31/05/2019 - 17:49

Chứng nhân của thăng trầm cải lương 

Mấy ngày qua, giới sân khấu cải lương buồn bã trước sự ra đi của NSND Phan Phan - bậc thầy của thiết kế sân khấu và cũng là chứng nhân cho bao cuộc thăng trầm của cải lương. 87 tuổi nhưng chưa bao giờ thôi tâm huyết với sân khấu cải lương, NSND Phan Phan được thế hệ hậu bối xem như một người thầy lớn, một bậc cha chú đáng kính và noi gương.

NSND Phan Phan rất có duyên với cải lương Cần Thơ. Nhiều vở diễn vừa qua mà Đoàn Cải lương Tây Đô thực hiện, như “Bông mận trắng”, “Cánh buồm ngược gió”… đều do ông thực hiện cảnh trí. Ông còn đào tạo một học trò nhiều tâm huyết là nghệ sĩ Trần Thiện (nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô). Gần nhất, không quên nhắc NSND Phan Phan với phần thiết kế sân khấu cho vở “Cánh buồm ngược gió”, một sân khấu đẹp, tráng lệ nhưng không màu mè đã gây ấn tượng mạnh. Nhất là phân cảnh bà Nguyễn Thị Tồn vượt đường xa kêu oan cho chồng là Bùi Hữu Nghĩa, được xử lý rất hiện đại. Bà Tồn đi qua núi, qua sông, qua đèo… được thể hiện rõ bằng những kỹ xảo sắp đặt kết hợp mỹ thuật đã gia tăng hiệu quả vở diễn.

Có dịp trò chuyện nhiều với NSND Phan Phan mới thấy, ông thật như một “ông già Ba Tri” hồn hậu (NSND Phan Phan quê Bến Tre). Lúc nào cũng quần áo chỉnh tề, bên hông đeo chiếc túi nhỏ đựng vật dụng, bộ cọ vẽ… ông tạo sự thân tình bằng nụ cười hiền hậu. Lần nào về Cần Thơ, anh em nghệ sĩ cải lương Cần Thơ cũng chào đón ông bằng những cách gọi “ông ngoại”, “tía”, “ba”, “thầy”… trìu mến. Vậy nên nghe tin NSND Phan Phan đã ra đi, vợ chồng nghệ sĩ Trần Thiện - Kiều Mỹ Dung đã rất xúc động và nói rằng, đó là người thầy mà ông bà tri ân mãi mãi.

Tôi đã nhiều lần được NSND Phan Phan tâm sự về đời họa sĩ sân khấu của ông. Ông học Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định, ra trường đi vẽ quảng cáo mướn. Cuối thập niên 1950, nữ sĩ Bút Trà - chủ bút tờ “Sài Gòn Mới” nhận chàng họa sĩ trẻ xứ Dừa vào vẽ minh họa cho báo. Sau, vì con trai của bà Bút Trà say mê nghệ sĩ Thanh Nga nên nhờ ông Phan Phan vẽ sân khấu cho tuồng “Thầy Cai tổng bồi” để Thanh Nga đóng. Ông vào nghề như vậy. Học hỏi và năng khiếu, cái tên Phan Phan dần nổi như cồn trong các gánh cải lương thời đó. Những thiết kế sân khấu cho các vở “Tiếng trống Mê Linh”, “Thái Hậu Dương Vân Nga”, “Nửa đời hương phấn”… đã trở nên kinh điển của cải lương, là do NSND Phan Phan sáng tạo nên.

Không lâu đâu, hồi năm rồi, NSND Phan Phan còn có nhiều dự định hợp tác với Cần Thơ cho các vở cải lương mới. Gần 90 tuổi nhưng ông vẫn cứ thích đi đó đi đây để thiết kế, vừa làm vừa chỉ dạy cho thế hệ tiếp nối. Ông không “ngồi cao chỉ việc” mà cũng cọ, cũng sơn, cũng khuân vác… xắn tay vào làm cùng anh em. Hình ảnh đó khiến nghệ sĩ Trần Thiện nói với tôi hoài: “Những chi tiết nhỏ làm nên một người thầy lớn. Tôi học hoài không hết!”.

NSND Phan Phan từng tâm tình, ông vui vì cả đời gắn bó với sân khấu cải lương, từng chứng kiến bao cảnh thăng trầm của “thánh đường sân khấu”. Điều rốt cùng còn lại trong ông chính là nhìn thấy bà con lúc nào cũng yêu, cũng quý cải lương. Với ông, đó chính là lý do để cải lương tồn tại mãi.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết