28/09/2012 - 08:54

Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Cán bộ Trung tâm y tế dự phòng TP Cần Thơ kiểm tra dụng cụ chứa nước của người dân ở ấp Thới An B, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, từ đầu năm đến ngày 26-9-2012, thành phố ghi nhận 699 ca sốt xuất huyết (SXH) tăng 128 ca so với cùng kỳ. Địa bàn có số ca mắc bệnh SXH nhiều là các quận: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt và các huyện: Cờ Đỏ, Phong Điền. Trong 8 tháng đầu năm 2012, xuất hiện 118 ổ dịch SXH nhỏ. Hiện nay, ngành y tế đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, góp phần hạn chế bệnh lây lan trên diện rộng…

Mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, gây lây lan bệnh SXH. Vì thế, ngành y tế thành phố đã chủ động tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân diệt muỗi, lăng quăng bằng các biện pháp dân gian. Đồng thời, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất ở những địa phương có nguy cơ SXH cao. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố còn cử cán bộ giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc xử lý các ổ dịch nhỏ ở các địa phương tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ông Nguyễn Hồng Đắc, Phó Trưởng trạm Y tế xã Giai Xuân, huyện Phong Điền cho biết, từ đầu năm đến ngày 26-9, xã có 9 ca SXH, trong đó có 2 ổ dịch. Những ca SXH thường tập trung ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi. Ấp Thới An B là 1 trong 2 ấp vừa xảy ra ổ dịch SXH. Mặc dù, thời gian qua, Trạm y tế xã Giai Xuân luôn tích cực triển khai công tác phòng chống dịch, chú trọng công tác tuyên truyền trên Đài truyền thanh xã về cách phòng, chống dịch bệnh như: thả cá vào lu nước, cho trẻ mặc quần dài tránh muỗi... Những nơi xảy ra ổ dịch SXH, chính quyền địa phương và ngành y tế vận động từng hộ dân hợp tác dập dịch. Thường 1 ổ dịch, cán bộ y tế phải phun 2 lần thuốc, mỗi lần cách nhau từ 7 đến 10 ngày. Trước khi phun thuốc, phải vận động các hộ dân tích cực diệt lăng quăng, làm vệ sinh môi trường, khi kiểm tra đạt yêu cầu, mới tiến hành phun thuốc.

Tuy nhiên, do người dân còn chủ quan nên trẻ vẫn bị bệnh SXH. Như trường hợp em Nguyễn Hồng Yến (11 tuổi, ở ấp Thới An B), bị SXH phải nghỉ học 2 tuần, do em mải xem ti-vi, ngủ quên và bị muỗi đốt. Chị Nguyễn Thị Hồng Nguyên (mẹ em Yến), cho biết: "Tôi rất sợ con bị bệnh SXH nên thường xuyên vệ sinh xung quanh nhà cửa, nuôi cá diệt lăng quăng. Thế nhưng, do sơ suất nên để cháu Yến bị muỗi chích. Vài ngày sau, cháu có biểu hiện nóng sốt, tôi đưa cháu đi khám bệnh mới biết bị SXH. Giờ cháu đã khỏe hẳn và đi học bình thường". Sau khi được cán bộ y tế xử lý ổ dịch và hướng dẫn cách phòng, chống dịch, hiện nay, những lu khạp chứa nước ở nhà chị Nguyên được diệt sạch lăng quăng. Những gốc tre quanh nhà được đắp đất, tránh tình trạng mưa xuống, ứ đọng nước, là nơi muỗi thường đẻ trứng, sinh ra lăng quăng. Bác sĩ Phạm Thành Dễ, Cán bộ Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, cho biết: "Khi xảy ra ổ dịch, chúng tôi đến tận nơi kiểm tra công tác xử lý dịch xem địa phương làm đúng không. Trước kia, một số địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu công tác này, chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng cao. Nhờ ngành tăng cường công tác kiểm tra giám sát nên việc xử lý ổ dịch bệnh có chuyển biến đáng kể".

Bên cạnh sự lơ là của một số ít hộ dân, đa số gia đình luôn chủ động phòng chống bệnh SXH. Bà Nguyễn Thị Hồng, ở ấp Thới An B, nói: "Nhờ có cán bộ y tế tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, tôi mới biết được các nguyên nhân gây ra bệnh SXH. Vì thế, hằng tuần, tôi đều chùi rửa, làm vệ sinh 3 lu nước phía trước nhà, vì sợ có lăng quăng. Tôi luôn chú ý cẩn thận trông chừng cháu nhỏ lúc chạy nhảy, vui đùa và phải ngủ mùng, không để bị muỗi chích.

Phần lớn người dân nông thôn có thói quen sử dụng lu, khạp chứa nước mưa để dùng trong sinh hoạt hằng ngày… Nếu không được che đậy, thả cá diệt lăng quăng, thì đó là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển và là nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, ý thức người dân vẫn là điều tiên quyết trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bác sĩ Phạm Thành Dễ cho biết: "Người dân có tìm hiểu về bệnh SXH nhưng một bộ phận vẫn chưa hoàn toàn thay đổi hành vi, còn chủ quan, lơ là, chưa quan tâm đến việc phòng chống dịch. Chẳng hạn, khi đoàn xuống kiểm tra, vẫn còn nhiều hộ dân chưa thực hiện tốt và đây là một thách thức trong công tác phòng chống dịch bệnh".

Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, biện pháp tốt nhất là chủ động phòng chống dịch bệnh bằng những hành động nhỏ nhưng hữu hiệu, như: thường xuyên cọ rửa lu khạp, nhà cửa thông thoáng, nên lật úp các vật phế thải như: vỏ dừa, lon nước, không để lăng quăng trú ngụ, ngủ mùng kể cả ban ngày… có như thế bệnh SXH mới được đẩy lùi triệt để.

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết