Truyện ngắn: Vũ Thị Huyền Trang
Chị ngồi tựa đầu bên cửa sổ ngó ra mảnh vườn ngập nắng trước nhà. Nơi con gái nhỏ Chuông Miên đang ướm từng bước chân, mắt vời vợi buồn ngóng ra phố nắng. Từng khóm hoa bụi cỏ trong mảnh vườn đã dần khô héo, chị nhìn bãi đất trống không mà mường tượng ra ký ức của những ngày có anh, khi hai người quyết định chuyển về đây sinh sống. Lúc căn nhà được xây lên thì Chuông Miên tròn bảy tuổi đứng xòe tay qua những ô cửa màu xanh hứng nắng. Chị đi lấy đất sông về trồng hoa, anh ngước nhìn những lọn tóc buông ngang vai chợt thốt lên khen chị sao đẹp mặn mà. Nhưng đến khi hoa tầm xuân mọc rực rỡ bên hàng rào gỗ thì cũng là lúc anh đi. Chị ở lại bên mảnh vườn tàn lụi và con gái nhỏ mắc bệnh tự kỷ ngày càng ít nói…
“Ðợi khi nào bố trở lại chúng ta sẽ cùng trồng hoa mẹ nhé”, chị nhớ mãi lời Chuông Miên khi còn là cô bé hồn nhiên đầy sức sống. Con nghĩ chắc là bố đi công tác xa một vài tuần rồi sẽ lại trở về với thật nhiều túi thơm hương hoa. Nhưng một tuần, một tháng rồi một năm, thời gian cứ lặng lẽ trôi đi trong nỗi nhớ mong vô vọng. Mỗi ngày bớt đi một câu nói, giấu đi một nụ cười, dần dần thế giới của Chuông Miên là những bước chân chồng khít lên nhau trong mảnh vườn chênh chếch trước nhà. Rồi đến hôm mưa tầm tã, chị đi dạy về vẫn thấy Chuông Miên lặng lẽ bước trong vườn. Trong cơn sốt li bì đêm đó con luôn miệng gọi “Bố ơi!”. Giữa tiếng mưa ngoài hiên, chị bật dậy, gửi đến anh một email: “Ba năm trước, con gái đếm được 957 dấu chân. Bây giờ ngày nào con gái cũng đếm được 900 dấu chân thì đi hết khu vườn. Con bé nói sẽ còn đếm cho đến khi anh trở lại”.
Chị đã nói với anh về tình trạng của Chuông Miên trong nỗi lòng hoang mang chẳng biết phải giúp con vượt qua giai đoạn này bằng cách nào khi không có anh bên cạnh. Ngay cả khi đang ôm Chuông Miên thật chặt trong lòng chị vẫn có cảm giác con đang dần rời xa vòng tay. Có một thế giới vô hình nào đó như hút xoáy lấy tâm trí Chuông Miên. Con hay ngồi một mình trong bóng tối ôm khư khư con gấu bông màu trắng mà anh mua tặng vào ngày con tròn bảy tuổi. Có lẽ vì đó là món quà cuối cùng của anh nên con coi như báu vật, ngay cả chị cũng không được đụng vào.
Khi nhìn vào đôi mắt của con chị như nghe thấy tiếng kêu cứu đầy cô đơn hoảng loạn. Còn gì xót xa hơn khi người mẹ nhìn thấy vết thương trong lòng con mà bất lực. Hơn lúc nào hết chị mong anh sẽ lại xuất hiện trong mảnh vườn nhỏ trước nhà dù chỉ đơn thuần là một chuyến ghé thăm. Chị muốn cùng anh chạm tay vào nỗi buồn âm ỉ đang giày xéo trong con để xoa dịu vỗ về. Bác sĩ nói Chuông Miên cần được điều trị lâu dài. Chị bắt đầu nhận dạy thêm lớp nhạc ở nhà với mong muốn những bạn nhỏ đến học sẽ làm ngôi nhà thêm sức sống và tiếng cười, để Chuông Miên bớt cô đơn.
*
* *
Anh nhận được email của chị đúng đợt đang đi công tác nước ngoài. Việc làm ăn của công ty gặp nhiều bất lợi cùng với tình hình sức khỏe của vợ ngày càng tệ khiến anh tất bật. Giờ đọc những lời chị viết trong thư anh càng rối bời hơn. Chị là người phụ nữ anh yêu và kết quả của tình yêu ấy là Chuông Miên bé nhỏ. Anh chưa bao giờ hối tiếc vì yêu chị nhưng anh cảm thấy ân hận vì đã làm khổ tất cả mọi người.
Anh lập gia đình với một người phụ nữ giỏi giang, xinh đẹp qua sự giới thiệu của bố mẹ hai bên. Nhưng rồi cuộc sống với những va đập đã khiến anh nhận ra đó không phải là tình yêu. Anh và vợ ly thân. Rồi định mệnh mang chị đến. Anh dẫn chị đến một vùng đất mới để vun vén hạnh phúc mỗi ngày. Nhưng bảy năm sau, bố anh qua đời vì cơn đột quỵ, còn vợ anh thì gặp tai nạn giao thông, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, không thể chăm sóc hai con. Anh trở về tiếp quản công ty và gánh vác gia đình. Bỏ lại lời hứa sẽ trở lại trồng hoa cùng Chuông Miên.
Nhận được những dòng email chị kể về bệnh tình của Chuông Miên, lòng anh thấy xót xa. Suốt ba năm qua đã rất nhiều lần anh muốn trở lại nhưng mãi chần chờ vì không muốn làm đời chị khổ thêm, cũng không thể có lỗi với gia đình mà anh đã quyết định hàn gắn. Anh cứ nghĩ rồi chị sẽ nguôi ngoai, sẽ tìm thấy một người đàn ông yêu thương và bao bọc. Anh cứ nghĩ với sự chu cấp vật chất của mình và tình yêu thương của chị, Chuông Miên sẽ được chăm sóc và lớn lên như bao đứa trẻ khác. Nhưng anh chưa từng nghĩ sự ra đi của anh đã để lại một khoảng trống không gì bù đắp được trong tâm hồn con. Anh hối hận biết bao khi nhớ ngày ra đi anh còn xoa đầu Chuông Miên dặn “Khi nào con đếm được phải ướm bao nhiêu dấu chân thì chật kín khu vườn, khi ấy bố sẽ trở về”.
*
* *
Chuông Miên dạo này có bạn, chị thấy con đã bắt đầu cười nói nhiều hơn. Con có vẻ thích thú khi chạm tay vào những phím đàn, từng giọt âm thanh vang lên lẫn vào tiếng cười trẻ thơ. Sáng sớm bạn đến rủ con đi học, chiều đến bạn hay kéo con đi chơi. Con vẫn hay thảng thốt buồn và rất vụng về, nhưng mỗi ngày chị đều cảm thấy gần con thêm một chút. Hôm rồi chở con qua bến sông chơi, con có hỏi một câu khiến chị điếng lòng:
- Mẹ ơi, có phải bố sẽ không về nữa?
- Con biết không, có những điều trong cuộc sống dù không muốn nhưng chúng ta vẫn phải học cách thích nghi. Thế nên nếu bố không về, mẹ con mình vẫn sẽ trồng hoa nhé.
- Vì bố cần phải ở bên những đứa trẻ khác đúng không mẹ?
Chị kéo con vào lòng, tim như muốn vỡ ra theo từng cơn nức nở của Chuông Miên. Bài học về sự chấp nhận mà con buộc phải học từ khi còn nhỏ, chị ước có phép màu để con không phải trải qua. Chị nhận được hồi âm của anh rằng sẽ đến thăm Chuông Miên ngay sau khi đi kết thúc chuyến công tác và về nước. Lúc này chị lại sợ, chưa nhận lời anh ngay. Vì nếu anh trở về rồi lại ra đi, thì lấy gì lấp vào khoảng trống trong lòng con. Nhưng đến một hôm, lúc nằm bên con cùng đọc sách, Chuông Miên nói với chị:
- Mẹ nói bố thỉnh thoảng nhớ về thăm con nhé. Thăm con rồi bố lại đi. Con sẽ không buồn. Con chỉ muốn được thấy bố...
- Khi đó chúng ta sẽ cùng trồng hoa, Chuông Miên ơi... - chị ôm con, nói trong nước mắt...