26/07/2016 - 20:44

Chủ động chăm sóc và bảo vệ lúa thu đông

Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã xuống giống hơn 70.630 ha lúa thu đông 2016, vượt hơn 33% kế hoạch, cao hơn 3.314ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện nông dân tại một số địa phương vẫn tiếp tục xuống giống lúa, do vậy dự kiến diện tích lúa thu đông năm nay còn tiếp tục tăng. Để đảm bảo vụ lúa thu đông thắng lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ (NN&PTNT) tích cực khuyến cáo nông dân quan tâm thực hiện các biện pháp nhằm chủ động trong sản xuất, thu hoạch để phòng tránh thiệt hại.

Nông dân TP Cần Thơ chăm sóc lúa thu đông 2016. Ảnh: ANH KHOA

Còn nhiều mối lo

Sau khi đối mặt với tình trạng nắng nóng và hạn hán xảy ra nghiêm trọng trong những tháng đầu năm 2016, diện tích sản xuất lúa của nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL giảm. Với mong muốn có thể gia tăng sản xuất nhằm cải thiện thu nhập, nhất là khi nguồn thu từ 2 vụ lúa đầu năm giảm, nhiều nông dân đã quyết tâm phát triển sản xuất lúa vụ 3 với hy vọng sẽ có được vụ mùa bội thu. Bộ NN&PTNT đã chủ trương khuyến khích các địa phương có điều kiện tại ĐBSCL tập trung phát triển, mở rộng diện tích sản xuất lúa thu đông 2016 để vừa tạo điều kiện cải thiện thu nhập cho nông dân, vừa góp phần gia tăng sản lượng lúa gạo và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản cho cả nước. Theo nhiều nông dân đã gieo sạ vụ thu đông tại TP Cần Thơ, các trà lúa đang phát triển khá tốt, ít sâu bệnh và nước lũ cũng chưa về nhiều nên nhiều thuận lợi cho bà con trong chăm sóc, bảo vệ lúa. Tuy nhiên, thời tiết vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt nhiều cơn mưa xuất hiện gần đây thường khá lớn, kèm theo giông lốc mạnh, lúa dễ bị đổ ngã trong giai đoạn từ làm đòng đến chín. Nông dân cũng lo không biết tình hình nước lũ tới đây thế nào và giá cả đầu ra của lúa gạo hàng hóa khi bước vào vụ thu hoạch có thuận lợi.

Bà Phan Thị Muống, ngụ ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: "Bỏ đất trống uổng phí quá mà chưa tìm được phương kế nào khác để kiếm thu nhập, vụ thu đông này gia đình tôi quyết định gieo sạ hết 25 công ruộng. Lúa đã được hơn 30 ngày tuổi và đang phát triển khá tốt, ít sâu bệnh. Gần đây, trời có mưa nhiều nên cũng ít phải tốn công và chi phí bơm tưới nước cho lúa. Nhưng tôi sợ tới đây, khi lúa trổ và chín nếu có gió mạnh, lúa đổ ngã sẽ thiệt hại về năng suất và ảnh hưởng giá bán". Theo ông Thái Văn Chung, ngụ phường Long Hưng, quận Ô Môn, vụ hè thu vừa rồi gia đình không trồng lúa mà sản xuất mè trên nền đất lúa, nên đã rút ngắn được thời gian mùa vụ, giúp sản xuất lúa thu đông tránh được nguy cơ ảnh hưởng của lũ sớm. Ông Chung đã xuống giống 5 công lúa từ giữa tháng 6-2016 và hy vọng lúa vụ này ít bị ảnh hưởng của thiên tai và đầu ra lúa hàng hóa được thuận lợi.

Những lo lắng trên của bà con nông dân là hoàn toàn có cơ sở, bởi ngay trong vụ hè thu 2016 vừa qua, nhiều bà con cứ nghĩ sẽ trúng mùa được giá, nhưng mọi chuyện đã thay đổi vào "phút cuối". Theo nhiều nông dân, khi lúa hè thu 2016 còn trên đồng, thương lái đến đặt cọc mua lúa tươi của nông dân trước ngày thu hoạch khoảng 10-15 ngày, với giá 4.700 đồng/kg nhưng đến lúc lúa chín gặp phải những trận mưa lớn liên tiếp kèm theo gió mạnh đã làm nhiều diện tích lúa bị thiệt hại năng nề. Nhiều ruộng lúa bị đổ ngã, ngập nước và không được thu hoạch kịp thời đã nẩy mầm ngay trên đồng và thất thoát lúa rất nhiều. Chất lượng lúa cũng giảm nên thương lái đã hạ giá thu mua xuống mức 3.900-4.100 đồng/kg. Do vậy, việc chủ động phòng tránh những rủi ro là rất cần thiết, nhất là trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trong vụ sản xuất lúa thu đông.

Tích cực chăm sóc, bảo vệ lúa

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hầu hết các trà lúa thu đông đang phát triển tốt. Sở đã khuyến cáo nông dân và chính quyền các quận, huyện cần thường xuyên thăm đồng và tích cực thực hiện các biện pháp nhằm chủ động phòng tránh sâu bệnh và các tác động bất lợi của thời tiết, thiên tai, nhằm bảo đảm vụ lúa thu đông thắng lợi. Hiện nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã xuống giống hơn 70.600 ha lúa thu đông 2016 và tới đây sẽ gieo sạ thêm gần 3.000 ha, chủ yếu tập trung ở khu vực phía bắc Kênh Cái Sắn thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Các quận, huyện và phòng nông nghiệp cũng đang theo dõi chặt chẽ và thông báo kịp thời diễn biến của thời tiết, khí tượng thủy văn cho nông dân. Đồng thời rà soát, giám sát diện tích xuống giống lúa ở những khu vực đê bao chưa hoàn chỉnh, củng cố các đê bao, chủ động chuẩn bị phương tiện bơm tát, nhất là bơm tát tập thể để chống ngập úng, bảo vệ lúa. Hướng dẫn nông dân các giải pháp kỹ thuật để quản lý dịch hại một cách hiệu quả, bền vững, thân thiện môi trường…

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, lưu ý: "Trong vụ thu đông thường có mưa bão, bà con cần chú ý bón phân cân đối, không bón thừa đạm, lúa dễ bị đổ ngã ảnh hưởng cả cho năng suất và chất lượng. Trong vụ lúa này, nhiều sâu bệnh như: bệnh đạo ôn, cháy bìa lá… dễ phát sinh, nông dân cần chú ý phòng trừ bệnh từ sớm, ưu tiên các giải pháp kỹ thuật sinh học, cơ học và vật lý. Khi thật sự cần thiết mới sử dụng giải pháp hóa học (phun thuốc) nhưng phải tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" nhằm đảm bảo tốt hiệu quả và tránh ảnh hưởng môi trường. Các địa phương cần vận động nông dân không phun thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi theo kiểu phun để phòng ngừa sâu bệnh. Đồng thời kết hợp với Chi cục thủy lợi thành phố và các đơn vị có liên quan trong rà soát hệ thống thủy lợi để kịp thời gia cố, sửa chữa, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra". Sở cũng đề nghị các địa phương rà soát những khu vực nông dân tham gia mô hình "cánh đồng lớn" và tình hình thực hiện các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ lúa để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp phát triển mô hình và tạo thuận lợi đầu ra sản phẩm cho nông dân.

Trong những tháng đầu năm 2016, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu kết hợp với hiện tượng El Nino, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về hạ lưu giảm đã làm cho các địa phương vùng ĐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ, phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Hiện nay, tình hình hạn hán không còn tiếp diễn tại thành phố nhưng các chuyên gia cảnh báo, sau El Nino thường sẽ xuất hiện La Nina gây mưa lớn, nếu kết hợp lũ sớm có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu cho vụ thu đông trong giai đoạn lúa thu hoạch. Điều này đòi hỏi nông dân cũng cần chủ động chuẩn các phương tiện thu hoạch, bảo quản lúa ngay từ bây giờ.

Khánh Trung

Chia sẻ bài viết