18/02/2020 - 08:48

Nước mặn xâm nhập sớm ở Hậu Giang

Chủ động ứng phó trước những diễn biến phức tạp 

Nước mặn đã bắt đầu xâm nhập địa bàn tỉnh Hậu Giang từ cuối tháng 12-2019. Từ đó đến nay, nồng độ mặn trên các sông, kênh, rạch tại Hậu Giang luôn diễn biến thất thường, có chiều hướng tăng nhanh và xâm nhập sâu vào nội đồng. Trước tình trạng xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, người dân và các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại, nhất là trong cao điểm mùa khô 2020 sắp tới.

Nước mặn xâm nhập sớm

Những ngày trung tuần tháng 2-2020, người dân ở các địa phương thuộc huyện Long Mỹ đã hết sức lo lắng bởi mặn xâm nhập với triều cường lớn và độ mặn cao vào hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn. Có những thời điểm, kết quả quan trắc nồng độ mặn ở mức hết sức cao. Cụ thể, tại các điểm đo bến phà Ngan Dừa, kênh Đầm, cống Hóc Pó, cống Ba Cô (xã Lương Nghĩa), nồng độ mặn đo được từ 6o/oo đến hơn 18o/oo; kết quả đo tại kênh Mười Thước, kênh Thanh Thủy, kênh Trực Thăng, kênh 13 (xã Vĩnh Viễn A) dao động từ 3,8o/oo đến gần 14o/oo. Tình hình này có khả năng gây thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa.

Hệ thống công trình ngăn mặn trên địa bàn tỉnh sẵn sàng vận hành khi độ mặn tăng cao.

Cùng với nồng độ mặn tăng cao thì thủy triều bất thường từ Biển Tây đã làm cho huyện Long Mỹ có lúc “trở tay không kịp”. Do thủy triều trung tuần tháng 2-2020 lên cao, mức chênh lệch lớn đã dẫn đến sự cố vỡ 4 đập ngăn mặn cải tiến trên địa bàn huyện, một số hộ có ruộng lúa nằm dọc kênh bị nước mặn tràn vào.

Đến nay, huyện đã tập trung các nguồn lực khắc phục xong sự cố, thông báo để người dân không lấy thêm nước từ kênh, mương vào ruộng nhằm hạn chế thiệt hại. Dù đã khắc phục kịp thời nhưng một số diện tích sản xuất bị ảnh hưởng vì ruộng lúa đều nằm sát bờ kênh, một số gia đình làm đập thấp thì nước mặn tràn vào ruộng; một phần lúa bị ảnh hưởng một phần là do người dân gieo sạ trễ hơn so thời gian khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Có 7.000m2 lúa sắp đến kỳ thu hoạch, nhưng nước trong ruộng sắp cạn và độ mặn ngoài kênh vẫn ở mức cao, không thể lấy nước, ông Danh Lòng, ấp 10, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ lo lắng tình hình xâm nhập mặn sẽ nghiêm trọng như năm 2016, diện tích lúa của gia đình sẽ không đủ nước tưới, ảnh hưởng năng suất.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, cho biết do đỉnh triều giữa tháng 2 dâng cao đột ngột dẫn đến vỡ đập, nước có nồng độ mặn cao tràn bờ. Ngành nông nghiệp đã phối hợp với hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường khuyến cáo người dân không lấy nước vào đồng; đối với vườn cây ăn trái, tuyệt đối không để nước mặn vào trong mương.

Tuy nhiên, do thủy triều lên cao nên nước mặn đã tràn qua một số tuyến đê và đập ngăn mặn, làm một số kênh nội đồng, ruộng lúa nhiễm mặn, có khả năng ảnh hưởng cây trồng trên địa bàn thị trấn Vĩnh Viễn và các xã Vĩnh Viễn A, Lương Tâm, Lương Nghĩa, Xà Phiên.

Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, toàn huyện Long Mỹ xuống giống gần 18.000ha, cùng với đó là gần 1.300ha rau màu và diện tích cây ăn trái gần 4.000ha. Hiện nay, 825ha lúa trong giai đoạn làm đòng và trổ nằm ngoài đê bao, tiếp giáp với kênh nội đồng bị mặn tràn và xâm nhập, nồng độ mặn từ 0,5o/oo đến 4o/oo có khả năng bị thiệt hại.

Nồng độ mặn tăng bất thường

Trung tuần tháng 2-2020, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang ghi nhận độ mặn cao nhất do ảnh hưởng của triều Biển Đông, trên sông Cái Côn (huyện Châu Thành) đạt 4,2o/oo; trên kênh Mang Cá (thành phố Ngã Bảy) đạt 2o/oo. Đối với triều Biển Tây, độ mặn cao nhất xuất hiện lúc 10 giờ, ngày 11-2 tại cống kênh Lầu (TP Vị Thanh) là 7,4o/oo; tại đầu kênh Mười Thước (huyện Long Mỹ) là 14,4o/oo xuất hiện lúc 9 giờ, ngày 11-2; độ mặn cao nhất đo được tại UBND xã Lương Nghĩa là 18,6o/oo xuất hiện lúc 10 giờ, ngày 11-2.

Như vậy, so với cùng kỳ năm 2016, độ mặn tại sông Cái Côn, thành phố Ngã Bảy và kênh Hậu Giang 3 (ảnh hưởng từ triều Biển Đông) năm 2020 cao hơn từ 1,5o/oo đến 4,1o/oo. Đối với triều Biển Tây, so với cùng kỳ năm 2016, độ mặn đo tại UBND xã Lương Nghĩa cao hơn 9o/oo; tại kênh Mười Thước cao hơn 4,5o/oo...

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, dự báo năm 2020, xâm nhập mặn diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, mặn xâm nhập sớm ở cả triều Biển Đông và Biển Tây. Thời gian tới, diễn biến mặn trên cả triều Biển Đông và Biển Tây sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nhất là ở đợt triều cuối tháng 2, rằm tháng 3 âm lịch, tình hình xâm nhập mặn sẽ còn gay gắt, xâm nhập sâu, có khả năng sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Dự báo do mặn xâm nhập sớm và bất thường, địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ có hơn 35.000ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng và hơn 3.000 hộ dân có nguy cơ thiếu nước ngọt sử dụng...

Đóng cống, đập

Để bảo vệ gần 30.000ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ triều cường Biển Tây, các địa phương của tỉnh Hậu Giang như thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, đang theo dõi độ mặn thường xuyên và vận hành các công trình cống, đắp đập thời vụ kịp thời để ngăn mặn.

Cụ thể, trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, tỉnh đã đóng 16 cống hở ở xã Lương Nghĩa, xã Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ); xây dựng các đập thời vụ tại các xã có nguy cơ xâm nhập mặn cao trên địa bàn huyện Long Mỹ, hiện đã hoàn thành 43 đập và sẽ tiếp tục triển khai 27 đập giai đoạn 2.

Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang có 3 hệ thống công trình thủy lợi đã và đang xây dựng là đê bao Ô Môn - Xà No; hệ thống cống Nam Xà No; đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh với tổng số 100 cống hở, 11 cống tròn. Trong đó, đê bao Ô Môn - Xà No gồm 55 cống hở và 1 cống tròn, hệ thống cống Nam Xà No 16 cống hở, đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh 29 cống hở, 10 cống tròn.  Tỉnh đã thành lập được 5 tổ công nhân quản lý cống với 39 công nhân trực tiếp quản lý vận hành. Hiện nay, tỉnh đang tiếp nhận thêm 20 công nhân nữa để tiếp tục quản lý, vận hành những cống mới thuộc Nam Xà No và đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh.

Tại thành phố Vị Thanh, đến nay đã tiến hành đóng 20 cống ngầm, 6 cống hở dọc theo tuyến sông Nước Đục và sông Cái Lớn, nơi có nồng độ mặn tăng nhanh trong những ngày qua. Bên cạnh đó, thành phố tổ chức rà soát, sửa chữa nhiều đập thời vụ để sẵn sàng đắp lại khi độ mặn vượt mức 1,5o/oo.

 Ngành nông nghiệp đã phối hợp với hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường khuyến cáo người dân không lấy nước vào đồng khi xảy ra xâm nhập mặn. Đối với vườn cây ăn trái, tuyệt đối không để nước mặn vào trong mương. Đồng thời, người dân chủ động nạo vét kênh, mương, tạo độ sâu để tích trữ được nhiều nước ngọt, kết hợp tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách tiết kiệm.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, Văn phòng thường xuyên cập nhật diễn biến xâm nhập mặn trong khu vực và trên địa bàn tỉnh từ các cơ quan dự báo khí tượng, thủy văn Trung ương, địa phương; chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên kiểm tra, vận hành hệ thống cống, sẵn sàng đóng cống khi xảy ra xâm nhập mặn; khai thác hiệu quả số liệu từ các trạm đo mặn tự động.

Chủ động trữ nước ứng phó xâm nhập mặn

Ông Võ Thanh Hồng, ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết qua theo dõi thông tin, biết được năm nay xâm nhập mặn sớm nên trước khi bước vào mùa khô, gia đình ông đã nạo vét mương sâu hơn năm trước để chủ động trữ nước tưới cho 1,5ha khóm.

Vừa được ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 4.000m2 bưởi da xanh, ông Đặng Văn Út, ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, phấn khởi cho biết: Hệ thống tưới tiết kiệm nước này rất tiện lợi, tiết kiệm so với hệ thống tưới phun sương hoặc tưới bằng máy. Trong điều kiện hạn mặn, hệ thống này giúp đảm bảo lượng nước cho vườn cây.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ cho biết, trước tình hình xâm nhập mặn phức tạp như năm nay, ngành nông nghiệp huyện đã có sự chuẩn bị sớm hơn so với các năm trước như xuống đập thời vụ, thực hiện đóng cống ngăn mặn, lấy nước phục vụ lúa Đông Xuân. Huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát, kiểm tra, vận hành các công trình thủy lợi để trữ nước sinh hoạt và tưới tiêu; cập nhật diễn biến tình hình xâm nhận mặn để kịp thời thông báo, khuyến cáo, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất phù hợp, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Ngành thủy lợi thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các công trình ngăn mặn để đảm bảo vận hành; theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn, đặc biệt là trên hệ thống trạm đo mặn tự động để thông báo các địa phương có phương án vận hành các công trình kịp thời và thông báo đến người dân để bảo vệ sản xuất.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã kiểm tra và chỉ đạo thực tế một số công trình ngăn mặn trên địa bàn như duy tu, bảo trì hệ thống cống đập đảm bảo vận hành kịp thời khi có tình huống mặn xảy ra. Đồng thời, các đơn vị thường xuyên đo mặn theo dõi sát các hướng xâm nhập mặn từ triều Biển Tây và Biển Đông để thông báo kịp thời cho cán bộ các cấp, phổ biến cho người dân trên địa bàn tỉnh để người dân chủ động trong việc tích nước trong mương vườn phục vụ sản xuất.

Bài, ảnh: Hồng Thái (TTXVN)

Chia sẻ bài viết