Thời điểm này, cùng với các địa phương, TP Cần Thơ bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm. Dự báo thị trường hàng hóa trong những tháng này sẽ không nhiều biến động, nguồn hàng đảm bảo chất lượng và giá tốt nhất đến tay người tiêu dùng...

Hoạt động kinh doanh tại siêu thị Co.opmart Cần Thơ.
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 9 (Bộ Công Thương), Thường trực Tổ Ðiều hành thị trường trong nước thông tin: Tháng 9, thị trường hàng hóa sôi động trong dịp khai giảng năm học mới, nhu cầu vật phẩm giáo dục tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu các mặt hàng rau quả, thực phẩm cũng tăng trong giai đoạn Tết Trung Thu, tuy nhiên, thị trường bánh Trung Thu kém sôi động hơn các năm trước, nguồn cung nhiều, đa dạng nhưng nhu cầu không lớn. Thị trường các mặt hàng thiết yếu khác không có biến động lớn, nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, giá tương đối ổn định, riêng mặt hàng xăng dầu giá tăng do ảnh hưởng của giá thế giới.
Riêng mặt hàng lúa gạo giá tăng do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu; giá thịt heo tăng giảm đan xen theo nguồn cung và nhu cầu từng giai đoạn, tuy nhiên vẫn ở mức hợp lý cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng; giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới… Trong 9 tháng năm 2023 cả nước vẫn giữ được mức tăng trưởng bán lẻ khá tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn trong tầm kiểm soát.
Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), từ nay đến cuối năm, dự báo, nguồn cung xăng dầu vẫn ổn định, phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, số dư Quỹ bình ổn giá đang ở mức trên 7.000 tỉ đồng. Ðây là số dư cao nên trong điều kiện cần thiết, liên bộ sẽ sử dụng để can thiệp vào giá. Petrolimex thông tin thêm, nguồn cung xăng dầu 9 tháng qua rất ổn định. Ðặc biệt, gần đây, các thương nhân đầu mối đẩy hàng ra thị trường thông qua chính sách thù lao rất cạnh tranh. Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu hiện nay trên thế giới khá ổn định, dồi dào, tất cả thương nhân đầu mối nhập khẩu đều không khó khăn trong tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu. Cùng với đó, nguồn cung xăng dầu trong nước sẽ sớm ổn định do việc bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn khả năng hoàn thành sớm (trước đây dự kiến ngày 15-10 mới cung cấp lại) nhưng dự kiến sẽ sớm hơn (từ ngày 7 đến 10-10).
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 9 đạt gần 524.600 tỉ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu nhờ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (tăng 1,9-4,4%) và nhóm các ngành dịch vụ (tăng 3,34,5%); các nhóm khác tăng từ 1,2-2,4%, riêng nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 0,5%. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng đạt 4.567.835 tỉ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm (tăng 11,4%) và nhóm hàng du lịch, dịch vụ (tăng từ 11,5-47,7%).
Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, lũy kế 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố ước đạt gần 86.600 tỉ đồng, tăng 12,71% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 68,9% so với kế hoạch năm 2023. Từ đầu năm đến nay, nguồn cung hàng hóa trên địa bàn thành phố dồi dào, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, Sở Công Thương bám sát theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh; các vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh. Ðồng thời, tăng cường hoạt động kết nối giao thương, đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp Cần Thơ với các địa phương khác… Hiện nay, Sở cũng đã bắt đầu lên phương án bình ổn thị trường cuối năm và Tết
Ðặc biệt, Chương trình Khuyến mại tập trung năm 2023 tại TP Cần Thơ đang diễn ra kéo dài đến hết tháng 12 âm lịch năm Quý Mão. Chương trình cũng là một trong những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm hỗ trợ về cơ chế chính sách để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; đồng thời, người tiêu dùng tiếp cận được các chương trình khuyến mại phong phú, đa dạng. Chương trình nhận được sự hưởng ứng của nhiều đơn vị doanh nghiệp với đa dạng nhóm hàng. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đang kinh doanh trên địa bàn thành phố tham gia chương trình với cam kết, đồng hành cùng thành phố đảm bảo đầy đủ nguồn hàng với giá bình ổn trong suốt thời gian diễn ra chương trình.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Trong những tháng cuối năm, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tăng cường phối hợp với các đơn vị; theo dõi diễn biến thị trường; tham mưu thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan theo dõi diễn biến giá, nguồn cung xăng dầu, nắm tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố. Xây dựng Chương trình bình ổn hàng hóa năm 2023 và Tết Nguyên đán năm 2024. Tăng cường hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố. Tổ chức chương trình kết nối giữa các địa phương; liên kết cung ứng hàng hóa của hợp tác xã, các doanh nghiệp xuất khẩu vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố. Ðồng thời, phối hợp Bộ Công Thương tổ chức các hội nghị trực tuyến/trực tiếp, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh và chủ thể OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) tham gia các sàn thương mại điện tử và chương trình gian hàng Việt trực tuyến.l