21/06/2010 - 14:16

ĐẢNG BỘ HUYỆN THỚI LAI:

Chọn khâu đột phá, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Tuyến lộ ấp Đông Hiển A, xã Đông Thuận được xây dựng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Cờ Đỏ, ngày 1-3-2009, huyện Thới Lai được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Kế thừa và phát huy những thành quả mà Đảng bộ huyện Cờ Đỏ đã đạt được, cùng với tập trung kiện toàn về tổ chức, Đảng ủy lâm thời huyện Thới Lai xây dựng nghị quyết lãnh đạo chính quyền, đoàn thể và nhân dân thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển. Năm 2010, Huyện ủy xác định một trong những khâu đột phá là: Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, thủy lợi; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nhanh và bền vững...

Những ngày trung tuần tháng 6-2010, chúng tôi về xã Đông Thuận, huyện Thới Lai. Đến thời điểm này, xã đã hoàn thành 100% chỉ tiêu xây dựng lộ giao thông năm 2010. Đồng chí Cao Thanh Long, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Từ đầu năm, Đảng ủy xã chỉ đạo chính quyền, và các đoàn thể triển khai nghị quyết của Huyện ủy, Đảng ủy xã đến các đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân, nhất là chủ trương chọn khâu đột phá là đẩy mạnh xây dựng giao thông nông thôn nhằm tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế – xã hội. Trong quá trình cụ thể hóa nghị quyết, Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ, đoàn thể thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Mỗi công trình triển khai xây dựng, dù lớn hay nhỏ, đều tổ chức họp dân để bà con góp ý, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân”.

Tuyến lộ về ấp Đông Hiển A, xã Đông Thuận, được trải bê tông thẳng tắp. Ông Lê Văn Sầm – một người dân ở ấp Đông Hiển A, nhớ lại: “ Tuyến lộ này trước đây chỉ đổ đá bụi, mùa mưa sình lầy, đi lại rất khó khăn. Cuối năm 2009, chính quyền địa phương nhiều lần họp dân triển khai chủ trương của Huyện ủy và Đảng ủy xã về xây dựng lộ. Khi bà con đồng ý, chúng tôi tiếp tục đề xuất phương án thi công, mức đóng góp để bà con góp ý kiến, chọn phương án tốt nhất...”. Nhiều đảng viên có nhà trên tuyến lộ đã nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu trong phong trào. Điển hình như ông Trương Văn Thum, Bí thư Chi bộ, không chỉ hiến đất, góp tiền mà còn tích cực tham gia Ban vận động, đến vận động, thuyết phục các hộ dân góp sức người, sức của để làm lộ. Đến với các hộ nghèo, cận nghèo không có tiền đóng góp đều được chính quyền địa phương đưa ra cuộc họp dân để bà con bình nghị công khai, xét chế độ miễn, giảm, đóng tiền nhiều lần... Nhờ vậy, tuyến đường dài 1.400m với tổng kinh phí xây dựng trên 300 triệu đồng trong đó dân đóng góp 60% kinh phí, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng chỉ sau vài tháng vận động và thi công. Ông Lê Văn Song, nhà ven tuyến đường này, cho biết: “Gia đình tôi không có đất đai, cả vợ chồng, con cái đều đi làm mướn kiếm sống. Thấy gia cảnh của tôi quá khó khăn nên bà con đã thống nhất miễn đóng góp tiền xây dựng. Những gia đình chính sách, neo đơn, các hộ nghèo khác... đều được chính quyền địa phương đưa ra lấy ý kiến bà con xét miễn đóng góp tiền làm lộ. Cách giải quyết thấu tình đạt lý đó được nhiều người đồng tình”.

Không riêng xã Đông Thuận, ở thị trấn Thới Lai và xã Đông Bình, cùng với đóng góp xây dựng lộ giao thông, nhân dân còn tích cực góp phần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, nạo vét các tuyến kinh nội đồng đã bồi lắng để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, chủ động sản xuất lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản. Từ sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện đã bê-tông mới 57.271 mét lộ, đạt 57,3% kế hoạch; làm mới và sửa chữa 24 cây cầu ván; hoàn thành 13 công trình thủy lợi nội đồng... Những tuyến đường hoàn thành giúp việc giao thông, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, thêm hệ thống đê bao khép kín đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo sự vận động của chính quyền, các đoàn thể địa phương. Đồng chí Huỳnh Ngọc Thạch, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, UBND huyện chỉ đạo các xã vận động mỗi hộ gia đình đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các loại sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu sinh hoạt hàng ngày và tiến tới có tích lũy. Trong đó, chú trọng các giải pháp: xây dựng vùng lúa chất lượng cao, kết hợp nuôi trồng thủy sản, cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao”... Cùng với việc tiến hành rà soát qui hoạch từng vùng, đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống đê bao kiểm soát lũ, Huyện ủy chỉ đạo chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), hỗ trợ bà con nông dân về vốn, cây, con giống... để từng bước chuyển đổi sản xuất.

Tại thị trấn Thới Lai, dù đang vào mùa thu hoạch vụ lúa xuân - hè, nhưng nhiều nông dân vẫn dành thời gian đến dự lớp chuyển giao KHKT nuôi tôm càng xanh do Hội Nông dân thị trấn phối hợp Chi Cục Thủy sản Cần Thơ tổ chức. Anh Nguyễn Văn Đen, Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch thị trấn Thới Lai, cho biết: “Trước đây, nông dân thị trấn đa số làm 3 vụ lúa/năm, mô hình này làm cho đất nông nghiệp ngày càng cằn cỗi, hiệu quả sản xuất không cao. Để bà con yên tâm chuyển đổi sang cơ cấu sản xuất 2 lúa - 1 màu, 2 lúa - 1 cá, 1 lúa - 1 tôm, từ đầu năm đến nay, Đảng ủy đã chỉ đạo các đoàn thể, nhất là Hội nông dân liên hệ ngành nông nghiệp, khuyến nông tổ chức nhiều đợt chuyển giao KHKT, hội thảo đầu bờ, xây dựng mô hình thí điểm, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nhanh các tiến bộ KHKT ứng dụng vào sản xuất. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của thị trấn đạt 61,76 ha, trong đó có nhiều mô hình mới như: nuôi tôm, cá, ếch...”. Anh Hồ Văn Đông, một nông dân ở ấp Thới Thuận A, mới đầu tư 1 ha đất để nuôi tôm, phấn khởi nói: “Qua các lớp tập huấn, hội thảo, tôi từng bước nắm được kỹ thuật nuôi tôm nên đã mạnh dạn áp dụng mô hình 1 lúa-1 tôm. Dù vụ tôm này chưa thu hoạch nhưng tôi dự đoán kết quả sẽ rất khả quan!”. Bên cạnh đó, Đảng ủy thị trấn Thới Lai cũng chỉ đạo Hội nông dân quan tâm củng cố, nâng chất hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, nhằm đẩy mạnh kinh tế hợp tác. Hiện nay, thị trấn có 3 Hợp tác xã, 24 tổ hợp tác. Ông Phạm Văn Tài, Tổ trưởng tổ hợp tác số 1, ấp Thới Phước, nói: “Tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên có điều kiện tương trợ nhau về vốn, phương tiện canh tác, chia sẻ kinh nghiệm mới về trồng trọt, chăn nuôi... vì vậy, bà con rất ưng bụng, số lượng người tham gia ngày càng đông. Tổ của tôi trước đây chỉ có khoảng 30 người, giờ đã tăng lên 59 thành viên”.

Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Thới Lai về phát triển kinh tế hộ gia đình, Đảng ủy xã Đông Thuận đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình “phát triển kinh tế hộ”, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển từng lĩnh vực: nuôi trồng thủy sản, trồng màu, cải tạo vườn tạp... Đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã điều tra hiện trạng đất đai, vườn, ao hồ... để định hướng cho từng hộ thực hiện phát triển kinh tế theo nguyện vọng. Nhiều cán bộ, đảng viên đã tiên phong đầu tư chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Điển hình như anh Phan Phúc, Bí thư chi bộ ấp Đông Thắng, đã mạnh dạn chuyển toàn bộ 6 công ruộng sang mô hình 2 lúa – 1 cá. Riêng đối với 2 công vườn, anh Phúc mạnh dạn phá bỏ cây tạp, trồng mít ruột đỏ, xoài cát Hòa Lộc. Trong khi chờ vườn cây ăn trái cho huê lợi, anh Phúc áp dụng mô hình lấy ngắn nuôi dài, trồng xen khổ qua, đu đủ, bắp lai, đào ao nuôi cá... Cũng như anh Phúc, anh Nguyễn Văn Thời, Trưởng ấp Đông Thắng cũng tiên phong trong việc phá bỏ vườn tạp, trồng cây ăn trái, trồng xen rau màu dọc trên bờ đê và áp dụng mô hình 2 lúa-1 cá. Điều đáng mừng là từ các mô hình sản xuất, kinh doanh của các đảng viên, phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngày càng được nhân rộng toàn xã Đông Thuận. Nhất là mô hình nuôi trồng thủy sản đã được một số nông dân các ấp Đông Thạnh, Đông Hiển, Đông Hiển A, Đông Thành, học tập kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của HĐND huyện, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong 6 tháng đầu năm ở huyện Thới Lai vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi còn chậm, diện tích trồng màu mới đạt trên 51%, kế hoạch năm; thủy sản chỉ đạt 17,17%, diện tích hợp đồng được bao tiêu sản phẩm của các công ty còn thấp; công trình thủy lợi nội đồng mới đạt hơn 37% ... Theo các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy Thới Lai, từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác duy tu, xây dựng lộ giao thông, thủy lợi; tăng cường vận động bà con chuyển đổi sản xuất, trồng màu, nuôi tôm, cá trên ruộng, hạn chế sản xuất lúa vụ 3; phối hợp với các công ty, chế biến nông sản bao tiêu sản phẩm cho nông dân; tập trung chuyển giao tiến bộ KHKT, xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, cải tạo vườn tạp... để thực hiện đạt các chỉ tiêu năm 2010 mà Đảng bộ lâm thời huyện đã đề ra.

Bài, ảnh: SỸ KHANG

Chia sẻ bài viết