06/10/2010 - 20:52

Chung quanh việc Trường Đại học Cần Thơ thực hiện việc thu học phí theo Nghị định 49

Trao tiền hỗ trợ năm học 2010-2011 cho các SV dân tộc Khmer ở TP Cần Thơ.

Vừa qua, nhiều sinh viên (SV) dân tộc Khmer đang theo học tại Trường Đại học Cần Thơ đã phản ánh với Báo Cần Thơ là năm học 2010-2011 này, nhà trường không thực hiện chế độ miễn học phí cho các em như những năm học trước. Lãnh đạo nhà trường cho biết theo quy định mới của Chính phủ việc hỗ trợ cho SV dân tộc thiểu số sẽ thực hiện từ ngân sách của địa phương.

Theo thông lệ trước khi khai giảng năm học mới (cuối tháng 8), Phòng Công tác SV của Trường Đại học Cần Thơ phát thời khóa biểu của học kỳ I đến tận SV. Trong đó, mỗi SV đều được nhà trường thông báo cụ thể về thời gian học của từng môn học mà các em đã đăng ký trước đó cũng như mức học phí tương ứng. Tức trong mỗi môn học sẽ có bao nhiêu tín chỉ mà SV sẽ phải đóng học phí (số tiền tính theo đơn vị tín chỉ).

Năm học 2010 – 2011 này, lớp Hướng dẫn viên du lịch K33, thuộc ngành Du lịch - Khoa Khoa học – Xã hội và Nhân văn, có 4 SV dân tộc Khmer là Mai Nghĩa Nhân (TP Cần Thơ), Danh Thị Tuyết Thơm (Kiên Giang), Kim Thái Nguyên (Trà Vinh) và Tăng Kim Đa (An Giang). Trong thời khóa biểu mà nhà trường gởi đến các em đều có thông báo về phần tiền học phí và tiền bảo hiểm y tế. Em Mai Nghĩa Nhân cho biết: “Năm qua, tôi chỉ đóng tiền bảo hiểm y tế vì được nhà trường miễn 100% học phí theo diện SV dân tộc ít người. Nhưng năm nay, nhà trường thông báo tôi phải đóng học phí trong học kỳ I đến 1.624.000 đồng, do tôi đăng ký học 7 môn/15 tín chỉ (học phí 96.000 đồng/tín chỉ), đến ngày 27-10-2010 là thời hạn cuối để SV nộp học phí, tôi lo sợ gia đình không đủ tiền để đóng”. Trên thực tế, trong số SV dân tộc Khmer, có nhiều em theo học hệ cử tuyển, mức học phí bằng 1,5 lần SV hệ chính quy. Trong đợt thông báo thu học phí đầu năm nay, các em này cũng nhận được thông báo đóng học phí, như em Triệu Thị Ngọc Tuyển, lớp Xây dựng K 33, Danh Thị Ngọc Dung và Lâm Thị Yến Thu, lớp Kỹ thuật môi trường K 35 (ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), mỗi em phải đóng học phí gần 3 triệu đồng. Thế nhưng, sau đó, Phòng Công tác SV của nhà trường đã thông báo lại là SV diện cử tuyển không phải đóng học phí, do vậy đã gây tâm lý so bì trong SV Khmer đang học tại trường.

Chung quanh việc này, Thạc sĩ Châu Văn Lực, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Từ năm học 2009-2010 trở về trước, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện chế độ miễn học phí theo Thông tư số 54 do Liên bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 31-8-1998. Trong đó, ngoài SV ngành sư phạm còn có nhiều đối tượng được miễn 100% học phí như SV là con thương binh, bệnh binh hoặc người bị mất sức lao động từ 61% trở lên, SV mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa, SV có cha mẹ cư trú ở vùng cao, miền núi, hải đảo; với SV là con em dân tộc ít người thì chỉ có SV được chọn từ các trường dân tộc nội trú. Đối tượng này ở Trường Đại học Cần Thơ có khoảng 400 SV dân tộc Khmer, nhưng nhà trường đã linh động cho tất cả SV là con em đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL (trên 1.100 em) được miễn học phí. Đến năm học 2010-2011 này, nhà trường thực hiện thu học phí theo quy định mới của Chính phủ (Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14-5-2010 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 (gọi tắt là Nghị định 49). Đối với SV thuộc đối tượng dân tộc thiểu số, Nghị định 49 quy định miễn 100% học phí cho những SV học hệ cử tuyển, nên nhà trường đã thông báo miễn học phí cho SV dân tộc Khmer hệ cử tuyển. Với các SV dân tộc Khmer còn lại, chỉ được miễn 100% học phí nếu thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo. Đây là quy định mới, nhà trường cần có xác nhận từ chính quyền cơ sở nơi SV cư trú. Đồng thời, việc cấp bù phần học phí cho nhà trường thì tại Điều 7 của Nghị định 49 quy định: “Nhà nước cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn giảm học phí ở các cơ sở giáo dục đại học công lập để các đối tượng này đóng học phí đầy đủ cho nhà trường”. Do vậy, nhà trường đã thông báo cho SV dân tộc Khmer phải nộp học phí, với các đối tượng thuộc diện được miễn giảm học phí mà đến hết thời hạn nộp tiền (ngày 27-10-2010), nhưng các em chưa hoàn thành thủ tục xác nhận từ phía chính quyền địa phương thì nhà trường sẽ xét gia hạn. Nhà trường đảm bảo không để trường hợp SV dân tộc Khmer nào gặp khó khăn khi thực hiện chế độ thu học phí mới.

Trên thực tế, Chính phủ ban hành Nghị định 49 là nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục công lập, đảm bảo công bằng cho nhà trường trong vấn đề tự chủ tài chính, vì phần học phí mà nhà trường miễn giảm cho các đối tượng chính sách sẽ được ngân sách nhà nước cấp bù. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương được tính theo năm tài chính, nên việc cấp bù học phí năm học 2010 – 2011 cho các cơ sở giáo dục công lập phải đến năm 2011 chính quyền địa phương mới thực hiện được. Ngoài ra, do hệ thống giáo dục công lập của nước ta đã phát triển rất đa dạng, có nhiều tỉnh, thành có đầy đủ các loại trường từ bậc mầm non đến đại học. Tức có những trường tuy đóng trên địa bàn của tỉnh, thành nhưng không trực thuộc sự quản lý của UBND hoặc của Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý mà trực thuộc các bộ, ngành khác. Do vậy, ngày 11-6-2010, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh, đã ký văn bản số 7516/BTC-HCSN về việc thực hiện Nghị định 49 gởi UBND các tỉnh, thành trong nước. Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu UBND các tỉnh, thành báo cáo về Bộ Tài chính (trước ngày 30-6-2010), nhu cầu kinh phí chi hỗ trợ chế độ miễn, giảm học phí, đồng thời, đề xuất phương án thực hiện phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại địa phương để các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương Binh và Xã hội làm căn cứ ban hành Thông tư Liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định 49.

TP Cần Thơ là địa phương có đầy đủ các loại hình trường trong hệ thống giáo dục công lập. Ông Lê Thành Thống, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: “Văn bản gởi Bộ Tài chính, Sở Tài chính TP Cần Thơ đề nghị ngân sách thành phố chi hỗ trợ học phí cho hệ thống trường phổ thông, trường trung cấp nghề và trường cao đẳng do UBND thành phố quản lý. Các trường thuộc Bộ quản lý như Trường Đại học Cần Thơ (trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam bộ (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì do Bộ chủ quản cấp kinh phí hỗ trợ. Thực hiện theo phương án này, nhà trường sẽ rất thuận lợi vì chỉ cần tập hợp danh sách (hồ sơ) đối tượng được hưởng chế độ miễn, giảm học phí theo quy định của Nghị định 49 để báo cáo cho Bộ chủ quản khấu trừ khi lập kế hoạch cấp kinh phí hoạt động cho nhà trường”.

Theo quy định của Nghị định 49, đối tượng được hưởng chế độ miễn, giảm học phí không chỉ có SV là con em đồng bào dân tộc Khmer mà còn có SV dân tộc Kinh. Do vậy, qua phản ánh của các SV dân tộc Khmer thuộc Trường Đại học Cần Thơ và qua phương án thực hiện Nghị định 49 do Sở Tài chính TP Cần Thơ đề xuất, thì Trường Đại học Cần Thơ nên nhanh chóng chủ động đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bù kinh phí để nhà trường và SV diện chính sách không bị thiệt thòi.

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI

Năm học 2010-2011, TP Cần Thơ trích ngân sách 213 triệu đồng hỗ trợ cho 71 SV là con em đồng bào dân tộc thiểu số (có 69 SV dân tộc Khmer, 2 SV dân tộc Nùng) có hoàn cảnh khó khăn, đang học tại các trường đại học, cao đẳng trong nước. Mỗi em được nhận 3 triệu đồng, chia làm 2 đợt: vào dịp đầu năm học và đầu năm dương lịch. Ông Đào Sang Ha, Trưởng Ban Dân tộc – Tôn giáo (Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ), cho biết: Đây là chế độ hỗ trợ chi phí học tập 300.000 đồng tháng/10 tháng, được thực hiện từ khi TP Cần Thơ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Số lượng SV được nhận trợ cấp do chính quyền cơ sở đề xuất, năm học trước (2009-2010) có 77 em nhận chế độ hỗ trợ này.


Chia sẻ bài viết