09/04/2022 - 14:31

Chồng vô tâm... 

Trong cuộc sống hôn nhân, có lẽ một trong những điều khiến người vợ buồn và tủi thân nhất chính là sự vô tâm của chồng. Sống cùng một mái nhà nhưng nếu không có sự sẻ chia từ người phối ngẫu sẽ khiến tình cảm dần nguội lạnh. Hằng ngày đối diện sự cô đơn với bao áp lực vây quanh, nhiều phụ nữ chán nản, đành chọn giải pháp chia tay. Nỗi khổ có chồng vô tâm, chỉ người trong cuộc mới thấm thía…

Vợ chồng cần có sự quan tâm, chia sẻ để tình cảm thêm gắn bó (ảnh mang tính minh họa).

Vợ chồng cần có sự quan tâm, chia sẻ để tình cảm thêm gắn bó (ảnh mang tính minh họa).

Sau 18 năm chung sống, chị C ở quận Ninh Kiều quyết định ly hôn. Đối với chị C, có lẽ đây là lần tổn thương sâu sắc nhất trên chặng đường hôn nhân đầy nước mắt.

Trước đây, chị C lấy chồng qua mai mối. Hạnh phúc được chừng vài năm thì chồng bắt đầu đổi tính, bay nhảy. Sau giờ làm việc, anh bù khú với bạn bè, thường đi qua đêm. Chị C góp ý, nhờ người thân khuyên nhủ nhưng không kết quả. Hai đứa con ra đời, chị C càng thêm áp lực, vừa đi làm vừa chăm sóc gia đình, con cái, chồng chỉ đóng góp về mặt kinh tế. Đối với các mối quan hệ bên ngoài, bạn bè, đồng nghiệp, chồng chị C rất chu đáo, nhớ rõ các sự kiện, hiếu hỉ để chung vui, sẵn sàng đưa rước, chia sẻ khó khăn, lo lắng cả chuyện đau bệnh, ăn uống. Ngược lại, với gia đình, anh thờ ơ, chẳng quan tâm sinh nhật vợ, kỷ niệm ngày cưới, đám tiệc, họ hàng, nhiều lần thất hứa với con… Chồng chị C thường xuyên tổ chức tiệc ở công ty nhưng chưa từng có mặt vợ. Có lúc chồng chị đối xử với vợ như người xa lạ, chuyện ai nấy làm, chị có hỏi, anh nạt ngang “Liên quan gì mà nói”. Quá chán nản, chị C buông xuôi, không còn đợi cửa hằng đêm và cũng không còn chờ chồng bên mâm cơm nguội lạnh.

Chị C chia sẻ: “Những lần con nhập viện hay tôi bị bệnh, chỉ có thể nhờ cậy người thân, bạn bè, vì chồng đang “bận việc” đâu đó. Có khi cần trao đổi gấp những chuyện quan trọng vẫn không biết anh ấy ở đâu vì gọi điện, nhắn tin không trả lời, phải nhờ người đi tìm, liên lạc giúp. Riết rồi mọi thứ tôi tự giải quyết một mình”. Với hình ảnh gia đình kinh tế khấm khá, chồng thành đạt, tốt bụng, hay giúp đỡ người khác, bạn bè nhìn vào tưởng chị C rất hạnh phúc, nhưng mấy ai biết bao đêm chị nuốt nước mắt vào lòng. Mỗi lần chị có ý định ly hôn, cha mẹ khuyên nhủ, chị lại chịu đựng. Sau đó, chị C ly thân gần 3 năm nhưng chồng vẫn không sửa đổi. Sức người có hạn, cũng đến lúc chồn chân mỏi gối. Năm rồi, khi con trai thi xong tốt nghiệp, có kết quả đậu vào trường cao đẳng yêu thích, chị C đơn phương ly hôn.

Chị T ở quận Bình Thủy cũng mang nỗi khổ vì chồng vô tâm. Sau khi cưới, vợ chồng chị T vay tiền mua căn hộ chung cư. Có con, chi tiêu ngày càng nhiều nên chị T thường nhận giúp việc nhà vào cuối tuần để có thêm tiền trang trải các chi phí, dành dụm trả nợ ngân hàng. Còn chồng chị chỉ đưa lương hàng tháng, thiếu đủ để mặc vợ xoay xở. Đi giúp việc nhà, chị T phải mang con gái 6 tuổi theo vì chồng không chịu giữ, bận giao du với bạn  bè. Buổi trưa, chị về trễ, chưa chuẩn bị cơm kịp thì chồng cằn nhằn. Những lúc chị bệnh nhờ chồng chở đi khám, mua thuốc, đưa rước con đi học… thì chồng nói những lời khó nghe. Có giai đoạn chị T nghe chồng cặp bồ, hỏi thì bị anh chửi té tát. Chị T kể: “Công việc chồng ổn định, thu nhập nhiều hơn, nhưng tôi cũng đi làm, còn phải lo chăm sóc gia đình. Ảnh hời hợt không biết tôi mệt mỏi, áp lực, quá tải ra sao. Có những lúc rất nản, nhưng thương con, tôi cố gắng. Tôi không mơ ước cao xa, chỉ mong chồng có sự quan tâm, động viên, cùng gánh vác lo cho con. Nhưng nếu tình cảnh này kéo dài, tôi không biết sắp tới ra sao?”.

Trên thực tế, nhiều chị em từng trải qua nỗi khổ “chồng vô tâm”, thể hiện ở nhiều góc độ trong cuộc sống thường ngày. Đó là sự hờ hững khi thấy vợ cực khổ không biết chia sẻ, đau ốm không hỏi thăm, vợ chăm chút nấu ăn, đã chẳng khen còn chê bai, ngày sinh nhật, ngày cưới cũng không nhớ, sẵn sàng chọn những cuộc vui chơi thay vì về với vợ con… Có những trường hợp khi cái tâm không còn đặt ở nhà nữa thì bước chân lạc lối bên ngoài, muốn hàn gắn không phải dễ dàng.

Chị Phương Hằng ở quận Cái Răng chia sẻ: “Đa số các ông chồng nghĩ rằng mỗi tháng đưa vợ ít tiền là tròn bổn phận, nhưng cuộc sống đâu chỉ có vật chất. Để xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái nên người, phải có sự chung tay từ hai phía. Những lúc khó khăn, sự yêu thương, quan tâm lẫn nhau khiến vợ chồng có thêm động lực để vượt qua”. Trước đây, chồng chị Hằng ít chia sẻ việc nhà với vợ. Đi làm về anh chơi game, xem phim, lướt  mạng xã hội… mặc vợ tất bật cơm nước, giặt giũ, dạy con học. Thấy không thể kéo dài cảnh này vì sức khỏe không kham nổi, chị Hằng trao đổi thẳng thắn, yêu cầu chồng thay đổi, nếu không thì ở riêng. Hiện tại, dù chưa phụ vợ được nhiều nhưng chồng chị Hằng đã không còn từ chối mỗi khi vợ nhờ vả, không khí trong nhà vui hơn.

Để hôn nhân viên mãn, ngoài điều kiện vật chất, rất cần sự chăm chút cho đời sống tinh thần. Quan tâm là cách tốt nhất khiến tình cảm thêm gắn kết. Vợ chồng hãy biết trân trọng hiện tại, lắng nghe, thấu cảm, ân cần, chăm sóc, dành cho nhau những điều tốt đẹp. Đừng để sự chủ quan, vô tâm làm tổn thương bạn đời, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết