08/05/2010 - 14:30

Chung một tấm lòng

* CHẤN HƯNG

Âm thầm, lặng lẽ để những học trò nghèo có điều kiện được cắp sách đến trường, đó là nghĩa cử đẹp của gia đình bác Lê Văn Cừ (bác Hai). Ngày trước, bác Hai đã từng hiến 800m2 đất xây dựng trường học. Nay, người con trai út của bác tự nguyện trích một phần lương giáo viên của mình để mua sắm quần áo, tập sách, thẻ bảo hiểm y tế,... tiếp sức cho các em học sinh nghèo, gặp khó khăn trong cuộc sống vững bước đến trường...

Điểm trường Xẻo Dứa khang trang được xây dựng trên phần đất 800m2 do bác Lê Văn Cừ hiến tặng. Ảnh: V.TRUYỀN.

* Nghĩa tình của một lão nông

Căn nhà tường kiên cố nằm nép mình dưới những tán cây xanh mát trong vườn thuộc khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ là tổ ấm của gia đình bác Hai. Hôm chúng tôi ghé thăm, trong gian nhà rộng, bác đang loay hoay xếp lại những bộ đồ dành khâm liệm cho người đã khuất. Bác Hai nói: “Lúc nào, trong nhà bác cũng có sẵn từ 4 đến 5 bộ đồ như thế. Hễ ở trong xóm có cụ nào nghèo khó qua đời thì bác gởi biếu tặng”. Bác Hai mang bộ đồ khâm liệm ra giới thiệu từng chi tiết cho chúng tôi biết. Nó được làm thật kỳ công, gồm: nệm, gối, áo, giày, vớ... được may bằng vải đỏ và trắng, với đường chỉ thật đều và đẹp mắt. Khi còn khỏe, bác Hai trực tiếp đo vẽ, rồi cắt may. Nhưng đến nay, tuổi đã cao, mắt mờ dần, nhìn không rõ, nên công việc này do con dâu bác Hai đảm trách. Còn cách thức tẩm liệm cho người quá cố, bác Hai đã chỉ dẫn, truyền lại cho một số bà con tuổi trung niên trong xóm, như: ông Ba Nhường, ông Tư Kha... Bác Hai bộc bạch: “Bộ khâm liệm này không chỉ đẹp mà còn thể hiện sự trang nghiêm đối với người đã khuất, là bản sắc văn hóa của dân tộc ta vốn có từ xưa, được nhiều thế hệ lưu truyền đến hôm nay”.

Năm nay đã 86 tuổi nhưng da dẻ bác Hai vẫn hồng hào, cơ thể mạnh khỏe, tinh thần minh mẫn. Mỗi ngày vào buổi sáng, bác thường đi làm cỏ hay tưới cây trong vườn. Bác có gương mặt phúc hậu, giọng nói từ tốn, tạo cho người đối diện một cảm giác gần gũi và thân thiện. Ngày trước, vợ chồng bác Hai cũng nghèo khó. Bác trai làm quần quật ngoài đồng, còn bác gái làm công việc nhà và chăm sóc 10 người con. Xong công việc đồng áng, bác Hai bơi xuồng đi chài lưới, kiếm cá về ăn. Nhờ cần cù, không ngại khó trong lao động, cuộc sống gia đình bác Hai dần khấm khá. Vợ bác Hai mất cách đây nhiều năm. Thời gian dần trôi, các con lớn lên, được bác Hai dựng vợ giả chồng, rồi cất nhà ra riêng, trong đó 3 người là thầy giáo, cô giáo; những người còn lại thì khá thành đạt trong việc kinh doanh, sản xuất. Con cháu thường xuyên quây quần, về thăm bác Hai vào những dịp lễ, Tết hay cúng giỗ chạp ông bà.

