12/08/2022 - 10:33

Chủ động ứng phó xâm nhập mặn 

“Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ” là kinh nghiệm dân gian về mùa nước nổi tại vùng ĐBSCL nhưng đến nay đã gần giữa tháng 7 âm lịch, nước thượng nguồn không đổ về đồng bằng. Mực nước sông Tiền, sông Hậu ở mức thấp, báo hiệu cho mùa “lũ cạn”. TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong vùng sẽ phải “gồng mình” chống hạn cho mùa khô 2022-2023 sắp tới.

Dự báo mùa lũ nhỏ

Lắp đặt hệ thống quan trắc mặn tự động trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Lắp đặt hệ thống quan trắc mặn tự động trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Hằng năm, vào đầu tháng 7 âm lịch, người dân thượng nguồn TP Cần Thơ và các địa phương vùng ĐBSCL bắt đầu một mùa làm ăn mới - mùa đánh bắt thủy sản theo con nước nổi. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp cũng dựa theo mùa nước nổi để xuống giống lúa thu đông, nuôi trồng thủy sản… Nhưng những năm gần đây, nhiều đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn sông MeKong cùng với tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), khiến mùa nước nổi về muộn, ít, thậm chí không xuất hiện. Ông Nguyễn Văn Tâm ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Đến nay đã gần giữa tháng bảy âm lịch mà nước dưới sông vẫn thấp, thậm chí trong những ngày qua, nước trong ao nuôi cá của gia đình tôi ra vào vẫn ít. Với tình hình này, theo kinh nghiệm của tôi, mùa lũ năm nay sẽ thấp, muộn hơn những năm trước. Tình trạng bồi đắp phù sa cho đồng ruộng, nuôi trồng thủy sản sẽ hạn chế. Đặc biệt, tình trạng khô hạn, thiếu nước ngọt có khả năng diễn ra gay gắt trong những tháng đầu năm 2023, cần được đề phòng”.

Theo Văn phòng công tác BĐKH TP Cần Thơ, trong những năm gần đây, cùng với việc khai thác dòng chảy ở thượng nguồn cho mục đích thủy điện và hiện tượng lũ trên sông Hậu có xu hướng giảm dần cả về tần suất và lưu lượng, nguy cơ mặn xâm nhập sâu vào nội địa là điều đã được dự báo. Điều này đòi hỏi TP Cần Thơ phải có công cụ đủ mạnh để quan trắc và kịp thời cảnh báo xâm nhập mặn (XNM) cho chính quyền, người dân ứng phó, giảm thiệt hại do mặn gây ra. Năm 2012, TP Cần Thơ lắp đặt 8 trạm quan trắc mặn, tự động truyền dữ liệu đến cơ quan, đơn vị chuyên môn. Các trạm quan trắc mặn đã phát huy hiệu quả, kịp thời truyền tải độ mặn xuất hiện và cảnh báo nguy cơ XNM đến cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, do “tuổi thọ” thiết bị cũng như ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nên trong quá trình vận hành, các trạm quan trắc lần lượt hư hỏng. 

Theo bà Châu Thị Kim Thoa, Chánh Văn phòng công tác BĐKH TP Cần Thơ, việc tăng cường mạng lưới quan trắc độ mặn là hết sức cần thiết. Năm 2020, Văn phòng công tác BĐKH đã đề xuất Dự án “Xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do BĐKH và tăng cường mạng lưới quan trắc XNM trên địa bàn TP Cần Thơ” gửi Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông qua Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tháng 1-2021, Văn phòng nhận được Thư phê duyệt khoản viện trợ thực hiện dự án từ Quỹ Hợp tác Mê Kông - Hàn Quốc. Ngày 14-4-2021, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt khoản viện trợ tại Quyết định số 791/QĐ-UBND. Hoạt động quan trắc, ứng dụng XNM bắt đầu triển khai thực hiện.

Ứng phó xâm nhập mặn

Hệ thống quan trắc mặn tự động truyền tín hiệu không dây được Văn phòng công tác BĐKH thiết lập từ tháng 7-2021 và hoàn thiện lắp đặt, vận hành, truyền dữ liệu tự động vào tháng 3-2022. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do BĐKH và tăng cường mạng lưới quan trắc XNM trên địa bàn TP Cần Thơ”, do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác Mê Kông - Hàn Quốc hỗ trợ.

Theo Văn phòng công tác BĐKH TP Cần Thơ, các thiết bị đo mặn có gắn bộ truyền dữ liệu không dây được lắp đặt tại 3 vị trí: cảng Cái Cui, điểm lấy nước thuộc trạm cấp nước khu tái định cư xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền), điểm gần cầu sắt Tân Hiệp thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Các vị trí lắp đặt trạm nhằm đo độ mặn theo hai hướng XNM chủ yếu vào thành phố. Hướng Đông theo sông Hậu và hướng Tây theo kênh Rạch Sỏi - Cái Sắn và kênh xáng Xà No. Dữ liệu đo độ mặn của các trạm được truyền về server máy chủ đặt tại Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, dữ liệu từ máy chủ còn được hiển thị trên website  http://quantracdoman.dulieuquantrac.com/. Trên website, người dùng có thể xem dữ liệu dưới dạng bảng, biểu đồ, maps, thống kê, truy xuất báo cáo theo ngày, tháng…

Kết quả quan trắc mặn từ tháng 3 đến tháng 7-2022 cho thấy, hệ thống vận hành ổn định, dữ liệu đo từ các trạm được chuyển tự động về hệ thống quản lý thông tin mặn theo đúng tần suất đã được cài đặt 5 phút/lần. Các sự cố phát sinh được kịp thời giải quyết. Dữ liệu quan trắc mặn mùa khô năm 2022 cho thấy thành phố không xuất hiện độ mặn vượt cảnh báo ở sông, rạch… Đồng thời, dữ liệu quan trắc mặn còn được chia sẻ lên Trang trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP Cần Thơ. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho vấn đề quản lý, vận hành thiết bị quan trắc sau khi kết thúc dự án.

Bà Châu Thị Kim Thoa nhận định: Năng lực quan trắc XNM của TP Cần Thơ được củng cố nhờ kịp thời lắp đặt và vận hành hệ thống 3 trạm quan trắc mặn từ mùa khô năm 2022. Đối tượng hưởng lợi kết quả Dự án “xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do BĐKH và tăng cường mạng lưới quan trắc XNM trên địa bàn TP Cần Thơ” là tổ chức và người dân, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương do BĐKH. Dự án đã cải thiện khả năng tiếp cận thông tin cho đối tượng trên thông qua các phương tiện truyền thông, web, Trang trung tâm điều hành đô thị thông minh, tạo kênh chia sẽ dữ liệu quan trắc mặn giữa các sở, ngành của thành phố và các địa phương khác trong vùng... nhằm chủ động xây dựng các kế hoạch ứng phó kịp thời, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do tác động của BĐKH.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết