Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Ðiện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) tổ chức mới đây, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), Trưởng Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh: Chuyển đổi số phải chủ động, sáng tạo đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra.
Thực hiện công tác chuyển đổi số, mọi giao dịch về điện của khách hàng thuận tiện và nhanh chóng. Trong ảnh: khách hàng giao dịch tại Điện lực Ninh Kiều, thuộc PC Cần Thơ.
Năm 2021, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) chọn chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Ðiện lực Quốc gia Việt Nam” và phấn đấu đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. Tính đến ngày 15-8-2021, các đơn vị trong toàn tập đoàn đã hoàn thành 369/1.172 nhiệm vụ thực hiện Ðề án chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các nhiệm vụ hoàn thành chủ yếu trong lĩnh vực quản trị (125 nhiệm vụ).
Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác chuyển đổi số, Công ty Ðiện lực TP Cần Thơ (PC Cần Thơ) triển khai kế hoạch thực hiện, trong đó phân công cụ thể nhiệm vụ các phòng ban, đơn vị về chuyển đổi số. Theo đó, PC Cần Thơ xây dựng kế hoạch xác định rõ mục tiêu, là ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông dùng riêng để cải tiến phương thức điều hành quản trị doanh nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng nhằm xác định được lộ trình, cơ cấu nguồn lực hợp lý đảm bảo đáp ứng các mục tiêu đề ra bao gồm: PC Cần Thơ hướng tới là một doanh nghiệp số, lấy khách hàng/người sử dụng dịch vụ điện làm trung tâm; cung cấp các dịch vụ trực tuyến, minh bạch; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để điện tử hóa các quy trình trong nội bộ và các giao dịch với khách hàng/đối tác; triển khai thành công các ứng dụng dùng chung có tính liên kết, tích hợp trục liên thông của ngành theo tiến độ, đồng thời nghiên cứu xây dựng phát triển các phần mềm đặc thù chú trọng trên nền tảng ứng dụng di động đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số của PC Cần Thơ.
Ông Huỳnh Hữu Kỳ, Phó Giám đốc PC Cần Thơ cho biết, để đạt được các mục tiêu, PC Cần Thơ xây dựng lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022 và các năm tiếp theo với các yếu tố trọng tâm cần phải thực hiện. Theo đó, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức của từng người lao động trong toàn PC Cần Thơ. Xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo các cấp và toàn thể người lao động. Thực hiện “Số hóa Dữ liệu” với mục tiêu “Một hạ tầng, Một cơ sở dữ liệu”, thống nhất 1 nền tảng hạ tầng chung, đồng nhất về công nghệ, về giải pháp kỹ thuật và quản trị cơ sở dữ liệu dùng chung. Chuẩn hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh thu thập, khai thác, phân tích dữ liệu từ hiện trường, kết nối với các hệ thống điều khiển/giám sát/vận hành để nâng cao giá trị dữ liệu được thu thập, đáp ứng mục tiêu của chuyển đổi số. “Số hóa khách hàng”, đó là lấy khách hàng là trung tâm, cung cấp các dịch vụ gia tăng, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” trên không gian số, không ngừng nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng. “Số hóa quy trình nghiệp vụ”, đẩy mạnh cải cách quy trình nghiệp vụ phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Trong công tác quản trị nội bộ lấy người lao động làm trung tâm để xây dựng các ứng dụng số, cải tiến công việc bằng giải pháp mới cho việc sàng lọc, tìm kiếm và chia sẻ thông tin, hỗ trợ tốt nhất cho công việc và tiết kiệm thời gian, sức lao động. Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông dùng riêng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin các cấp đáp ứng tính sẵn sàng cho lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022.
Trước khó khăn, thách thức của chuyển đổi số trong hoạt động đầu tư - xây dựng, sản xuất, kinh doanh & dịch vụ khách hàng của tập đoàn, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN đề nghị, các đơn vị phải thực sự chủ động và sáng tạo trong huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số; chủ động lựa chọn, triển khai các nội dung, công cụ chuyển đổi số thích hợp với điều kiện của đơn vị mình. Xem xét cho phép các đơn vị xây dựng các phần mềm riêng phục vụ công việc của đơn vị mình, trên cơ sở phù hợp hệ sinh thái số chung toàn EVN. Ðối với các phần mềm, ứng dụng đã được các đơn vị hoàn thành xây dựng, vận hành ổn định, cần xây dựng các quy trình, hướng dẫn sử dụng để trao đổi, chia sẻ cho các đơn vị khác để tham khảo, học tập... Ðặc biệt, lãnh đạo các đơn vị phải thực sự quan tâm, sâu sát hơn nữa trong công tác chuyển đổi số tại đơn vị mình, để công tác chuyển đổi số trong toàn tập đoàn đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng đề ra. Ông Dương Quang Thành cũng yêu cầu, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các kết luận của Ban Chỉ đạo tại phiên họp thứ nhất, đặc biệt chú trọng thông tin, tuyên truyền, vận động mỗi cán bộ công nhân viên trong toàn tập đoàn khơi dậy khát vọng chuyển đổi số, không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi, cập nhật kiến thức về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, góp phần cùng tập đoàn chuyển đổi số thành công.
Bài, ảnh: KHÁNH NAM