Nay, ngoài việc canh tác 1 ha đất ruộng, bác Hai còn trồng xoài cát Hòa Lộc và một số loại cây ăn trái khác trên 1 ha đất vườn, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Dù bận bịu với ruộng vườn, nhưng khi rảnh tay, bác Hai thường đến thăm hỏi bà con và bạn bè cũ ở rạch Xẻo Dứa (thuộc xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ). Trong những lần đi ngang điểm Trường Tiểu học Trung Thạnh 1, ở Xẻo Dứa, tai nghe bọn trẻ ê, a, bập bẹ tập đánh vần, rồi ghép vần từng tiếng, trong lòng bác Hai cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng và mừng vui không gì sánh bằng. Nhìn ngôi trường khang trang, sạch đẹp, con cháu có chỗ nơi học hành đàng hoàng, bác Hai càng tin quyết định trước đây của mình là hoàn toàn đúng đắn... Hàng xóm kể, trước đây, bác Hai có miếng vườn trồng cây ăn trái ở rạch Xẻo Dứa. Những lần đi làm vườn, bác thường đi ngang và thấy điểm trường ở đây vừa xuống cấp, vừa chật hẹp. Giờ ra chơi, các cháu không có sân vui chơi, đùa giỡn. Thấy vậy, bác Hai bàn với nhà trường tự nguyện hiến 800m2 đất xây dựng trường học. Biết ý định của bác Hai về việc hiến đất xây trường học, nhiều người quen từng khuyên sao bác không bán miếng đất lấy tiền an hưởng tuổi già. Bác Hai trả lời: “Con cháu mình ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại, học hành còn nhiều khó khăn. Vì thế, tôi muốn sẻ chia, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng học hành tốt hơn...”. Cô Vũ Thị Lệ Thu, giáo viên điểm Trường Tiểu học Trung Thạnh 1, cho biết: “Điểm trường này hiện có 3 phòng học, 1 nhà vệ sinh, có khoảng 110 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Trường lớp khang trang, sân chơi, nhà vệ sinh sạch sẽ... Cũng nhờ bác Hai hiến đất xây trường, việc dạy và học của thầy trò thuận lợi hơn, hạn chế được tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng. Chúng tôi thầm cảm kích nghĩa cử cao đẹp của bác Hai”.

* Tiếp sức cho học trò nghèo, hiếu học

Đó là nghĩa cử đẹp của anh Lê Trung Nghĩa, người con út của bác Hai. Vốn xuất thân trong gia đình hiếu học, Trung Nghĩa đã kế thừa và tô thắm thêm vẻ đẹp nhân cách của người kỹ sư tâm hồn...

Thuở nhỏ, Trung Nghĩa gầy yếu, cứ nay ốm mai đau. Dù vậy, anh rất ham học. Thế nhưng, do sức khỏe không cho phép, nên việc học hành của anh bị gián đoạn. Năm học lớp 11, anh phải nghỉ học ở nhà. Một năm sau, anh năn nỉ và được gia đình đồng ý cho đi học tiếp, rồi tốt nghiệp THPT. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, Trung Nghĩa được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Trung Kiên 3. Ngày tháng đi dạy, anh thấu hiểu và cảm thông được sự khó khăn của những học trò nghèo, hiếu học nhưng có nguy cơ bỏ học giữa chừng. Từ đó, anh đã ra sức giúp đỡ, vun đắp, thắp thêm niềm tin cho các em được cắp sách đến trường. Thầy Phan Hoàng Để, đồng nghiệp với anh Trung Nghĩa, cho biết: “Thầy Trung Nghĩa không những dạy giỏi mà còn tốt bụng! Rất đông học trò nghèo, hiếu học được thầy nhận đỡ đần và hiện nay đã có em đang học đại học hoặc tốt nghiệp ra trường, có công ăn việc làm ổn định”.

Theo chỉ dẫn của thầy Để, chúng tôi ghé thăm nhà ông Đinh Văn Xiếu (cha của Đinh Văn Tới), ở khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt. Tới là con út của ông Xiếu. Năm Tới học lớp 4, gia đình ông Xiếu lâm vào cảnh khó khăn. Vợ chồng ông lớn tuổi, sống chủ yếu bằng nghề nuôi vịt chạy đồng. Nhưng chẳng may, năm đó, đàn vịt của ông bị bệnh nặng. Ông phải bán đổ bán tháo, nhưng vẫn không tránh được việc thua lỗ. Nhà không tiền, ông không thể lo cho con tiếp tục việc học. Biết được gia cảnh của ông Xiếu, thầy Trung Nghĩa, lúc này là giáo viên chủ nhiệm của Tới, thường xuyên tới lui thăm hỏi, động viên em Tới tiếp tục việc học. Nghĩa tình của thầy giáo Trung Nghĩa thật đáng trân trọng khi những năm học tiếp theo, thầy tiếp tục giúp đỡ em Tới về vật chất lẫn tinh thần. Và cậu học trò nghèo Đinh Văn Tới ngày nào, giờ đã tốt nghiệp Đại học, chuyên ngành trồng trọt, có công ăn việc làm ổn định. Ông Xiếu nói: “Làm ăn thất bại, đông con nên gia đình tôi nghèo, khó khăn lắm! Cũng may nhờ có thầy giáo Trung Nghĩa thương tình giúp đỡ, nên con tui mới được học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định. Tấm chân tình của thầy, gia đình tui không sao đền đáp được!”. Còn ông Thái Văn Truyện, phụ huynh em Thái Văn Tính cho biết: Tính đang là sinh viên năm cuối của Học viện Cảnh sát Hà Nội. Tháng nào, Tính cũng gởi thư về thăm hỏi gia đình, thầy giáo Trung Nghĩa rất nhiều. Không còn bao lâu nữa, Tính sẽ tốt nghiệp đại học, ra trường...

Đó là 2 trong số nhiều trường hợp học trò nghèo mà thầy Trung Nghĩa đã tận tình giúp đỡ, nay đã thành người hữu ích cho gia đình và xã hội. Từ những năm Tới và Tính còn học tiểu học, cho đến phổ thông, rồi vào đại học, các em học càng lên cao thì số tiền mà thầy Trung Nghĩa tích góp chu cấp cho 2 em ngày một nhiều. Để có tiền giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, ngoài giờ dạy học, Trung Nghĩa còn làm người dẫn chương trình văn nghệ cho một số cơ quan, trường học trên địa bàn. Khi thiếu hụt, anh xin tiền gia đình phụ thêm. Hiểu được việc làm của con, gia đình anh sẵn lòng chia sẻ. Không riêng gì trường hợp Tới và Tính, những năm sau, thầy Trung Nghĩa thường xuyên trích một phần lương của mình để dành mua tập sách, bảo hiểm y tế cho những học sinh nghèo, có nguy cơ bỏ học giữa chừng. Anh bộc bạch: “Việc làm của tôi chẳng có gì lớn lao, tất cả chỉ xuất phát từ tấm lòng của người thầy đối với các học trò nghèo, gặp khó khăn trong cuộc sống. Tuy mỗi phần quà giá trị không nhiều, nhưng đây là niềm động viên, khích lệ các em cố gắng học tốt, phấn đấu thoát cảnh nghèo khó, vươn lên trong cuộc sống”.

Anh Trung nghĩa là giáo viên giỏi cấp thành phố nhiều năm liền. Hiện nay, anh là Phó giám đốc Nhà Thiếu nhi quận Thốt Nốt. Ngoài giờ làm việc, anh Trung Nghĩa còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Trong năm 2009, anh vận động bạn bè, người thân đóng góp được khoảng 16 triệu đồng để cất tặng căn nhà tình thương cho chị Nguyễn Thị Nga (ở khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên). Sau ngày chồng mất, ngày ngày chị Nga đi làm cỏ mướn cho bà con trong xóm để kiếm tiền nuôi 2 đứa con. Công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh, nhưng số tiền kiếm được không nhiều, chỉ đủ cho chị lo chạy gạo từng bữa. Không chỉ vậy, mỗi khi trái gió trở trời, căn bệnh thấp khớp cứ hành hạ chị... Có được căn nhà khá tươm tất, mẹ con chị Nga cảm thấy ấm lòng, an tâm lao động nuôi con thoát cảnh nhà dột, cột xiêu.

Năm 1999, anh Trung Nghĩa kết hôn với chị Lê Thị Xuân Liễu. Ngày ngày, anh Trung Nghĩa đi dạy học, còn chị ở nhà làm việc nhà, phụ may vá kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Anh Trung Nghĩa tâm sự: “Bà xã là người đầu tiên ủng hộ việc tôi đỡ đần, giúp sức cho học trò nghèo; kế đó là ba tôi. Bà xã thường lén để tiền vào bóp sợ tôi không đủ tiền tiêu xài hàng ngày”. Hiện nay, vợ chồng anh Trung Nghĩa có 1 cô con gái, Lê Quỳnh Hương An, 8 tuổi, đang học lớp 2. Ánh mắt chị Liễu rạng ngời niềm yêu thương khi nói về chồng: “Tuy tất bật với nhiều công việc, nhưng khi về đến nhà, ảnh liền phụ giúp gia đình chăm sóc mảnh vườn, thửa ruộng. Tối đến thì dành thời gian chăm sóc, dạy dỗ con. Tháng ngày qua, cuộc sống gia đình tôi thật giản dị và đầm ấm”.

* * *

Nghĩa tình của gia đình bác Hai Cừ đối với học trò nghèo thật đáng trân trọng. Việc làm của bác Hai và anh Trung Nghĩa thật thầm lặng mà rất cao đẹp, chan chứa tình người. Họ đã gác bỏ bao toan tính đời thường, để góp sức mình vun trồng cho những mầm xanh của thế hệ mai sau.

Chia sẻ bài viết