21/02/2011 - 20:35

Chung tay bài trừ văn hóa phẩm độc hại

* Phóng sự: NHÓM PV XH-PL

Kỳ 1: “Văn hóa phẩm đen” trong và ngoài luồng

Thị trường các ấn phẩm văn hóa đang ngày càng sôi động với sự phong phú, đa dạng về chủng loại, đáp ứng thị hiếu nhiều người. Tuy nhiên, cũng không ít những hệ lụy. Đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều loại sách, báo có nội dung thiếu lành mạnh, tác động rất lớn đến người đọc, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên.

Sách là nhu cầu không thể thiếu của nhiều người, trong đó có các bạn trẻ. Vì vậy, cần có sự kiểm duyệt chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: MỸ TÚ 

Sách thiếu nhi: Quá đà “chuyện người lớn”

Dạo quanh các nhà sách, tiệm cho thuê sách, dễ dàng bắt gặp nhiều thanh thiếu niên, trẻ em say sưa với những quyển truyện tranh. Đáng lo là ở một số điểm cho thuê sách gần trường học, thể loại chiếm ưu thế hơn cả vẫn là truyện tranh và có rất nhiều loại dành cho lứa tuổi 16+, 18+. Không thể phủ nhận việc thanh, thiếu niên tìm đọc những quyển sách tình cảm là điều hết sức bình thường, do sự phát triển tâm, sinh lý của các em. Quan trọng là làm thế nào để đưa những nội dung giáo dục tâm, sinh lý tuổi mới lớn đến với các em đúng cách. Thực tế cho thấy, hiện nay, rất nhiều ấn phẩm dịch từ tiếng nước ngoài được phép lưu hành, có nội dung không phù hợp với lứa tuổi và văn hóa Việt Nam. Nhiều bạn đọc vẫn còn nhớ, khoảng tháng 9-2008, dư luận phản ánh một vài Nhà xuất bản (NXB) chính thống cho xuất bản một số ấn phẩm truyện tranh Nhật Bản (loại truyện tranh Hentai) dành cho thiếu nhi, hình bìa rất đẹp nhưng mở ra xem thì giật mình vì hình vẽ trong truyện mô tả cảnh đầy tính gợi dục như: “Chàng trai trong truyện tranh”, “Crazy kiss”,... Ở tập truyện tranh “Bước qua tuổi 16”, in vào quý III năm 2009 của Nhà xuất bản Hà Nội, có những tình tiết phản cảm như nhân vật nam là học sinh lớp 8 vừa hút thuốc, vừa chọc ghẹo nữ giáo sinh thực tập. Nữ giáo sinh thì hành xử rất thô thiển, không đúng tư cách giáo sinh. Một số hình vẽ nhân vật nữ mặc toàn đồ lót trong tư thế khêu gợi... Ông Lê Tấn Liêm, chủ tiệm sách cho thuê ở đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều, cho biết: “Khoảng năm 2008-2009, tiệm của tôi được đại lý cung cấp một loại truyện tranh có nội dung thiếu lành mạnh để bán, cho thuê; khách hàng tìm xem nhiều, đa số là thanh thiếu niên. Lúc đó, tôi không kiểm tra nên không biết rõ nội dung. Sau khi nghe dư luận phản ánh, đại lý cung cấp sách đã yêu cầu tôi tự tiêu hủy những quyển truyện tranh đó”.

Một trong những hình ảnh phản cảm in trong tập truyện tranh “Bước qua tuổi 16 ”, tập truyện đang được một số tiệm sách cho các bạn, các em nhỏ thuê đọc. Ảnh: MỸ TÚ (chụp lại)

Truyện, phim người lớn: dùng sex câu khách

Năm 2005, tiểu thuyết “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu gây xôn xao dư luận một thời gian ngắn. Gần đây tiểu thuyết “Sợi xích” của Lê Kiều Như chủ yếu khai thác chuyện phòng the, thiếu tính văn học. Hiện nay, vào một vài nhà sách, bạn đọc bắt gặp một số tác phẩm với tên gọi câu khách như: “Thoát y dưới trăng” của Thủy Anna. Truyện ngắn “Khỏa thân” trong tập truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Mạnh Tuấn, có đoạn miêu tả thân thể người phụ nữ đầy gợi dục. Một số tập thơ muốn lôi kéo người đọc bằng những tên gọi thật khêu gợi như: “Rỗng ngực”, “Đứt dải yếm” hay những tiểu thuyết nước ngoài, được dịch sang tiếng Việt với tít tựa đọc lên đã nổi gai ốc: “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”, “Hễ sướng thì hét lên”,... Một số nhà làm sách còn cho in những tấm ảnh thật sex trên bìa các quyển tiểu thuyết để câu khách hay sử dụng thêm những dòng đề từ thật bốc và nóng để tiếp thị cho quyển sách : “Nếu em là một cô gái trinh, tôi sẽ cưới em làm vợ. Nhưng xin lỗi, em chỉ là một con đĩ!” (Tiểu thuyết “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” nhà văn Tào Đình - Trung Quốc, được Trang Hạ dịch và NXB Hội Nhà Văn cấp phép),... Đáng nói hơn, những tác phẩm này rất thu hút thanh thiếu niên, do tính tò mò sẵn có, trong khi các em chưa đủ nhận thức và kiến thức để hiểu tác phẩm một cách đúng mức.

Bà Phan Thị Minh Thu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP Cần Thơ, cho biết: “Khó khăn trong công tác kiểm duyệt các ấn phẩm là mỗi NXB đều có quyền tự kiểm duyệt và cấp phép phát hành. Ngoài ra, thị trường sách lậu ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Thêm vào đó, sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet là phương tiện hết sức nhanh, gọn cho những đối tượng xấu tuyên truyền các tác phẩm không lành mạnh. Những đợt Sở TT-TT tổ chức kiểm tra các cơ sở Internet, đã phát hiện nhiều nơi trong ổ cứng máy vi tính có chứa tài liệu đồi trụy hoặc thanh thiếu niên đang truy cập những trang web đen”. Cô Đào Khánh Phương, giáo viên dạy văn của Trường THPT Phan Ngọc Hiển, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Trong một lần lên mạng tìm hiểu về chân dung văn học, tôi hết sức bất ngờ khi thấy một tác phẩm của nhà văn Kim Dung bị sao chép, sửa đổi thành câu chuyện xoay quanh vấn đề tình dục rất thô thiển. Văn hóa phẩm “đen” tràn lan khắp nơi, nhiều nhất là trên mạng, trong khi hiện nay, đa số học sinh từ tiểu học đến trung học đều biết truy cập mạng. Đáng sợ nhất là các em đang trong quá trình phát triển tâm sinh lý, thấy gì lạ là xem ngay, thậm chí tải về điện thoại di động. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ, cách ăn mặc, lối sống của nhiều học sinh, có khi dẫn đến hành vi bạo lực và lối sống thử, thoải mái về tình dục ở các em”.

Khoảng cuối tháng 7-2010, TAND TP Cần Thơ đưa xét xử một vụ án hiếp dâm trẻ em do ảnh hưởng của phim ảnh đồi trụy. Bị cáo mới 16 tuổi và có quan hệ bà con với nạn nhân. Bạn Nguyễn Diễm Phương, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tây Đô, bộc bạch: “Trước đây, sách, báo là nguồn cung cấp kiến thức chủ yếu nhưng ngày nay thì Internet chiếm ưu thế hơn. Tôi biết có không ít sinh viên giải trí bằng cách truy cập vào những trang web không lành mạnh, tìm đọc, tìm xem những truyện, phim đồi trụy, ảnh hưởng đến tâm, sinh lý và cả việc học của các bạn”.

(Còn tiếp)

Kỳ 2: Băng đĩa lậu, web xấu tràn lan

* Phóng sự: NHÓM PV XH-PL

Chia sẻ bài viết