04/09/2012 - 08:45

Đồng bằng sông Cửu Long

Chủ động ứng phó lũ năm 2012

Bài cuối: Để dân an tâm trong nhà vượt lũ

Song song với việc gia cố đê bao ứng phó với lũ, bảo vệ mùa màng thì để người dân có nơi ở an toàn, có kế sinh nhai trong mùa lũ cũng là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền địa phương các tỉnh ĐBSCL. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, chương trình nhà ở vượt lũ tại khu vực ĐBSCL đã triển khai 798 dự án, chia làm 982 cụm, tuyến dân cư và 73 bờ bao khu dân cư có sẵn cho tổng số 185.500 hộ được xét duyệt thuộc diện phải di dời vào các cụm tuyến dân cư nhằm tránh lũ, đảm bảo an toàn cuộc sống.

* An sinh trong mùa lũ

Đập kênh 8 sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất thu đông 2012 ở xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: PHỤNG TIÊN  

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ được triển khai trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL là Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ. Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, người dân trong cụm, tuyến đã được đảm bảo an toàn; thiệt hại do lũ lụt hầu như không có; chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn so với thời gian sống dọc bờ sông, kênh rạch.

Trên địa bàn tỉnh An Giang, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Xây dựng vận động đưa các hộ gia đình thuộc 3 đối tượng nghèo, cận nghèo và các gia đình chính sách vào ở trong cụm tuyến dân cư vượt lũ để đảm bảo an toàn tính mạng. Ông Trần Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Chương trình nhà ở cho dân cư vượt lũ thực hiện phương thức hỗ trợ người dân bằng nền nhà và nguồn vốn vay không lãi suất đã phát huy hiệu quả tích cực, điều này thu được kết quả cao nhất trong đợt lũ năm 2011. Chương trình giúp cho nhiều hộ nghèo trước đây thường xuyên bị lũ lụt, sạt lở đe dọa, bất an mỗi khi lũ về thì giờ đây họ vẫn sinh hoạt bình thường nếu có lũ. Người dân cũng sống chung với lũ một cách hiệu quả như khai thác nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi, tổ chức chăn nuôi, đánh bắt thủy sản.

Các hộ dân sống trong các cụm, tuyến dân cư tại tỉnh Đồng Tháp được hướng dẫn đào tạo nghề dệt chiếu, đan lác, đan lục bình, sửa chữa cơ khí, trồng các loại rau muống, rau nhút, khai thác bông điên điển ven sông. Tuy nhiên, nhiều hộ đã quen với tập quán sống gần sông nước, khai thác thủy sản tự nhiên theo mùa nên khó tiếp xúc với nghề mới, thiếu việc làm, thu nhập thấp. Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã hỗ trợ đưa những hộ gia đình thuộc diện 3 đối tượng vào ở trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, nhưng một số hộ nhận nhà xong lại đóng cửa đi nơi khác làm ăn, con số này chiếm tỷ lệ không nhỏ, từ 40%-50%. Trong mùa lũ năm nay, tỉnh đang có chủ trương thu hồi nhà của những hộ dân này để phân bổ mới cho những hộ đang thực sự cần nhà ở vượt lũ.

Trong 8 tỉnh thực hiện chương trình xây nhà vượt lũ cho người dân, thì Long An có tỷ lệ lấp đầy thấp nhất. Mặc dù vậy, khi những hộ dân đã chuyển vào sinh sống trong nhà vượt lũ, đời sống của họ ổn định hơn, vừa có thể tiếp tục chài lưới ven sông, vừa kết hợp với nghề mới được học tại cụm dân cư. Ông Tô Văn Tỏ, nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng (Long An) chia sẻ, ấp Cả Sách của xã Vĩnh Lợi có 155 hộ đều thuộc diện chính sách và hộ nghèo được cấp nền nhà. Cụm dân cư này đã lấp đầy từ năm 2005, đa số người dân đều được an cư lạc nghiệp. Dù không kiếm tiền nhiều như lúc sống dọc bờ kinh, nhưng ở đây họ vẫn có thể mua bán nhỏ, đan lác, đan lục bình có thêm thu nhập cùng với làm lúa.

Là người thuộc diện chính sách được phân bổ vào nhà vượt lũ của ấp Cả Sách, ông Nguyễn Văn An cho biết, gia đình ông chuyển đến cụm dân cư vào năm 2003, lúc này chưa có điện và nước sạch. Chính quyền ấp nhờ công ty điện lực hỗ trợ đồng hồ chung, kéo điện cho tất cả các hộ, mượn đường ống kéo nước về cho các hộ dân. Về sau, trong ấp có điện, nước sạch, trường học, trạm y tế nên người dân an tâm, trẻ đi học không còn lội ruộng, giảm thiểu thiệt hại về người khi lũ lớn, người dân an cư lạc nghiệp hơn.

