại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quận Ninh Kiều.
Theo các thương nhân phân phối, trong giai đoạn hiện nay mặc dù đã chủ động liên hệ, đặt mua nhiều nguồn cung ứng trong và ngoài thành phố, nhưng vẫn không đủ lượng bán. Các cửa hàng luôn trong tình trạng không đủ hàng để cung ứng cho người tiêu dùng, thường hết xăng sớm trong ngày, thậm chí một số cửa hàng ở vị trí trọng điểm hết cả xăng và dầu và đang phải chịu lỗ từ 150-250 đồng/lít.
Tại Công ty TNHH Petro Hoàng Yến Cần Thơ, doanh số hằng ngày của 16 cửa hàng xăng dầu trực thuộc tối thiểu 40m3 xăng, 20m3 dầu, trong khi lượng hàng nhập hàng hiện tại ít hơn rất nhiều. Ông Trần Ngọc Đỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Petro Hoàng Yến Cần Thơ, đưa ra số liệu cụ thể: Giai đoạn từ ngày 1 đến 10-10-2022, công ty mua được 80m3 dầu diesel, 200m3 xăng RON A95, 10m3 xăng E5 RON A92. Chia ra bình quân mỗi ngày, hệ thống có 21m3 xăng RON A95, dầu diesel 8m3 và 1m3 xăng E5 RON A92... Giai đoạn từ ngày 11 đến 20-10, nguồn hàng được cải thiện hơn gồm: 142m3 dầu diesel, 224m3 xăng RON A95, 15m3 xăng E5 RON A92. Thậm chí từ ngày 21 đến 27-10, công ty chỉ mua được 72m3 dầu diesel, 58m3 xăng RON A95 và E5 RON 92 11m3,... với nguồn hàng trên doanh nghiệp thiếu rất trầm trọng. Ông Đỉnh cho biết thêm, bên cạnh tìm kiếm nguồn cung, khó khăn hiện nay là tiền vốn. Theo quy trình, để giải ngân nguồn vốn vay từ ngân hàng phải có đơn vị tiếp nhận (các đầu mối cung ứng xăng dầu) và doanh nghiệp phải đăng ký với ngân hàng vào buổi sáng. Trong hoàn cảnh như hiện nay, doanh nghiệp không biết lúc nào mới mua được hàng nên không dám đăng ký trước với ngân hàng. Do đó, trường hợp khoảng chiều tối các thương nhân đầu mối mới báo có hàng, đã khiến doanh nghiệp rất khó khăn để xoay sở tiền...
Theo các thương nhân đầu mối, sản lượng cung ứng tại các cửa hàng xăng dầu trực thuộc tăng 20-50% mỗi ngày trong thời gian từ đầu tháng 10-2022 đến nay. Ông Nguyễn Đăng Chinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Tây Nam Bộ (Tập đoàn xăng dầu Việt Nam), cho biết, bên cạnh mục đích kinh doanh, với 16 cửa hàng xăng dầu trực thuộc, tổng sản lượng bán ra 10 tháng năm 2022 vượt 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài duy trì “không để đứt hàng bất cứ thời điểm nào” tại cửa hàng trực thuộc, Petrolimex Tây Nam Bộ đảm bảo sẽ cung ứng đầy đủ cho các hệ thống cửa hàng nhượng quyền, cửa hàng của các thương nhân phân phối ký hợp đồng với công ty. Tập đoàn cũng chỉ đạo, trong trường hợp TP Cần Thơ xảy ra khan hiếm cục bộ, Petrolimex sẽ đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho hệ thống của mình từ 5-6 ngày. Do nguồn hàng khan hiếm nên đơn vị khó có thể “choàng” để cung ứng cho các thương nhân phân phối không thuộc khách hàng của công ty.
Tìm giải pháp
Ông Trần Ngọc Đỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Petro Hoàng Yến Cần Thơ, cho rằng, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng trong giai đoạn hiện nay, thiết nghĩ các thương nhân phân phối rất cần sự chung tay của nhiều thương nhân đầu mối. Giải pháp hiện nay của Hoàng Yến là dồn hàng cho các cửa hàng đặt tại vùng sâu, vùng xa, nơi có ít hệ thống cửa hàng bán lẻ. Cùng đó, doanh nghiệp sẽ nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn hàng tại các địa phương khác như TP Hồ Chí Minh để có hàng cung ứng cho người dân.
Sau khi không được chấp thuận với văn bản xin tạm ngưng hoạt động cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Chi nhánh Cần Thơ Công ty CP Taxi Mekong nằm trên đường Quang Trung, phường Hưng Phú, quận Cái Răng. Cửa hàng đã được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Dầu khí Mekong thuê kinh doanh, hiện đang vận hành ổn định. Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, đây là điểm kinh doanh lớn, nằm vị trí cửa ngõ thành phố với lưu lượng xe cao, khu vực đông dân cư, nên việc duy trì hoạt động của cửa hàng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ ổn định nguồn cung xăng dầu trên địa bàn thành phố.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (chi phi kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, chi phí phù hợp) để đảm bảo tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, ngày 21-10, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các doanh nghiệp thương nhân đầu mối về việc tính toán và báo cáo chi phí tăng cao bất thường, thời gian từ tháng 6 đến 20-10. Từ đó để Bộ Tài chính có cơ sở để xem xét điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu cho doanh nghiệp. Đối với vấn đề vốn vay, đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin, ngày 26-10, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo về tình hình cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu thời gian qua và khả năng cung cấp vốn cho xăng dầu thời gian tới. Khi có báo cáo, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh chính sách phù hợp với yêu cầu để góp phần ổn định nguồn cung xăng dầu, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát mục tiêu CPI (chỉ số giá tiêu dùng).
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, để đảm bảo ổn định tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố, Sở đã có văn bản gởi Bộ Công Thương đề nghị chỉ đạo các thương nhân đầu mối đảm bảo nguồn cung phục vụ ổn định nhu cầu tiêu dùng người dân và sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đầu mối có trụ sở trên địa bàn, tạo mọi thuận lợi giao nhận hàng và nỗ lực để tăng cường nguồn cung để hỗ trợ cho thành phố trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.