04/10/2012 - 21:48

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo

Chủ trương đúng cần chính sách đồng bộ

Câu chuyện Đổi mới giáo dục luôn là một đề tài nóng hổi và kéo dài suốt nhiều năm qua không chỉ ở Việt Nam, ở các nước châu Á mà ngay cả ở các nước phát triển như Mỹ, Anh,... Điều này cho thấy giáo dục đào tạo đã ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và từng quốc gia.

Bên cạnh đó, điều này cũng phản ánh những tâm trạng chưa hài lòng, chưa yên tâm với thực trạng giáo dục đang diễn ra trên mọi miền đất nước. Đó có thể là ánh mắt chờ đợi trĩu nặng của các bậc phụ huynh khi xếp hàng từ tờ mờ sáng để nộp đơn xin học cho con. Đó cũng có thể là nỗi bất bình nín nhịn của các gia đình trước danh mục nhiều khoản tiền không có trong quy định. Đó là nỗi lo cho những cô bé cậu bé phải mang những chiếc ba lô quá nặng với lịch học tập dày kín. Đó là cảm giác phập phồng lo sợ trước cảnh đu dây qua sông hay chèo đò tới trường của học sinh vùng khó;...

Đổi mới trên cơ sở kế thừa và phát huy

Giờ học của học sinh Trường THCS Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ảnh: B. KIÊN 

Những sự vụ đình đám lẻ tẻ cứ thỉnh thoảng lại nổi lên gây "sốt" dư luận ở chỗ này chỗ khác đã che mờ đi những thành quả không thể phủ nhận. Đó là chúng ta đã đảm bảo một nền giáo dục ngày càng rộng mở hơn cho số đông với 23,5 triệu người đi học với mức chi phí/đầu học sinh vào loại thấp nhất thế giới. Tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục trong 3 năm nay không thay đổi (20%) trong khi đó từ năm 2010, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (khi còn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) cả nước có thêm nhiệm vụ mới là phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi. Điều đó có nghĩa giáo dục bắt buộc đã tăng thêm thành 13 năm, lo thêm cho hơn 1 triệu trẻ 5 tuổi/năm. Hàng trăm ngàn giáo viên mầm non được tuyển. PCGDMN cho trẻ 5 tuổi đã tạo dựng nền móng, hình thành kỹ năng hòa nhập, chuẩn bị tâm thế, tăng khả năng ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ em dân tộc trước khi gia nhập lớp 1. Việc làm này chính là bước đổi mới căn bản nhằm nâng cao chất lượng giáo dục từ bậc thấp nhất, chấm dứt cảnh "ngồi nhầm lớp" phổ biến ở học sinh tiểu học miền núi trước đây.

Dẫu chưa thật hài lòng nhưng các bậc phụ huynh cũng phải thừa nhận: con cháu chúng ta hiểu biết và giỏi hơn thế hệ đi trước. Chất lượng giáo dục ở mọi cấp đều được nâng lên. Nội dung giáo dục cũng có điều chỉnh mà gần đây là chủ trương đưa giáo dục công nghệ thông tin (CNTT) và tiếng Anh vào giảng dạy bắt buộc từ lớp 3 với mong muốn 10 năm tới Việt Nam thành một quốc gia mạnh về CNTT và tiếng Anh. Việc làm này cho thấy các nhà lãnh đạo đã có tầm nhìn xa và quan tâm chú ý trang bị năng lực phát triển cho các em sẵn sàng hội nhập quốc tế "bơi ra biển lớn". Công tác quản lý giáo dục cũng có bước chuyển động theo hướng chuẩn hóa và hướng sang đào tạo theo nhu cầu xã hội;... Tất cả cho thấy một nền giáo dục đã có bước chuyển động đúng hướng.

Tuy nhiên hạn chế lớn nhất là chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Công tác nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) trong trường đại học. Quản lý giáo dục còn nhiều bất cập là nguyên nhân của nhiều yếu kém gây bức xúc kéo dài; Chưa quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Đầu tư cho giáo dục còn nhiều hạn chế. Nội dung và phương pháp, chương trình giáo dục còn lạc hậu, nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, dạy nghề.

Dự thảo Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã chỉ rõ 6 ưu điểm và 4 hạn chế của thực trạng nền giáo dục hiện nay. Trên cơ sở đó, Đề án nêu rõ quan điểm là: Đổi mới căn bản và toàn diện không phải là làm lại tất cả, làm lại từ đầu mà là kế thừa và phát huy những quan điểm, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Chính phủ và của ngành giáo dục. Trên cơ sở đó, đổi mới từng bước, có trọng tâm ở những khâu then chốt.

Đổi mới diễn ra đồng thời, đồng bộ trên tất cả các khâu

Công cuộc đổi mới giáo dục là một nhu cầu xuất phát từ thực tế, là việc không thể chậm trễ và cần phải diễn ra một cách căn bản, toàn diện, đồng thời và đồng bộ trên tất cả các khâu, các yếu tố cấu thành hoạt động giáo dục, từ mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá,... Trên cơ sở nêu rõ mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo tới năm 2020, định hướng 2030, Đề án đã chỉ rõ 9 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, bao quát toàn bộ hoạt động giáo dục.

Các nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Dự thảo Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục rất đầy đủ, bao gồm 9 nội dung: Đổi mới tư duy về giáo dục và đào tạo; Đổi mới quản lý giáo dục; Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục; Đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục; Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân thành hệ thống giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập; Đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư và tài chính, huy động sự tham gia của toàn xã hội cho giáo dục; Nâng cao chất lượng hiệu quả nghiên cứu khoa học và công tác truyền thông phục vụ đổi mới giáo dục; Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục. Từ ý kiến tập hợp qua 45 cuộc hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, trí thức, các nhà quản lý, nhà giáo,... thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có nhiều phiên họp thảo luận Đề án, ngày 24-8, Bộ Chính trị cũng đã cho ý kiến hoàn thiện Đề án. Trong đó Giải pháp hàng đầu được đặt ra là phải Đổi mới tư duy về giáo dục và đào tạo.

Giải pháp hàng đầu là đổi mới tư duy

Chỉ có đổi mới tư duy về giáo dục đào tạo mới có thể thực hiện đầy đủ quan điểm "giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của nhà nước và nhân dân"; "phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu". Chỉ khi phát triển giáo dục là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, quy hoạch phát triển nhân lực phải là một cấu phần bắt buộc của quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, của ngành thì việc bố trí đủ quỹ đất cho nhà trường mới đi trước sự phát triển của đô thị, mới chấm dứt cảnh chen nhau nộp đơn nhập học. Chỉ khi các chủ trương của Đảng được cụ thể hóa đầy đủ thành chính sách của Nhà nước thì các địa phương mới thực hiện chi đúng, chi đủ ngân sách cho giáo dục, đảm bảo ngoài 80% chi lương còn 20% chi cho các hoạt động tổ chức giáo dục như: trang bị cơ sở vật chất, phô tô bài,... và các cơ sở không còn lý do để lạm thu. Hiện không dưới 1/3 tỉnh dành tới 85%, thậm chí 90% chi cho lương. Việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau năm 2015 theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cũng cần tiến hành bài bản và khoa học, có sự đóng góp và giám sát của các lực lượng trí thức, nhà giáo tâm huyết cũng sẽ là cách tạo dựng môi trường học tập phù hợp và không quá tải cho học sinh;...

Đổi mới chương trình giáo dục theo hướng người học không chỉ học trong nhà trường mà phải được giáo dục, rèn luyện thông qua các hoạt động xã hội, nghề nghiệp thích hợp, tạo sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá người học để phản ánh toàn diện phẩm chất, năng lực của người học; Tạo môi trường giáo dục trung thực, dân chủ, sáng tạo và thân thiện; thầy cô giáo phải là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Thiết nghĩ, lâu nay chủ trương "giáo dục là quốc sách hàng đầu" đã được Đảng đề cao nhưng thực tế chưa được như vậy. Việc cần làm, theo PGS TS Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Hà Nội, là phải rà soát lại để có bộ máy tổ chức thực hiện phù hợp; để những người trực tiếp phụ trách công tác này "có đủ điều kiện và quyền hạn "hàng đầu" tương xứng" thì mới tạo ra niềm tin chủ trương không chỉ dừng lại ở lời hô hào khẩu hiệu.

Hy vọng với hàng loạt giải pháp đồng bộ và các bước đi mạnh mẽ, Đề án được hội nghị BCH Trung ương Đảng cho ý kiến lần này sẽ tạo nên bước chuyển căn bản và toàn diện của nền giáo dục.

HOÀNG HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết