10/10/2015 - 16:26

Truyện ngắn * PHẠM TRUNG

Chông chênh tuổi ba mươi

Khi bắt đầu tuổi mười tám, với những mộng mơ về tương lai, tôi thường mong mình mau đến tuổi ba mươi. Rồi lúc ngấp ngưỡng tuổi ba mươi, tôi lại tự vấn: Có phải định mệnh an bày và tôi phải đi dọc đời chông chênh như những ngày tôi mong già đi để được chín chắn, thành công?

***

Tôi nhớ như in cảm giác vui sướng ngày mình nhận được tin đậu tốt nghiệp trung học phổ thông. Bởi nó như một chiếc vé cho hành trình vươn tới ước mơ phía trước của tôi. Những đứa bạn chung xóm sau khi tốt nghiệp cấp III thì lên Sài Gòn làm công nhân hoặc lấy chồng. Tôi dự định thi đại học, đậu hay rớt cũng về thành phố học hoặc vừa học vừa làm. Tôi nói với ba: "Ba ơi, con sẽ xa ba mẹ vài năm". Ba tôi gật đầu đồng ý, dù đôi mắt ông buồn mênh mang. Tôi đi như nhuốm thêm màu cô đơn cho căn nhà. Nhưng tôi phải đi vì những tưởng tượng về tương lai và nghĩ rằng đó là con đường duy nhất. Tôi đậu đại học sau khi xét tuyển nguyện vọng hai. Sài Gòn chật chội và ồn ào. Vì ước mơ có một việc làm ổn định, không sống bám víu vào ba mẹ, tôi nhét nỗi nhớ gia đình, làng quê vào nơi không thể chạm tới trong tâm trí. Thỉnh thoảng, ba tôi từ quê gọi điện thoại lên động viên: "Con gái của ba ráng học. Khi nào mệt mỏi thì về với ba mẹ". Tôi sống trong tuổi hai mươi ngập tràn sức sống, ước mơ.

Học xong, tôi xin làm nhân viên văn phòng của một công ty. Tôi chẳng hiểu sao mình lại làm công việc chẳng hợp với ngành đã học. Có lẽ đó là sự chấp nhận sau mấy tháng kiệt sức vì không thể xin việc làm. Tôi tự an ủi bây giờ khối đứa cùng thời với mình thất nghiệp. Ngày thứ năm đi làm, sếp hỏi tôi: "Em biết nhậu không?". Tôi thật tình: "Dạ, em cũng biết chút chút". Sếp đề nghị: "Vậy tối nay đi tiếp khách với anh". Đêm đó, tôi vùng chạy khỏi khách sạn khi nhận ra sếp đưa mình về nhầm chỗ. Và tôi tự hiểu, mình không thể tiếp tục công việc đó được nữa.

Nơi thứ hai tôi làm là một công ty tổ chức sự kiện, việc cũng làng nhàng. Tính tôi thật thà, thẳng thắn nên cũng không ở lâu được. Lần nọ, tôi dẫn chương trình cho một đám cưới, lỡ nói nhầm một câu và sếp gợi ý "Em nên xin nghỉ". Biết bao người sẵn sàng thay thế tôi. Tôi đã không xin tiền nhà mấy năm và rất khó khăn khi mất việc. Tôi đi xin việc ở một số nơi, những chỗ dễ xin thì lương thấp, trong khi mức sống ở thành phố quá cao. Những việc lương cao đòi hỏi những người giỏi, tận tâm và kiên trì với những mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng. Trong khi tôi còn chẳng biết mình muốn gì. Tôi làm lương mỗi tháng bốn triệu chín nhưng xài không đủ. Mấy đứa bạn chọc: Tụi mình đều là quân làm quận hai, xài quận nhất! Rồi nhìn nhau cười buồn.

Tôi thích nghề báo. Nhưng mẹ tôi nói con gái làm báo cực lắm, đừng thi. Tôi nghe lời mẹ khuyên thi ngành kinh tế, nếu thất nghiệp thì về mua bán tôm với mẹ cũng được. Lúc còn ở công ty sự kiện, đám bạn mấy lần xem tôi dẫn chương trình đám cưới, sinh nhật, đã khuyên tôi thử xin vào đài truyền hình xem sao, vì tôi có chất giọng và ngoại hình. Vậy là tôi thi và được nhận. Hai năm trời tiếp theo trôi đi, tôi chỉ được giao những việc lặt vặt phục vụ cho các chương trình, theo kiểu có tôi cũng được mà không cũng chẳng sao. Tôi hỏi sếp: "Chừng nào em mới có cơ hội được tham gia sản xuất một chương trình chính thức". Sếp nói ráng đợi, ở đây bao nhiêu người học đúng chuyên ngành cũng đang chờ cơ hội. Tôi chờ từng ngày. Và không chờ được, lại muốn rời khỏi nơi đó. Tôi muốn được làm một việc gì đó theo đúng sở trường, khả năng. Tôi biết cuộc đời mình sẽ không làm được gì nếu cứ sống lẩn quẩn như thế này. Tôi đã chín lần thay đổi chỗ làm, lần nào xin việc mới tôi cũng kê khai gian dối trong đơn xin việc. Không lẽ tôi lại bỏ việc lần thứ mười?

***

"...Những mối tình dẫu đắng cay vẫn đẹp - Nhưng những mối tình đã qua đi - Hãy đừng nhắc lại - Bởi cuộc sống luôn luôn bắt đầu - Và tình yêu bao giờ cũng là tình yêu thứ nhất…" (Thái Ngọc San). Tôi thích bài thơ của Lê tặng tôi trong lễ Tình nhân năm rồi. Lê là người đã níu tôi với công việc hiện tại. Anh làm ở bộ phận kỹ thuật, thời gian khá kín nhưng khoảng trống còn lại đều dành cho tôi vì gia đình ở Úc.

Trước Lê, tôi đã có vài mối tình, chưa kể sự quan tâm bên lề của mấy cậu cùng trường hay ở chung nhà trọ. Người tôi yêu đầu tiên là Quang, lớn hơn tôi hai tuổi. Anh làm kỹ sư trong một công ty chuyên về phần mềm. Chúng tôi quen nhau gần nửa năm thì ra mắt gia đình anh. Sau khi biết tuổi tôi, mẹ anh sầm mặt lại. Tôi biết mối tình của mình rơi vào tuyệt vọng, dù mẹ Quang khen tôi đẹp người, đẹp nết. Buổi cơm ở nhà Quang năm đó sao món nào cũng đắng. Với lòng kiêu hãnh, tôi từ chối Quang. Tình yêu tan vỡ với con gái là những kỷ niệm đau đớn nhưng với cánh mày râu chỉ là những sự kiện đi qua trong đời. Quang cưới vợ. Ngày đám cưới của anh, tôi biết và đến ngồi ở quán cà phê đối diện với nhà hàng. Tôi thấy Quang cười thật tươi, không có nỗi đau nào trong mắt. Tôi khóc nhiều đêm, sau đó nhận ra rằng mình cần tự chữa lành vết thương, cần một ai đó để khỏa lấp. Tôi bắt đầu tìm hiểu một vài anh chàng, nhưng thấy tất cả quá nhạt nhẽo. Giống như các chuyên gia tâm lý nói sau cuộc tình đầu tiên, bạn chỉ còn yêu với bốn hoặc năm mươi phần trăm tâm hồn.

Lê cho tôi niềm tin về một tình yêu bền vững. Hằng tuần, vào những ngày cùng nghỉ, chúng tôi nấu ăn. Ba mẹ tôi đều hài lòng về anh: ngoại hình cao ráo, việc làm ổn định, kinh tế vững chắc. Chúng tôi dự định cuối tháng sau làm đám hỏi và đầu năm sau sẽ đám cưới. Lê dự định kết hôn xong sẽ định cư ở Úc. Nhưng qua đó để làm gì và sẽ sống bằng gì? Tôi vẫn muốn ở Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu có những xung đột. Tôi có khát vọng đổi đời, về cuộc sống khác hơn hôm qua và hiện tại nhưng không phải ở một nơi xa xôi như vậy. Chúng tôi đã có những lần cãi nhau kịch liệt và lần nào anh cũng làm hòa trước. Tôi nhận thấy tình yêu thương của anh vẫn đong đầy, nhưng tôi biết những ràng buộc từ anh làm tôi không thoải mái. Tôi chia tay Lê. Mẹ nghe tôi báo tin qua điện thoại lặng thinh hồi lâu, rồi bà khóc nức nở.

***

Mẹ tôi nói: "Nếu con không muốn sống ở đó nữa thì về với ba mẹ". Tôi cảm nhận sự nồng ấm, yêu thương của mẹ mỗi lần nói với tôi như thế. Hơn mười năm nay, cuộc trò chuyện nào với tôi, mẹ cũng kết bằng câu này. Nhưng tôi chưa có lý do để về quê, trừ những ngày lễ, Tết và ba mẹ bệnh. Mẹ nói mấy năm làm thuê mà không có ý hướng nghề nghiệp rõ ràng ở Sài Gòn đã đủ lắm rồi, tôi không nên lãng phí thêm tuổi trẻ và thời gian ở đó. Tôi đồng ý với mẹ. Tôi muốn mình làm gì đó để ba mẹ có một cuộc sống tốt hơn, nhưng mọi việc dường như không dễ dàng như tôi tưởng. Nhiều năm rồi, tôi vẫn nhớ hình ảnh ba mẹ đội mưa đưa tôi ra bến đò để lên thành phố học. Tôi biết cuộc sống gia đình tôi giờ khá hơn so với những năm nuôi tôm thất bại đó. Bất chợt nhìn lại, không chỉ nhà tôi đã khang trang hơn, mà hàng xóm xung quanh cũng thay đổi khấm khá, đường quê đi lại dễ dàng, không cần phải tới bến đò mới ra được phố. Cuộc sống mới thênh thang nên khi mẹ nhớ tôi lại bắt xe đò lên thăm dễ dàng.

Ý nghĩ về quê nhen nhóm thực sự trong tôi khi lần đầu tiên nhìn rõ dáng lưng đã còng của ba mẹ lần tôi về nhà tìm chốn nương tựa sau khi chia tay Lê. Anh Hai cưới vợ rồi ra riêng. Chị Ba cũng lấy chồng xa. Mấy lần thấy mẹ khóc khi tôi chuẩn bị về thành phố, tôi dù không cầm được nước mắt nhưng vẫn chưa bao giờ có ý nghĩ ở lại. Lần này, ba mẹ chẳng nói lời nào, chỉ lặng lẽ ra vào ngôi nhà rộng thênh trống trải vì ai cũng biết sự có mặt của tôi chỉ là tạm bợ. Khi lành vết thương lòng, tôi lại ra đi.

***

Tôi lấy xe chạy vòng quanh quê nhà, giờ đã có chợ, trạm xá, trường học, cửa hàng, quán xá… nhộn nhịp người qua lại. Cơn mưa nặng hạt ban chiều vẫn rỉ rả. Chực nhớ mẹ nói đi xổ vuông với ba, tôi phóng xe ra đồng. Ba mươi tuổi tôi lại bắt đầu có những cảm xúc như năm mình mười tám: háo hức với tương lai dù vẫn tự vấn mình đã già chưa khi còn biết bao chuyện vẫn chưa làm được…

Chia sẻ bài viết