11/02/2020 - 15:30

Chóng mặt, coi chừng té ngã, dễ bị tai biến 

Ghi nhận của các bác sĩ qua nhiều đợt khám chữa bệnh tại cộng đồng, nhiều người dân chưa kiểm soát tốt huyết áp, phát hiện bệnh muộn hoặc khi biết bệnh thì uống thuốc không đều đặn, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai biến mạch máu não, khiến người bệnh tàn phế, thậm chí đe dọa tính mạng.

Trong đợt khám chữa bệnh từ thiện do Hội Chữ thập đỏ quận Ninh Kiều phối hợp với Trung tâm y tế quận tổ chức nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, phục vụ hơn 200 bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường An Bình, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ Trung tâm y tế quận Ninh Kiều, ghi nhận, nhiều người dân, nhất là người cao tuổi, không biết được chỉ số huyết áp của bản thân. Điều này rất nguy hiểm cho sức khỏe, bởi sự dao động của chỉ số huyết áp tăng cao hay xuống thấp, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng bệnh nhân.

Đo huyết áp thường xuyên là cách tốt nhất để kiểm soát căn bệnh phổ biến mà nguy hiểm này. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám và tư vấn cho người cao tuổi trong dịp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí.   

Như trường hợp chú Nguyễn Văn Nam (67 tuổi), kể với bác sĩ, chú thường cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, xây xẩm mặt mày, tay chân bủn rủn. Chú phải tạm nghỉ công việc phụ hồ vì trong người không khỏe. Qua thăm khám, bác sĩ Thu Hương ghi nhận chú bị cao huyết áp, chỉ định chú phải uống thuốc ngay, đợi khoảng 20-30 phút, khi huyết áp hạ, mới nên về nhà. Bác sĩ cũng tư vấn cặn kẽ về tình trạng bệnh của chú Nam, những dấu hiệu chú thường gặp là triệu chứng của bệnh cao huyết áp, phải uống thuốc và kiểm soát huyết áp, vì bệnh rất nguy hiểm, dễ dàng biến chứng gây tai biến mạch máu não. Bác sĩ dặn chú Nam, “khi đang đi, đứng hoặc khi lái xe, nếu cảm thấy chóng mặt, phải dừng lại, ngồi xuống nghỉ cho khỏe lại mới đi tiếp; tránh để té ngã, rất dễ dẫn đến đột quỵ, biến chứng liệt bộ phận hoặc toàn thân”.

Một bệnh nhân khác, cụ bà 80 tuổi có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp nhiều năm. Bà cụ cho biết: “Bữa nào mệt, “nghe” cái đầu “lâng lâng, choáng váng” thì đem thuốc ra uống, bữa nào thấy bình thường thì ngưng, không uống. Tôi sợ uống thuốc hoài nóng trong người, với lại “lờn” thuốc. Bác sĩ Thu Hương giải thích với cụ bà, cao huyết áp là bệnh phải uống thuốc suốt đời, uống mỗi ngày, tốt nhất là uống vào một giờ cố định. Người già bị cao huyết áp, cần tránh té ngã vì dễ bị tai biến, hoặc gãy xương khớp do tình trạng loãng xương. Bệnh tai biến rất dễ tái phát và mức độ nguy hiểm lần sau cao hơn lần trước. Gia đình có người thân bị cao huyết áp thì những người khác cần phòng tránh bệnh cao huyết áp. Giải pháp hữu hiệu nhất chính là thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giảm muối trong các món ăn. Tuân thủ chế độ điều trị, uống thuốc đúng liều, đúng giờ giấc và tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý. Các món ăn trong quá trình chế biến cần giảm muối, mỡ, đường. Mỗi tuần, người cao tuổi chỉ nên có 2 ngày ăn các món chiên, xào, còn lại các ngày khác chủ yếu ăn món canh. Người cao tuổi không tự chăm sóc được bản thân, nên con cháu chú ý chăm sóc ông bà, cha mẹ. Khi người già đi khỏi nhà, nhớ mang thuốc huyết áp bên người để uống đều đặn hàng ngày.

Nhiều kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì có 8 người mắc bệnh cao huyết áp. Tuy nhiên, hơn 1/3 người bệnh cao huyết áp không có triệu chứng, biểu hiện rõ ràng, dẫn đến phát hiện muộn, tiềm ẩn nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, tử vong do đột quỵ. Đó là lý giải vì sao bệnh lý này được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Hiện nay, trên thế giới khoảng 1,4 tỉ người đang sống chung với căn bệnh này, hơn 7,5 triệu người mỗi năm chết vì bệnh này, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Bệnh ngày càng gia tăng và trẻ hóa, liên quan đến các yếu tố về di truyền, tình trạng béo phì và lối sống công nghiệp sử dụng nhiều rượu bia, thức ăn nhanh, chế độ ăn uống nhiều muối và ít vận động.

Theo Hội Tim mạch học Việt Nam, người có huyết áp bình thường có chỉ số huyết áp dưới 120/80mmHg, còn người bị cao huyết áp khi có chỉ số huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) ≥140 mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) ≥90 mmHg. Ngày nay, việc theo dõi, kiểm soát huyết áp khá dễ dàng, ở bất kỳ cơ sở y tế nào. Mọi người cũng có thể tự đo huyết áp tại nhà. Bác sĩ lưu ý, không nên hút thuốc lá, không uống cà phê trước khi đo huyết áp từ 15 - 30 phút, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, hồi hộp,... để đảm bảo kết quả đo chính xác. Theo dõi thường xuyên chỉ số huyết áp, dùng thuốc theo đơn, điều chỉnh lối sống tích cực và chế độ ăn uống lành mạnh là cách tốt nhất để phòng tránh, ngăn ngừa tác hại của bệnh cao huyết áp hiệu quả tại cộng đồng.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết