28/02/2016 - 09:35

TP Cần Thơ

Chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, ngày 24-2, toàn thành phố đã thu hoạch được khoảng 43.000/86.728ha lúa đông xuân 2015 - 2016 và đã xuống giống hơn 6.500ha lúa hè thu. Đến nay, dù chưa có diện tích bị ảnh hưởng nhưng TP Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn và xâm nhập mặn mùa khô 2015-2016.

 Nhiều khả năng thiếu nước cho sản xuất

 Nạo vét kênh mương thủy lợi tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: VĂN CÔNG

Theo Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, mùa khô năm 2015-2016 mặn đã xâm nhập sớm và sâu vào các tỉnh ven biển Nam bộ. Tính đến tháng 1-2016, ranh giới mặn 4‰ vùng cửa sông Tiền và sông Hậu đã vào sâu trên 50km. Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ tiếp tục vào sâu và cao hơn cùng kỳ mùa khô trước và cao trung bình nhiều năm. Ranh giới mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 60-65km, có thời điểm lên trên 70km. Đối với TP Cần Thơ, cần chú ý đề phòng độ mặn dưới 4‰ xâm nhập đến các địa phương giáp ranh các tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang trong các đợt triều cường vào tháng 3, tháng 4 và đầu tháng 5 - 2016. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc đài Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, cho rằng: Diễn biến thời tiết, thủy văn tại TP Cần Thơ bước vào thời kỳ cao điểm mùa khô: nắng nóng- ít mưa trái mùa, lượng dòng chảy thiếu hụt, mực nước xuống thấp ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Đề nghị các địa phương có kế hoạch chủ động phòng chống tình trạng khô hạn, thiếu nước trong các tháng cuối mùa khô; đồng thời đề phòng nước mặn xâm nhập đến các vùng giáp ranh các tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Các diện tích lúa đông xuân 2015-2016 chưa thu hoạch và diện tích lúa hè thu 2016 đã xuống giống chưa bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn do TP Cần Thơ nằm cặp sông Hậu và cách xa biển Đông khoảng 80km, cách biển Tây khoảng 60km. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, lượng dòng chảy thiếu hụt trên sông Mê Công; nhiệt độ cao, nắng nóng nên tình hình hạn hán, thiếu nước đã tác động đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Vụ đông xuân 2015-2016 chi phí sản xuất lúa tăng cao do phải tốn thêm nhiều chi phí bơm nước và một số diện tích đã thu hoạch có năng suất thấp so với vụ đông xuân trước. "Vụ hè thu 2016, TP Cần Thơ dự kiến xuống giống khoảng 78.000ha; hiện nông dân một số địa phương đã xuống giống trên 6.500ha. Với tình hình khí tượng, thủy văn nguồn nước như hiện nay, dự kiến sẽ có trên 26.000ha lúa hè thu 2016 bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước; đặc biệt là các huyện nằm cách xa sông Hậu, không thể lợi dụng thủy triều để dẫn nước vào ruộng, phải tốn nhiều chi phí để nạo vét kênh mương và chi phí bơm nước. Bên cạnh đó, dự báo cũng có sẽ trên 8.600ha chuyển đổi sang trồng rau màu trên nền đất lúa kém hiệu quả do thiếu nước tưới" - ông Nguyễn Ngọc Hè dự báo.

* Chủ động giải pháp ứng phó

Dù chưa có những ảnh hưởng xấu đáng kể, nhưng trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn, TP Cần Thơ đã và đang chủ động tập trung các giải pháp ứng phó. Ông Nguyễn Minh Thế, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Qua phân tích dữ liệu của 8 trạm quan trắc, nồng độ mặn trên các sông chính của TP Cần Thơ hiện vẫn đang ở mức cho phép, từ 0,1-0,15‰. Dù vậy, ngành tài nguyên môi trường tiếp tục theo dõi và cập nhật thường xuyên nồng độ mặn trên các sông chính ở Cần Thơ để các thông tin kịp thời đến ngành chức năng có biện pháp ứng phó kịp thời. "Trên địa bàn TP Cần Thơ, hướng mặn có khả năng xâm nhập vào các tuyến sau: sông Hậu - Cảng Cái Cui; tuyến kinh Cái Sắn giáp Vĩnh Thạnh - TP Cần Thơ với Tân Hiệp - tỉnh Kiên Giang và tuyến kinh sáng Xà No, huyện Phong Điền... Vì vậy, các địa phương cũng cần chủ động theo dõi diễn biến độ mặn trên các sông để chủ động ứng phó"- ông Nguyễn Minh Thế cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: Một trong những vấn đề chính yếu hiện nay là các địa phương phải thực hiện công tác thủy lợi nội đồng, sửa chữa, khôi phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng, nạo vét lại các hệ thống kênh mương bị bồi lắng, dọn cỏ, tháo dỡ chà nò, vật cản trên kênh, rạch đảm bảo khai thông dòng chảy tạo nguồn và đảm bảo dòng chảy được thông thoáng đủ nước bơm tưới khi khô hạn để phục vụ cấp nước cho sản xuất, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện bơm nước kịp thời lấy nước. Ngoài ra, ngành chức năng cần vận động, tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đối với những diện tích sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2015-2016, cần tích cực vận động nông dân chuyển đổi trồng cây màu trên nền đất lúa hạn chế thiếu nước tưới trong vụ hè thu 2016. Đối với những địa phương không xuống giống được vụ màu, nên cày ải, phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng và giảm nguy cơ bị ngộ độc hữu cơ… Lưu ý đảm bảo thời gian cách ly giữa vụ đông xuân 2015-2016 và hè thu 2016 ít nhất 3 tuần lễ.

Ngành nông nghiệp đã có lịch khuyến cáo thời vụ. Đối với gieo sạ lúa hè thu 2016: Đợt 1: Từ 22-3 đến 29-3 (nhằm ngày ngày 14-2 đến ngày 21-2 Âm lịch). Đợt 2: từ 20-4 đến 27-4 (nhằm ngày 14 -3 đến ngày 21-3 Âm lịch). Đối với gieo sạ rau màu vụ xuân hè/hè thu 2016: Từ nay đến hết ngày 30 -3, xuống giống ở vùng thu hoạch lúa sớm như Thốt Nốt, Ô Môn. Riêng các huyện chưa thu hoạch lúa đông xuân 2015 - 2016 thì xuống giống trong tháng 4 (hè thu chính vụ). Tại Hội nghị Triển khai công tác chống hạn và chỉ đạo sản xuất mùa vụ xuân hè trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ lưu ý: Các ngành chức năng cần đẩy mạnh vận động, khuyến cáo nông dân tập trung xuống giống lúa, rau màu theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp để giảm chi phí bơm tưới. Sử dụng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài ra, lãnh đạo UBND các cấp cần trực tiếp đi thăm đồng để có những chỉ đạo kịp thời, hiệu quả trong sản xuất nói chung và phòng chống hạn nói riêng. Đối với những trà lúa hè thu đã xuống giống, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ để có những giải pháp bảo vệ hoặc có những đề xuất, kiến nghị hỗ trợ chi phí bơm tưới nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán.

Hà Triều

Chia sẻ bài viết