06/10/2021 - 06:01

Sản xuất lúa đông xuân 2021-2022

Chủ động né hạn mặn và giảm chi phí sản xuất 

Năm nay lũ nhỏ, mùa khô năm 2021-2022 dự báo nước mặn xâm nhập sớm và khốc liệt, Bộ Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn  (NN&PTNT) yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL chủ động xuống giống sớm lúa đông xuân 2021-2022 để né hạn mặn vào cuối vụ...

Xuống giống sớm né hạn mặn

Để tiêu diệt các mầm sâu bệnh và tránh lúa đông xuân 2021-2022 bị ngộ độc hữu cơ, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch lúa vụ thu đông cần vệ sinh đồng ruộng, làm đất thật kỹ, đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ lúa. Trong ảnh: Thu hoạch lúa thu đông 2021 ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Để tiêu diệt các mầm sâu bệnh và tránh lúa đông xuân 2021-2022 bị ngộ độc hữu cơ, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch lúa vụ thu đông cần vệ sinh đồng ruộng, làm đất thật kỹ, đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ lúa. Trong ảnh: Thu hoạch lúa thu đông 2021 ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Vụ lúa đông xuân 2021-2022, vùng ĐBSCL dự kiến gieo sạ 1,52 triệu héc-ta, với năng suất ước đạt 72,52 tạ/ha và sản lượng hơn 11,024 triệu tấn.

Để chủ động né hạn mặn vào cuối vụ, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL đẩy sớm thời vụ gieo sạ lúa đông xuân 2021-2022. Các địa phương ven biển nguy cơ bị hạn mặn cao, khẩn trương gieo sạ sớm ngay từ tháng 10-2021. Theo đó, xuống giống gieo sạ sớm từ ngày 10 đến 30-10-2021 ở những địa phương ven biển ĐBSCL có nguy cơ cao bị hạn, mặn cuối vụ như các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang, với tổng diện tích khoảng 400.000ha (chiếm 25% diện tích theo kế hoạch). Từ ngày 1-11 đến 30-11-2021, xuống giống khoảng 700.000ha (chiếm 46% diện tích theo kế hoạch)  cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển. Từ ngày 1-12 đến 31-12-2021, tiếp tục xuống giống khoảng 400.000ha cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển...

Bố trí thời vụ như trên và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt theo từng tiểu vùng, gắn với bố trí cơ cấu giống phù hợp và vận hành tốt các công trình thủy lợi sẽ đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn và nâng cao được hiệu quả sản xuất. Đối với vùng cách biển từ 20-30km, Bộ NN&PTNT khuyến cáo ưu tiên sử dụng các giống lúa chịu mặn và ngắn ngày (90 ngày). Vùng cách biển 30-70km, ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng 90-105 ngày. Vùng thượng lưu, ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao…

Thời tiết những tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 tiếp tục có những diễn biến bất thường do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Thể hiện rõ nhất gần đây là lũ đầu nguồn và mực nước kênh nội đồng ở mức thấp, lượng mưa phân bố không đều xen kẽ với các đợt nắng nóng gay gắt... Với điều kiện thời tiết thay đổi như vậy, dự báo sẽ tạo thuận lợi có một số đối tượng dịch hại phát triển, gây hại cho lúa. Đặc biệt, với tình hình lũ ở mức thấp đã làm suy giảm cơ hội sử dụng lũ để cải tạo đồng ruộng, tiêu diệt các mầm sâu bệnh và bồi bổ phù sa màu mở cho đồng ruộng giúp lúa trúng mùa, nhẹ chi phí phân bón. Tình trạng thiếu nước do lũ thấp cũng tạo điều kiện cho xâm nhập mặn diễn ra sớm và gay gắt trong mùa khô 2021-2022. Dự báo đỉnh lũ năm nay xuất hiện vào giữa cuối tháng 10 tại Tân Châu - An Giang với mức khá thấp, chỉ 2,8-3,1m. Theo Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có khả năng đến sớm từ tháng 12-2021, với khả năng ảnh hưởng đến 20-30km tại các vùng ven biển. Tháng 1 và tháng 2, ranh mặn 4g/l xâm nhập 50-65km, thậm chí nếu hạn chế xả nước thượng lưu, mặn có thể xâm nhập sâu đến 55-70km, cao hơn năm 2020 từ 5-7km.

Giảm chi phí, nâng cao chất lượng lúa

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, vụ đông xuân 2021-2022, chú ý giảm chi phí đầu vào, tập trung giảm giống và sử dụng phân bón hợp lý. Đặc biệt, giảm giống lúa là tiền đề rất quan trọng để giảm các chi phí về sau, giúp giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động. Trong chi phí cấu thành giá thành sản xuất lúa, phân bón chiếm khoảng 25% và công lao động cũng chiếm tới 25% và giống chiếm khoảng 10% nên chúng ta cần giảm các chi phí này, nhất là khi giá phân bón đang tăng lên rất cao.

Thời gian qua, nhờ bố trí lịch thời vụ phù hợp, tăng cường sản xuất lúa chất lượng cao và ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên nông dân đã giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nên có đầu ra sản phẩm thuận lợi. Đây là những bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn để các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục sản xuất thành công vụ lúa đông xuân 2021-2022. Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết, địa phương không chỉ quan tâm hỗ trợ nông dân áp dụng cơ giới  hóa và các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất mà còn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường sản xuất các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao. Song, để giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tỉnh  rất mong các bộ ngành Trung ương có giải pháp kéo giảm giá phân bón và quản lý giá cả, chất lượng các loại giống vật tư nông nghiệp nói chung. Vụ đông xuân 2021-2022 tỉnh Kiên Giang có kế hoạch gieo trồng hơn 283.000ha lúa, với sản lượng dự kiến đạt 2,1 triệu tấn. Để né hạn mặn vào cuối vụ, Kiên Giang xây dựng kế hoạch xuống giống sớm và dự kiến gieo sạ dứt điểm lúa đông xuân vào cuối tháng 12-2021. Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết vụ đông xuân tỉnh có kế hoạch gieo trồng 50.000ha lúa, trong đó tập trung xuống giống phần lớn các diện tích trong tháng 10 và 11, còn lại khoảng 5.000ha sẽ xuống giống dứt điểm trong tháng 12-2021.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, vụ đông xuân 2021-2022, TP Cần Thơ dự kiến xuống giống gieo trồng 76.290ha lúa, với sản lượng ước đạt 548.960 tấn. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp và năm nay lũ thấp, hạn mặn có khả năng xảy ra gay gắt, TP Cần Thơ chủ động xây dựng kế hoạch để bố trí gieo trồng sớm vụ đông xuân 2021-2022. Tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chuẩn bị nguồn giống và thực hiện các giải pháp chủ động giảm chi phí, nâng cao chất lượng và giá bán sản phẩm để có vụ mùa thắng lợi.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất  trồng trọt vụ thu đông, vụ mùa  năm 2021 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 tại vùng Nam Bộ vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và địa phương thực hiện tốt giải pháp về thời vụ và bố trí cơ cấu giống phù hợp trong vụ đông xuân 2021-2022 để né hạn, mặn. Đặc biệt, cần đẩy sớm thời vụ, gieo sạ sớm 400.000ha tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL ngay trong tháng 10-2021. Tháng 11-2021, toàn vùng ĐBSCL tập trung xuống giống 700.000ha, diện tích còn lại cố gắng xuống giống gọn trong tháng 12-2021. Về cơ cấu giống lúa, tập trung sản xuất các nhóm giống chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và các loại lúa  thơm, đặc sản có phân khúc thị trường rộng mở. Vùng ven biển chú ý gieo sạ các giống lúa chất lượng và ngắn ngày để giảm rủi ro do hạn mặn. Về kỹ thuật canh tác, các địa phương cần hết sức chú ý vấn đề giảm chi phí, vì dư địa tăng năng suất không còn nhiều, muốn nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho lúa gạo Việt Nam phải tập trung nâng cao chất lượng, giảm giá thành...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết