(TTXVN)- Ngày 26-9, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn số 1794/CĐ-TTg gửi các Bộ; Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố; các tập đoàn và cơ quan báo đài Trung ương.
Công điện nêu rõ: Đêm ngày 26-9, bão số 9 sẽ di chuyển vào khu vực biển Đông, với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây -Tây Bắc. Như vậy, tối 28-9 và ngày 29-9, bão số 9 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển nước ta. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 9 hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu:
1. UBND các tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ: Thanh Hóa. Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục lại các cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, phục hồi sản xuất, tổ chức động viên thăm hỏi và hỗ trợ cho các gia đình có người bị chết, bị thiệt hại, sớm ổn định đời sống nhân dân.
2. UBND các tỉnh ven biển phối hợp với Bộ đội Biên phòng thông báo cho các chủ phương tiện và tàu thuyền trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão và vùng biển nguy hiểm do bão được xác định từ phía Bắc Vĩ tuyến 15, để chủ động di chuyển đến nơi tránh trú bão an toàn. UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và diễn biến của bão, quyết định việc cấm không cho tàu thuyền ra khơi; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản neo đậu an toàn trong các khu tránh trú bão.
3. UBND các tỉnh Bắc Trung bộ và Bắc bộ trong một hai ngày tới tạm hoãn các hội họp chưa cần thiết, huy động lực lượng khẩn trương thu hoạch các trà lúa đã chín, để giảm thiệt hại về mùa màng, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tranh thủ tháo nước đệm, chuẩn bị phương tiện sẵn sàng bơm nước chống úng bảo vệ lúa khi có mưa lớn; triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa, các công trình xây dựng trên sông, ven sông, ven biển, đặc biệt là các hồ chứa lớn đang xây dựng tại khu vực miền Trung; chủ động di dời những hộ dân đang sinh sống trong vùng nguy hiểm do lũ quét, sạt lở đất và vùng thường xuyên bị ngập sâu đến nơi an toàn; hướng dẫn nhân dân trong vùng có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với tình huống bị chia cắt dài ngày; đồng thời bố trí trực ban 24 trên 24 giờ, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão số 9, xử lý kịp thời các tình huống bất lợi do bão, lũ gây ra.
4. Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Trung ương và địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn trên biển và trên đất liền khi có yêu cầu.
5. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng và nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương làm tốt các việc sau: giúp dân thu hoạch nhanh mùa màng, đảm bảo an toàn cho du khách du lịch, duy trì thông tin liên lạc, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống, giúp đỡ các tỉnh bị thiệt hại nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân và phục hồi sản xuất, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bão số 9 có hiệu quả.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời về Bão số 9 cho Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, các cơ quan thông tin đại chúng và các bộ ngành liên quan để chỉ đạo và đưa tin kịp thời những diễn biến của bão cho các địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng tránh.
7. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng, thường xuyên thông báo diễn biến của bão số 9 cho các bộ ngành, địa phương và nhân dân biết đề chủ động phòng, tránh.