* Vẫn còn thiếu những “căn nhà vượt lũ”

Dù chương trình xây nhà vượt lũ cho người nghèo và cận nghèo, người dân sống trong khu vực sạt lở được thực hiện từ lâu, với số lượng công trình không nhỏ, nhưng cho đến nay, vẫn còn những khu vực đang rất cần nhà vượt lũ.

Điển hình như ấp Vĩnh Phát, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú (An Giang) có 301 hộ dân với 1.460 nhân khẩu. Nhưng cho đến nay, người dân trong ấp này vẫn sống với 5 không (không đường, không điện, không nước, không trường, không trạm y tế). Những hộ này sống dọc theo kênh Vĩnh Lợi với bờ bao cao không quá 2 mét. Hàng năm lũ về, những người dân phải kê chống nhà cửa lên cao, dù hầu hết những căn nhà này được dựng theo kiểu nhà sàn chống lũ. Ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc, cho biết trong đợt lũ 2011, hầu như người dân nơi đây đều phải sơ tán đi nơi khác do nhà cửa đều bị tốc mái. Những hộ này cần phải di chuyển vào các cụm, tuyến dân cư cho an toàn, đảm bảo cuộc sống, nhưng chương trình xây nhà vượt lũ giai đoạn 2 của tỉnh vẫn không đáp ứng được nhu cầu số hộ muốn vào khu dân cư vượt lũ.

Dọc kênh 79, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng (Long An) có từ 500-600 hộ dân sinh sống. Trong đó, số hộ có hộ khẩu chiếm đến 70%. Nhưng cho đến nay, họ vẫn “oằn lưng” chống lũ mỗi khi lũ về vì không có nhà ở vượt lũ dù họ rất muốn vào. Anh Ngô Thanh Phong, người sống tại xã này hơn 10 năm cho biết, cho đến nay, gia đình anh vẫn sống trên ngôi nhà tạm dựng dọc kênh 79 dù đã có hộ khẩu được 10 năm nay. Hàng năm vào mùa lũ, gia đình phải kè chống nhà, kê giường cao hơn để ở, không có nước sạch để sử dụng, phải kéo nước sông làm nước nấu nướng. Anh có nguyện vọng được vào nhà ở vượt lũ, dù phải mua nhà với giá cao nhưng cho phép trả chậm, gia đình anh vẫn đồng ý. Với anh, như vậy vẫn an toàn cho gia đình và con cái hơn là ở tạm bợ trên căn nhà dựng bên sông.

Bên cạnh đó, vẫn còn những hộ dân, dù đã được vào ở trong cụm dân cư, nhưng cho đến nay họ vẫn sống với cảnh không có nước sạch. Anh Ngô Thanh Tuấn, ở ấp Ngã Tư, xã Hưng Điền B, cho biết anh là hộ mua nền sinh lợi đã 3 năm, công ăn việc làm thỏa đáng. Tuy nhiên, trọng cụm dân cư này vẫn thiếu nước sạch và thiếu điện sử dụng. Nhà anh lắp đồng hồ nước đã hơn 1 năm, nhưng cho đến nay, gia đình vẫn không có nước sạch sử dụng, đồng hồ nước vẫn thể hiện rõ ràng một dãy số không trên mặt. Mặt khác, ấp này thiếu trường mầm non cho trẻ. Con anh năm nay được 3 tuổi, nhưng vì lý do nộp hồ sơ trễ 2 tuần nên trường không nhận. Dù anh muốn cho con đi học ở trường khác cũng không được. Tại ấp chỉ có một trường mầm non duy nhất, với sức chứa 300 trẻ, nhưng cả ấp hiện nay có tới 500 trẻ đang độ tuổi đi học mầm non. Chị Nguyễn Thị Phượng, ngụ cùng ấp với anh Tuấn, rút kinh nghiệm từ các hộ khác: Trong căn nhà trên cụm dân cư, chị chỉ dùng để ở, thay vì lắp đồng hồ nước, chị xây hẳn 2 hồ chứa nước mưa để sử dụng, không phải bơm nước sông, vừa xa vừa không sạch.

Ông Hồ Văn Dân, Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết, toàn huyện có 3.500 hộ với 51.000 dân. Trong đó người địa phương khác chuyển đến chiếm 2.500 hộ, chính quyền địa phương chỉ mới giải quyết nhà ở vượt lũ cho những người dân của huyện. Hiện nay, địa phương đang điều chỉnh, thu hồi nhà của những hộ đã nhận nền nhưng bỏ trống, đi làm ăn xa để cấp lại cho những người có nhu cầu.

HỒNG NHUNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết